Nhân lực bán dẫn Việt Nam nhìn từ nhận định của CEO NVIDIA: Một số quốc gia có dầu mỏ, cao su, Việt Nam lại có những startup trẻ học vấn tầm cỡ thế giới trở về gây dựng quê nhà
"Những startup trẻ có năng lượng dồi dào, học vấn tuyệt vời, tầm cỡ thế giới, và đều là người Việt. Họ muốn trở về Việt Nam, muốn trở về quê hương, vì họ nhận thấy những điều mà chúng tôi cũng nhận thấy – cơ hội của Việt Nam lúc này", ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA – nhìn nhận khi tới Việt Nam hồi cuối năm ngoái.
- 15-04-2024Ông Trương Gia Bình hối hận: Nếu ngày xưa tôi hiểu về bán dẫn thì giờ đã khác, đang đề xuất cấp visa đặc biệt để kỹ sư Việt Nam vào Mỹ
- 08-04-2024“Gã khổng lồ” nằm trong top 10 ngành chip bán dẫn của nước Mỹ muốn tăng đầu tư vào Việt Nam
- 17-01-2024Ông Trương Gia Bình: Thanh niên Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... 'ngại' làm trong ngành bán dẫn vì vất vả sẽ là cơ hội cho người trẻ Việt Nam
"Một số quốc gia có dầu mỏ, cao su, khoáng sản, các bạn lại có tài nguyên quý báu nhất – nguồn lực con người", ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA – nhìn nhận tại Tọa đàm "Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam" hồi cuối năm 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
"Những con người được gieo trồng những hạt giống từ giáo dục STEM, với tinh thần vô giá. Những startup trẻ có năng lượng dồi dào, học vấn tuyệt vời, tầm cỡ thế giới, và đều là người Việt. Họ muốn trở về Việt Nam, muốn trở về quê hương, vì họ nhận thấy những điều mà chúng tôi cũng nhận thấy – cơ hội của Việt Nam lúc này", ông Jensen Huang nói thêm.
CEO NVIDIA cũng đồng tình với nhận định thời điểm hiện tại là cơ hội ngàn năm có một của Việt Nam.
Góp ý về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Việt Nam mới đây, ông Hùng Trần - Giám đốc điều hành GotIt! - nhấn mạnh về nguồn lực những chuyên gia người Việt ở nước ngoài.
Ông Hùng Trần là cựu nghiên cứu sinh Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) ngành Khoa học Máy tính, Đại học Iowa (Mỹ). Ông nhìn nhận việc tận dụng sức mạnh của những chuyên gia người Việt ở nước ngoài là "một chiến lược ngắn hạn rất thông minh".
"Chúng ta có rất nhiều người Việt đang làm việc thực tế ở các công ty toàn cầu chứ không chỉ là giảng dạy hay nghiên cứu. Nếu trong chiến lược ngắn hạn chúng ta có những người nhanh chóng làm được việc trong vòng 24 tháng tới, thì phải ngay lập tức thu hút được đội ngũ này".
"Và trong chương trình đào tạo, đào tạo lý thuyết là một chuyện nhưng làm được việc là một chuyện khác. Khi chúng ta thu hút được mạng lưới này về, thậm chí là có thể có chương trình một kèm một để các chuyên gia người Việt ở nước ngoài thực sự giúp cho các học viên ở Việt Nam chuyển đổi sang ngành này có thể làm được việc. Đấy là một việc rất quan trọng bởi vì nếu học mà không có thực hành, không có người hướng dẫn thì sẽ rất khó, chỉ biết qua qua mà thôi", CEO GotIt! chia sẻ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây.
Cần tính đến những kỹ sư bán dẫn giai đoạn cuối đề án 2050 - những người đến giờ vẫn chưa ra đời
Về dài hạn, ông Hùng Trần cho rằng cần tính đến những kỹ sư bán dẫn "đời cuối" đề án – năm 2050 - những kỹ sư đến giờ còn chưa được sinh ra.
"Bây giờ chúng ta có chương trình như nào cho họ? Phải có những chương trình đào tạo cho học sinh từ cấp 1, cấp 2. Khi muốn có những người giỏi, những kỹ sư có thể thiết kế được, chúng ta phải có học sinh thật tốt ngay từ khi còn bé chứ không thể đến khi người ta bảo học mới bắt đầu đào tạo".
"Thay mặt cho những người là người Việt làm việc ở nước ngoài và cá nhân tôi làm việc ở Thung lũng Silicon, sẵn sàng hợp tác với Chính phủ, hợp tác với các đơn vị ở trong nước để Việt Nam tận dụng những cơ hội này. Chúng ta không thể chờ mãi được mà phải tiến hành ngay. Nếu có các công việc cụ thể, đội ngũ người Việt làm việc ở nước ngoài rất sẵn sàng hợp tác để tận dụng được cơ hội này", ông Hùng nói.
"Nguồn nhân lực ở nước ngoài vô cùng quan trọng", ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam – bày tỏ.
"Nguồn lực này có thể giúp chúng ta vừa đảm bảo chất lượng đã được kiểm chứng ở trên thị trường toàn cầu đồng thời cũng rút ngắn được thời gian để chúng ta có thể bắt kịp được năng lực của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và phục vụ cho nhu cầu trong nước. Vì vậy cần phải có chính sách để thu hút nguồn lực nhập khẩu này".
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam một cách hoàn chỉnh nhưng phải có lộ trình, gần 30 năm (thực ra là 26 năm) chia làm 3 giai đoạn: Từ nay đến năm 2030; giai đoạn 2030-2040 và giai đoạn 2040-2050. Trong lộ trình 30 năm này, công nghiệp bán dẫn Việt Nam không chỉ làm một số công đoạn mà chúng ta sẽ tự chủ đầy đủ các công đoạn bán dẫn và Việt Nam là thị trường chủ lực.
Trước mắt, xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam.
"Khả năng đáp ứng các nhu cầu về nhân lực chủ yếu là đi vào đào tạo lại và đào tạo trực tiếp trong ngắn hạn. Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 12 tháng", Bộ trưởng Hùng nói.
An ninh tiền tệ