Nhan nhản phân bón giả, kém chất lượng ở ĐBSCL
ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước với diện tích lúa 1,6 triệu ha. Mỗi vụ lúa, sản lượng phân bón bà con sử dụng lên tới vài trăm ngàn tấn. Đây chính là "vùng đất màu mỡ" nhất của những nhà sản xuất phân bón.
- 28-06-2017Phân bón giả: Nông nghiệp kiệt quệ, chính quyền "đá bóng" trách nhiệm
- 10-05-2017TP HCM: Tiêu hủy 22 tấn phân bón giả
- 07-05-2017Biện pháp nào quản lý phân bón giả, kém chất lượng?
Hiện trên địa bàn ĐBSCL có hàng trăm nhãn hiệu phân bón khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng lại tỷ lệ nghịch với số lượng.
Bốc mẫu đâu, sai phạm đó
Vừa qua, một số tỉnh thành vùng ĐBSCL đã thực hiện việc siết chặt quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) nói chung và phân bón nói riêng. Chỉ sau vài đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng. Đáng chú ý, có những đại lý, cơ sở kinh doanh chỉ qua một lần bốc mẫu kiểm tra đã phát hiện 2 – 3 mặt hàng vi phạm.
Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng
Trà Vinh được xem là tỉnh quyết liệt với nạn phân giả, kém chất lượng. Trong 3 năm qua, Sở Công thương đã lấy 158 mẫu phân bón kiểm tra, thì phát hiện 69 mẫu phân bón giả, kém chất lượng. Theo đánh giá của ngành công thương Trà Vinh, cứ 10 mẫu phân thì có 4 mẫu không đạt. Phân bón giả, kém chất lượng chiếm tới hơn 40% các mẫu phân bón đã lấy, quả là thực trạng nhức nhối.
Mới đây, tỉnh này có đợt ra quân “càn quét” các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón có vấn đề nhưng sau mỗi đợt ra quân, thị trường lại đâu vào đấy. Theo bà Dương Thị Thương, Chánh Thanh tra Sở Công thương Trà Vinh, đoàn công tác đã kiểm tra 1 công ty và 31 cửa hàng VTNN, lấy 13 mẫu phân bón gửi đi kiểm nghiệm, thì có 5 mẫu sai phạm...
2 sản không có giá trị sử dụng (có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70%) gồm: Phân bón NPK 20-20-15-TE (Cty TNHH TM – XNK Phân bón Việt Thắng, trụ sở tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng Phot- pho (P2O5) chỉ đạt 9,76%, bang 48,8% chỉ tiêu chất lượng đăng ký. Sản phẩm phân NPK 16-16-8-TE (Cty Hóa nông Mùa Vàng, trụ sở Long An) có hàm lượng Nitơ (N) đạt 82,5% và Phot- pho chỉ đạt 60,5% so với công bố. Cơ quan chức năng Trà Vinh đã kết luận hai loại phân trên là giả.
Kinh doanh 3 loại phân giả
Còn tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay đoàn liên ngành 389 đã hai lần ra quân lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng phân bón vô cơ. Kết quả đợt 1 cho thấy, lực lượng chức năng đã kiểm tra 31 cửa hàng kinh doanh phân bón. Lấy 77 mẫu phân gửi đi kiểm nghiệm chất lượng theo các tiêu chí nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng hóa, tất cả có 13 mẫu phân của 11 cửa hàng VTNN không đạt chất lượng như công bố.
Hai mẫu phân bón giả bị lực lượng chức năng Trà Vinh phát hiện trong đợt kiểm tra vừa qua
Vừa qua, ngành chức năng tỉnh này đã ra quân đợt 2. Mặc dù đã bị đánh động ở đợt kiểm tra đầu tiên nhưng vẫn có hơn chục sản phẩm phân sa lưới. Đáng nói là có những cửa hàng VTNN không màng tới chất lượng sản phẩm, đạo đức trong kinh doanh mà chỉ chạy theo lợi nhuận, bán cùng lúc 2 – 3 mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng.
Ông Lê Hùng An, Chánh Thanh tra Sở Công thương Vĩnh Long vừa ký hàng loạt quyết định xử phạt ở đợt thanh, kiểm tra thứ 2. Trong đó, đáng chú ý có cửa hàng VTNN Hồng Khánh (ấp Ngãi Hòa, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) kinh doanh cùng lúc một sản phẩm phân không đạt chất lượng, một sản phẩm phân giả, đã bị phạt số tiền 38,79 triệu đồng cho hành vi sai trái trên.
Đặc biệt, kết quả kiểm nghiệm mẫu tại cửa hàng VTNN Yến Nhi (ấp Mỹ Phú, xã Tân Hội, TP.Vĩnh Long) cho thấy, đại lý này kinh doanh cùng lúc 3 sản phẩm phân bón vô cơ không đạt tiêu chuẩn. Theo quyết định xử phạt, cửa hàng VTNN Yến Nhi đã kinh doanh nhãn hiệu phân bón cao cấp 20-15-5+TE của Cty TNHH Sản xuất Phân bón Nông Phát, tại 58 Đình Nghi Xuân, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM chỉ đạt 80,75% so với chất lượng đã công bố (phân kém chất lượng).
Bên cạnh đó, cơ sở này còn kinh doanh thêm 2 loại phân bón giả, không có giá trị sử dụng của Công ty Phân bón An Phú Thịnh (số 24, đường 42, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM) là phân dạng viên 1 màu 32-10-10+TE và phân dạng viên 1 màu 17-17-17+TE. Cửa hàng VTNN này bị phạt tổng số tiền hơn 32,9 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Công thương Vĩnh Long cho biết, để công bằng với người sử dụng, ngành công thương tỉnh quyết định công bố danh sách các cửa hàng VTNN kinh doanh không chân chính để răn đe. Dưới đây là danh sách 11 cửa hàng VTNN sai phạm trong đợt kiểm tra đầu tiên của đoàn liên ngành 389 Vĩnh Long:
1/ Cửa hàng VTNN Vạn Hưng (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình)
2/ Cửa hàng VTNN Trường Trạng (xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh)
3/ Cửa hàng VTNN Minh Phát (xã Tân Lộc, huyện Tam Bình)
4/ Cửa hàng VTNN Hoàng Năm (xã Tân Lộc, huyện Tam Bình)
5/ Cửa hàng VTNN Lộc Chính (xã Tân Phú, huyện Tam Bình)
6/ Cửa hàng VTNN Như Ý (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình)
7/ Cửa hàng VTNN Hai Pho (xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân)
8/ Cửa hàng VTNN Ưng Yến (xã Đông Thạnh, TX.Bình Minh)
9/ Cửa hàng VTNN Thanh Giang (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân)
10/ Cửa hàng VTNN Khởi Uyên (xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân)
11/ Cửa hàng VTNN Út Điệp (xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm)
Danh sách các cửa hàng VTNN sai phạm trong đợt thứ 2 sẽ được ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long công bố chính thức trong thời gian tới.
Nông nghiệp Việt Nam