Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 5: “Lợi dụng” thị trường chứng khoán
Tội phạm rửa tiền lợi dụng triệt để sự "bùng nổ" của khoa học công nghệ và lỗ hổng pháp luật để hoạt động. Ảnh minh họa
Tội phạm rửa tiền lợi dụng triệt để sự "bùng nổ" của khoa học công nghệ và lỗ hổng pháp luật để hoạt động, vài năm gần đây, chúng hướng đến thị trường chứng khoán như mảnh đất màu mỡ…
- 04-08-2022Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 4: “Phù phép” bằng cờ bạc trực tuyến
- 03-08-2022Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 3: “Tiền bẩn” ẩn dưới vỏ bọc tiền ảo
- 02-08-2022Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 2: Núp bóng công ty “ma”
- 01-08-2022Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 1: “Xóa dấu vết” qua bất động sản
Đó là chia sẻ của các chuyên gia pháp lý trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh những thủ đoạn, chiêu thức của các nhóm tội phạm rửa tiền hiện nay.
Theo các chuyên gia, trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận nhiều cột mốc đáng nhớ và ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ cùng sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thị trường chứng khoán đã và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán và đi ngược lại với lợi ích chung của quốc gia. Đặc biệt là những rủi ro dễ bị tội phạm lợi dụng kẽ hở để thao túng, rửa tiền .
Cũng liên quan tới những vi phạm trong thị trường chứng khoán , còn nhớ, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội vào đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã cho biết, những dòng tiền bất thường, những giao dịch bất thường đang được kiểm tra và xử lý.
"Thông qua kiểm tra đã phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Đánh giá về nguyên nhân ở thị trường chứng khoán, tội phạm rửa tiền ngày càng gia tăng, các chuyên gia cho rằng, lý do là bởi hiện nay pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ về kiểm soát nguồn gốc tài chính.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật gia Trần Hồng Tình (Hội luật gia TP Hà Nội) cho biết, để thực hiện hành vi rửa "tiền bẩn" thành "tiền sạch", bọn tội phạm sẽ đưa tiền mặt bất hợp pháp đến các trung tâm giao dịch chứng khoán để mua cổ phiếu chứng khoán, trái phiếu chính phủ. Để tránh sự chú ý và nghi ngờ của cơ quan quản lý, tội phạm sẽ thực hiện thủ đoạn đó là chia nhỏ đồng tiền bằng cách mua nhiều cổ phiếu khác nhau, sau đó gom các cổ phiếu lại thành một khoản lớn.
Thậm chí, tội phạm rửa tiền còn mua cả cổ phần giả tạo do chính các công ty bình phong phát hành. Bởi chúng thường không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khi lựa chọn để đầu tư, do đó, chúng mua cổ phần chứng khoán bằng mọi giá.
"Đối với thị trường chứng khoán liên quốc gia, số cổ phiếu này sau đó có thể được tung ra ở các thị trường nước ngoài để biến chúng thành những đồng tiền hợp pháp", luật gia Trần Hồng Tình nói.
Vài năm gần đây, tội phạm rửa tiền nhắm đến thị trường chứng khoán như một mảnh đất màu mỡ. Ảnh minh họa
Cũng theo vị luật gia này, tội phạm rửa tiền thông qua chứng khoán gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của quốc gia. Cụ thể, với những nước mới phát triển hoặc đang trên đà phát triển như Việt Nam, vấn nạn rửa tiền có thể làm ảnh hưởng đến ngân sách của Chính phủ, khiến nguồn ngân sách bị thất thoát từ nguồn thuế dẫn tới tình trạng Chính phủ mất kiểm soát các chính sách kinh tế.
Hệ lụy tiếp theo đó là làm suy yếu khu vực kinh tế tư nhân. Bởi để thực hiện hành vi rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường thành lập những công ty tư nhân để làm "lá chắn" thực hiện các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp.
"Với những khoản tiền bất hợp pháp các công ty tư nhân này sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm có giá thành thấp hơn giá sản xuất, dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp hợp pháp, khiến công ty có thể phá sản", luật gia Trần Hồng Tình phân tích.
Hệ lụy đáng chú ý theo vị chuyên gia này là có thể dẫn đến việc lũng đoạn hệ thống tài chính, gây nên những hậu quả tai hại cho các định chế tài chính, như gánh chịu các rủi ro về uy tín, nghiệp vụ, pháp lý. "Một thị trường chứng khoán tồn tại hành vi rửa tiền sẽ gây ảnh hưởng đến tính thanh khoản của toàn bộ thị trường cũng như uy tín đối với nhà đầu tư", vị này nói.
Để giảm thiểu rủi ro trên thị trường chứng khoán nói chung và ngăn chặn vấn nạn rửa tiền, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng văn phòng Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, cơ quan quản lý phải tăng cường khả năng giám sát, nhất là hoạt động phòng, chống thao túng giá nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, cũng như ổn định thị trường. Quan trọng hơn, bản thân các nhà đầu tư cũng phải cẩn trọng để lựa chọn những doanh nghiệp có "lý lịch đẹp".
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất để có thể xử lý nghiêm minh các hành vi rửa tiền nói chung và rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng.
Đối với các công ty chứng khoán, lực lượng Công an cần phổ biến, cung cấp các phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng phạm tội để các công ty chứng khoán có biện pháp nhận biết khách hàng của mình.
"Đồng thời, các định chế tài chính cũng phải thường xuyên cung cấp các thông tin, tài liệu nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội rửa tiền để lực lượng Công an có phương hướng, biện pháp xác minh và điều tra khám phá khi có dấu hiệu tội phạm", Trưởng văn phòng Bách Gia Luật và Liên danh kiến nghị.
Diễn đàn doanh nghiệp