Nhận ra 3 bài học khi bị sa thải sau 12 năm gắn bó với công ty
'Tôi từng nghĩ bản thân sẽ làm nhân viên Sale suốt đời, tuy nhiên câu nói: 'A bị sa thải' của sếp cũ đã thức tỉnh tôi'.
- 18-04-2023Người EQ cao luôn biết 3 cách 'lùi bước' thể hiện đỉnh cao ứng xử, trí tuệ hơn người
- 17-04-2023Vì sao cứ 10 người trúng số thì 7 người rơi vào bi kịch cay đắng, 'tan cửa nát nhà': Nghèo vẫn hoàn nghèo vì 4 nguyên nhân bất ngờ
- 16-04-2023Nữ đại gia tiết kiệm được 11 tỷ đồng nhưng không dám mua đồ quá 600 nghìn gây tranh cãi: Vậy tiêu tiền thế nào mới là 'tận hưởng cuộc sống'?
"Thất nghiệp ở tuổi 37, có phải tôi là một kẻ thất bại hay không?"
Đây là lời mở đầu trong lời chia sẻ của người đàn ông 37 tuổi tên T., nhận quyết định nghỉ việc tại một đại lý ô tô 4S sau 12 năm gắn bó. Câu chuyện được anh đăng tải trên nền tảng Zhihu (Trung Quốc) và nhận được nhiều chú ý.
Nhận quyết định nghỉ việc sau 12 năm gắn bó
"Vào ngày nhận được thông báo từ lãnh đạo, tôi nhớ bản thân đã vô cùng tức giận, buồn bã và không muốn trở về nhà.
Tôi đã làm việc tại vị trí nhân viên bán hàng của cửa hàng này được 12 năm, thậm chí còn từng làm đến cửa hàng trưởng. Tôi luôn cảm thấy năng lực mình tốt, EQ cũng không tồi. Nếu không tại sao thỉnh thoảng vẫn có công ty săn đầu người chủ động liên hệ với tôi? 'Không thể tìm được việc làm' hay 'thất nghiệp', điều này đã không có trong suy nghĩ của tôi từ 5-7 năm trước.
Điều đáng buồn cười hơn là khi chủ động liên hệ lại với các công ty săn đầu người, họ liền từ chối tôi. Có rất nhiều lý do để bộ phận tuyển dụng đưa ra: 'Dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng quá nhiều', 'Công ty đã tìm được người phù hợp hơn'... Thậm chí, có bên còn nói thẳng độ tuổi của tôi giờ đã quá lớn, khó có thể cạnh tranh với lớp người trẻ tuổi, đặc biệt là trong thị trường lao động ngành Sale.
Những ngày thất nghiệp quả thật khó khăn với tôi. Tôi không dám chia sẻ câu chuyện này với bố mẹ và vợ con. Đêm nào tôi cũng trằn trọc, lo nghĩ đến gánh nặng kinh tế sẽ ập đến với gia đình mình chỉ vài tháng sau.
7h20 sáng chuông reo, tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm, làm vệ sinh cá nhân và cạo râu. Việc cạo râu rất quan trọng, nhất là với nhân viên bán xe hơi - chúng tôi rất cần hình ảnh chỉn chu trước mặt khách hàng. Sau đó, tôi mặc áo vest và đeo cà vạt. Đúng 8h00, tôi bước chân ra khỏi nhà và giả vờ bản thân vẫn đang đi làm.
Những ngày thất nghiệp, nếu không có lịch hẹn phỏng vấn, tôi thường ngồi tàu điện ngầm và đi lang thang đâu đó để giết thời gian.
Tôi luôn cố gắng giữ mọi khoản chi tiêu ở mức tối thiểu nhất, trừ tiền vé tàu điện ngầm.
Tôi có xe hơi riêng, nhưng tôi chọn gửi xe ở bãi đậu miễn phí của thành phố, sau đó lên tuyến tàu điện ngầm bởi tôi muốn tiết kiệm tiền xăng. Cũng trong bãi đậu xe miễn phí này, có một ấm đun nước đặt ở ngoài nên bạn không cần tốn tiền mua nước uống. Buổi sáng, tôi ăn hai cái bánh bao, chỉ có giá 3.6 tệ (khoảng 13 nghìn đồng). Bữa trưa, tôi cũng chỉ ăn hai cái bánh bao đó. Còn lại, tôi không mất thêm chi phí nào khác.
Một ngày nọ, khi tôi đang ở trên tàu điện ngầm, vợ gửi tin nhắn yêu cầu tôi chuyển khoản 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng). Cô ấy nói muốn đăng ký cho con trai một lớp học trực tuyến. Tôi đã nói với cô ấy rằng đừng tạo thêm áp lực học hành cho con trai, còn nói thêm, nếu cô ấy thực sự đăng ký khoá học đó, thằng bé sẽ không thể theo kịp kiến thức ở trường. Tất nhiên, đó chỉ là lời nguỵ biện của tôi. Lý do sâu xa là bởi khoản tiền học phí của con trai đã vượt quá ngân sách chi tiêu của tôi.
Sau đó, vợ tôi bấm gọi điện cho tôi. Tôi dập máy ngay sau đó vì không muốn vợ nghe thấy tiếng âm thanh trên tàu điện ngầm. Để tránh vợ tiếp tục yêu cầu tôi chuyển khoản, tôi nói rằng mình đang họp.
Một buổi tối khác, bố tôi nói: 'Có phải con đang thất nghiệp hay không? Không có tiền thì cứ hỏi vay bố. Nếu cần học thêm kiến thức thì hãy bỏ tiền đi học'. Tôi cố kìm nước mắt, thật sự muốn khóc thật to và nhận lấy tiền của bố như hồi còn nhỏ. Tuy nhiên, ý chí của tôi đã kìm lại, bởi tôi không muốn động vào khoản lương hưu của ông.
Nộp CV ở khắp mọi nơi, nhưng tôi vẫn không tìm được công việc phù hợp. Cảm giác tự ti và thất bại ngày càng 'quấn' tôi chặt hơn, biến tôi thành một con người khác.
Có một hôm, vợ và con trai nói rằng muốn ăn tôm hùm. Trong cơn tức giận, tôi đã hét lên với họ: 'Anh không có tiền'. Sau đó, tôi chạy ra khỏi nhà, tìm đến nhà bạn khóc và nghĩ về hai tháng thất nghiệp vừa qua.
Sau một trận khóc đã đời, tôi đến cửa hàng bán tôm hùm, bảo họ đóng gói những con tôm mang về nhà. Vốn dĩ tôi đã nghĩ đủ mọi trường hợp để giải thích cho sự nóng giận của tôi, thế nhưng vợ lại chọn cách im lặng, không hỏi han điều gì.
Nhìn dáng vẻ ngồi ăn uống vui vẻ của vợ và con trai, tôi bỗng nhiên cảm thấy hạnh phúc không phải đo đếm bằng tiền bạc mà là việc trân trọng từng năm tháng bình yên.
Sau đó, tôi đã thú nhận câu chuyện thất nghiệp với vợ. Tôi cũng từ bỏ ý định tìm kiếm công việc nhân viên bán hàng của một hãng ô tô nào đó - lĩnh vực tôi từng gắn bó suốt 20 năm.
Chuyển phát nhanh, giao đồ ăn hay làm công việc văn phòng bản thân từng chán ghét... tôi đã chấp nhận mình có thể làm bất kỳ việc gì, miễn là công việc đó có thể tạo ra thu nhập.
Tôi vẫn mặc vest, đeo cà vạt vào mỗi buổi sáng. Thế nhưng, tôi đã không cần cạo râu mỗi ngày nữa.
Khởi đầu lại ở tuổi 37
Sau khoảng 3 tháng, do nhận được nhiều quan tâm từ các tài khoản mạng xã hội, T. đã đăng tải bài viết cập nhật cuộc sống hiện tại của bản thân.
Theo anh chàng, giờ đây anh không làm trong lĩnh vực Sale mà chuyển sang làm nhân viên phát triển đối tác cho một doanh nghiệp nhỏ. Bước khởi đầu tương đối khó khăn vì anh phải làm quen với một vị trí và công việc hoàn toàn mới.
Trích một phần bài đăng của chủ tài khoản:
"[...] Thất nghiệp ở tuổi 37 khiến tôi phải cân nhắc kỹ các lựa chọn cho tương lai.
Nhiều người gợi ý tôi nên khởi nghiệp. Thế nhưng, tôi đã có kinh nghiệm làm Sale tại cửa hàng ô tô lớn trong 20 năm. Do đó, tôi luôn tin một mô hình bán hàng dù lớn hay nhỏ đều yêu cầu người chủ có kiến thức và kỹ năng tốt trên mọi phương diện. Không chỉ là vốn lớn đâu, bạn cần có kỹ năng lãnh đạo, quan sát tình hình thị trường, nguồn thu mua vật liệu... và tất nhiên có cả vài 'mánh khoé' để chơi lại đối thủ.
Mà trong suốt vài chục năm đi làm của mình, kiến thức của tôi chỉ gói gọn trong việc làm thế nào để tìm kiếm khách hàng và làm hài lòng họ bằng quy trình cung ứng dịch vụ.
Tất nhiên, tôi cũng có một khoản tiền tiết kiệm khá lớn sau nhiều năm đi làm. Thế nhưng, tôi không thể liều lĩnh đánh đổi số tiền đó để khởi nghiệp, bởi tôi còn một khoản thế chấp khi mua nhà. Mặt khác, tôi còn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già, vợ và con trai. Tôi có thể chịu khổ sở nếu việc kinh doanh thất bại và thua lỗ, còn họ thì không.
Sau cùng, tôi chọn đi làm công việc văn phòng bình thường. Khởi đầu công việc mới không quá suôn sẻ, hiệu quả tôi mang lại cho công ty không cao. Các đồng nghiệp ở phòng Kinh doanh đều sinh từ năm 1995 đổ lên, thậm chí cấp trên còn kém tôi 9 tuổi.
Điều đáng buồn không chỉ nhận ra bản thân lớn tuổi hơn họ, mà cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm của tôi đều thua kém. Hiện giờ, tôi nhận ra khoảng cách giữa tôi và đồng nghiệp trong công việc, cũng không khác biệt mấy so với tôi và cha mẹ khi tôi phải giải thích cho họ các vấn đề về công nghệ.
Tôi không muốn họ nghĩ bản thân là 'người già' nên luôn cố gắng chăm chỉ đến công ty mỗi ngày. Dù không phải là người đến sớm nhất nhưng tôi luôn là người rời công ty cuối cùng. Số lượng công việc nhận về nhiều nhất phòng, KPI tôi đặt ra cho bản thân cũng cao hơn so với đồng nghiệp.
Bây giờ đã 5:05 sáng và tôi vẫn đang ngồi hoàn thành nốt công việc của ngày hôm trước."
Sau cùng, T. đã rút được 3 bài học khi ngẫm về câu chuyện thất nghiệp của bản thân:
1. Đừng nghĩ rằng vì bạn đã đạt được thành tựu trong công việc mà cấp trên không thể sa thải bạn.
"Tôi từng nghĩ bản thân sẽ làm nhân viên Sale suốt đời, tuy nhiên câu nói: "A bị sa thải' của sếp cũ đã thức tỉnh tôi. Những thành tích ở công ty cũ, lời khen của đồng nghiệp... đã khiến tôi quên rằng áp lực cạnh tranh từ thị trường lao động trẻ. Họ có tuổi trẻ, có năng lực và có thể chiếm lấy vị trí của tôi ở bất kỳ thời điểm nào.
Do đó, dù bạn ở độ tuổi 20, 27 hay 37, đừng bao giờ quên trau dồi kỹ năng và kiến thức chuyên môn của mình. Nếu bạn không muốn rơi vào cảnh thất nghiệp giống tôi", T. viết.
2. Nếu có ước mơ, hãy thực hiện ngay
"Thời còn trẻ, tôi từng muốn đi du lịch vòng quanh Trung Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng này đã nhanh chóng biến mất khi tôi bước vào độ tuổi 25. Áp lực từ cuộc sống, khoản lo lắng học phí cho con trai, trăn trở về sức khoẻ của cha mẹ... đã khiến tôi vùi mình vào công việc. Cho đến khoảng thời gian thất nghiệp, tôi có thời gian đủ dài để ngẫm nghĩ lại cuộc sống. Tôi nhận ra bản thân còn không đủ kiên nhẫn đọc hết một quyển sách, chứ không nói đến việc đi du lịch.
Khi còn trẻ, nếu bạn có ước mơ thì hãy thực hiện nó ngay. Nếu không khi về già, thứ duy nhất bạn nhớ đến ở tuổi trẻ là những lời than phiền công việc từ cấp trên, chứ không phải ước mơ của riêng mình."
3. "Đừng sợ cảnh thất nghiệp ở tuổi 30":
"Với những người trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là thanh niên sau tuổi 30, bạn không nên sợ hãi hay tuyệt vọng. Chúng ta có tay, có chân, có khối óc đã được mài dũa sau hàng chục năm đi làm. Do đó, cơ hội công việc lúc nào cũng có, chỉ là chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm chúng thôi", T. nhắn gửi.
Phụ nữ Việt Nam