Những định nghĩa viễn thông mang dấu ấn Nguyễn Mạnh Hùng
Rất nhiều những triết lý, định nghĩa về viễn thông được ông Nguyễn Mạnh Hùng, tân Tổng giám đốc Viettel đưa ra đã thu hút được sự chú ý của dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến cả thị trường viễn thông Việt Nam.
- 24-02-2014[Nổi bật] Viettel thay Tổng giám đốc, CPI tháng Tết thấp nhất trong vòng 10 năm
- 24-02-2014Tân TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành Viettel từ ngày 1/3/2014
- 24-02-2014Tân TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đang kiêm nhiệm những chức vụ gì?
- 24-02-2014Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng lên chức Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel
- 19-02-2014Viettel kiến nghị Chính phủ cho đầu tư ngoài ngành để tìm cơ hội mới
Rất nhiều những triết lý, định nghĩa về viễn thông được ông Nguyễn Mạnh Hùng, tân Tổng giám đốc Viettel đưa ra đăng tải trên ICTnews trước đó đã thu hút được sự chú ý của dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến cả thị trường viễn thông Việt Nam.
Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông
Nghề chính của "ông viễn thông" là cung cấp dịch vụ alo (dịch vụ thoại), nhưng dịch vụ này đã có gần 100% người dùng. Với xu hướng hiện nay thì các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải từ bỏ nghề chính của mình - nghề alo. Kinh doanh alo đã thấm đẫm vào trong những người làm viễn thông 100 năm rồi và tôi nghĩ rằng có khá nhiều doanh nghiệp viễn thông không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế sẽ khó đi qua được giai đoạn chuyển đổi này. Đây là một điều không dễ đối với các nhà mạng.
Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông mà chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ. Thực ra, Viettel đã thực hiện việc chuyển đổi này được gần 2 năm nay. Hiện nay, số lượng người mà Viettel đầu tư cho phát triển ứng dụng là gần 10.000 người. Đến năm 2015, sẽ có 40% người Viettel tập trung vào phát triển các ứng dụng. Viettel xác định là doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu.
Viettel sẽ chuyển sang cố định băng rộng
Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới mà nghề chính là di động thì bây giờ tuyên bố nghề chính sẽ chuyển sang cố định băng rộng. Lý do mà Viettel nói đến cố định băng rộng là vì chỉ duy nhất điều này mới giải được câu chuyện băng thông cố định.
Trên 10 năm chúng ta nghĩ rằng mạng cố định sẽ chết. Nhưng Viettel thì nhìn thấy rằng, mạng cố định sẽ có sự trở lại, chỉ có điều đó là mạng cố định băng rộng. Nhìn vào số liệu ở những nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng của mạng cố định băng rộng là 40%/năm. Có một điều ít người nói đến, đó là mạng cố định chính là nền tảng cho mạng di động băng rộng. Bởi mạng di động băng rộng trong tương lai là những trạm rất nhỏ, mỗi gia đình lắp 1 trạm hoặc mỗi toà nhà có 1 trạm.
Muốn làm được chúng ta phải có một đường Internet băng rộng đến từng hộ gia đình, từng toà nhà. Ai làm được việc đó? Chỉ có mạng cố định băng rộng. Đối với quốc gia, đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm để nhận thức đúng về mạng cố định băng rộng. Nó chính là cơ sở hạ tầng tương lai cho một quốc gia, cho cả mạng di động và cho cả các ứng dụng băng rộng.
Nhiều quốc gia đã ý thức được chuyện này nên người ta đưa ra khái niệm: Viễn thông là hạ tầng quốc gia. Chữ "quốc gia" hiểu theo mấy nghĩa: một là, phải phổ cập, nghĩa thứ hai là ở những chỗ khó khăn quá thì Chính phủ bỏ tiền ra làm. Hiện nay, đã có trên 50 quốc gia đi theo hướng này, thậm chí có một số quốc gia cực đoan đến mức yêu cầu các nhà mạng không làm nữa, Chính phủ bỏ tiền ra làm. Ví dụ để thực thi chính sách này, Chính phủ Úc không cho nhà mạng làm hạ tầng mà Chính phủ đứng ra làm, vì vậy, nhà mạng bắt buộc phải chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ.
OTT là một cú huých
"Miếng bánh alô" của các doanh nghiệp viễn thông đang bị co lại trước sự xâm lấn của các dịch vụ OTT. Trước hiện tượng đó, các doanh nghiệp viễn thông có hai lựa chọn hoặc là muốn cản trở quá trình này, làm cho tốc độ nhỏ đi của miếng bánh chậm lại; hoặc có cách ứng xử thứ hai tích cực hơn là đi tìm miếng bánh mới, thị trường mới, lĩnh vực mới. Cách suy nghĩ của chúng ta sẽ quyết định hành động theo cách nào.
Viettel chọn cách thứ hai. Thực ra, Viettel đã chủ động đi tìm miếng bánh mới từ cách đây hơn nửa thập kỷ khi chúng tôi đầu tư ra nước ngoài. Hiện giờ Viettel đầu tư đến được 9 quốc gia, đó là những nơi điện thoại mật độ thấp hoặc đất nước đó còn ít công ty viễn thông, Viettel vào đầu tư là công ty viễn thông thứ 3 hoặc thứ 4. Song những cơ hội đó giờ cũng không còn.
Thế giới bây giờ mật độ điện thoại đã lên tới 96%, có nghĩa là, nếu tiếp tục đầu tư nước ngoài bằng nghề điện thoại thì không còn "cửa". Viettel hôm nay cũng bắt đầu ì ạch và chúng tôi cần một cú huých, một sự đe doạ về doanh thu suy giảm nhanh để đổi mới, để sáng tạo. Bình thường con người rất ít khi chủ động đi tìm cái mới nếu như mình đang yên ổn. Khi đang ổn, họ nghĩ đến việc hưởng thụ.
Không phải vô cớ mà Steve Jobs luôn rất nhấn mạnh từ “Đói khát”. “Đói khát” là động lực rất quan trọng của quá trình đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, sự co lại của dịch vụ alô là một cơ hội, một cú huých cho Viettel.
Nhà mạng lớn phải học cách làm "ông nhỏ"
Viettel hiện có hơn 30.000 nhân lực cả trong và ngoài nước. Trước đây, đó là niềm tự hào lớn, nhưng bây giờ đó lại là mối lo. Hiện giờ lại xuất hiện những công ty 10 người và 100 ngàn USD. Thường thường, sự sáng tạo nhỏ bao giờ cũng tốt hơn sự sáng tạo lớn. Các công ty lớn có sức sáng tạo không bao giờ và mãi mãi không bao giờ bằng một công ty nhỏ.
Thế giới lại đang chuyển sang một giai đoạn cần sự sáng tạo để đưa viễn thông, CNTT và Điện tử vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu các doanh nghiệp lớn không học được bài học để trở thành các "ông nhỏ", hành động, sáng tạo, chăm sóc khách hàng như các doanh nghiệp nhỏ thì không có “cửa” về dài hạn”.
Nhà mạng bắt buộc phải học một bài học nữa là hợp tác, làm ăn, chia sẻ với hàng nghìn doanh nghiệp nội dung nhỏ - "ông nhỏ" - để chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu với họ và đó cũng chính là lối thoát cho nhà mạng. Ngay bây giờ, chúng ta cần phải học dần để trở thành “ông nhỏ” và sẽ hợp tác với những “ông nhỏ” làm nội dung trong việc chia sẻ chuỗi giá trị.
Ra nước ngoài là tự đặt mình vào thách thức
Hiện Viettel đã đầu tư ra 9 thị trường ở 3 châu lục.
Việc Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ triết lý và tầm nhìn của Viettel. Nếu một công ty mà thiếu đi sự tăng trưởng thì rất nguy hiểm vì thiếu đi cơ hội cho mọi người phấn đấu. Bên cạnh đó, con người không nằm trong thách thức sẽ bị tha hóa nhanh. Vì vậy, Viettel cần có sự tăng trưởng, nhưng nếu chỉ nhìn vào thị trường bị giới hạn hơn 80 triệu dân ở Việt Nam thì đến một thời điểm nào đó sẽ hết tăng trưởng.
Cho nên, Viettel phải đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường cho mình và cũng là đặt mình trong thách thức. Như vậy, việc đầu tư ra nước ngoài đã trở thành chiến lược của Viettel. Khi ra nước ngoài, Viettel sẽ phải cạnh tranh với các với các tập đoàn lớn trên thế giới, đây là một thách thức. Thế nhưng, Viettel quyết tâm sẽ phải đứng vị trí số 1 hoặc số 2 ở những thị trường đã đầu tư.
Viettel mang những gì tốt nhất ra thị trường nước ngoài
Quan điểm về viễn thông của Viettel là di động và băng rộng, là vô tuyến và cáp quang. Là mọi nơi, mọi lúc, len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, cho mọi người và với giá cả phù hợp với mọi lớp người khác nhau. Những gì chúng tôi đã làm cho Việt Nam thì chúng tôi sẽ làm như vậy tại những thị trường nước ngoài. Viettel luôn xác định sẽ xây dựng mạng lưới rộng khắp và dung lượng lớn trước rồi mới kinh doanh. Khi kinh doanh có lãi thì phải có trách nhiệm xã hội, dành một phần lợi nhuận đầu tư lại cho cộng đồng.
Mạng lưới đi trước kinh doanh theo sau
Triết lý mạng lưới đi trước kinh doanh theo sau của Viettel đang mang lại nhiều thành công cho tập đoàn này.
Trong khi các công ty khác kinh doanh đến đâu đầu tư đến đó, thì Viettel chọn chiến lược mạng lưới trước, kinh doanh sau. Trong khi các công ty khác coi thành phố là thị trường chính thì Viettel lại chú trọng đến thị trường nông thôn. Trong khi các công ty tập trung thị trường trong nước thì Viettel đã sớm đi ra nước ngoài.
Trong khi các công ty tập trung vào khách hàng đủ khả năng chi trả thì Viettel quan tâm đến đầu tư cho khách hàng tương lai. Trong khi các công ty khác nghĩ đến mật độ thuê bao thì Viettel nghĩ mỗi người dân có một chiếc điện thoại di động, mỗi hộ gia đình có một điện thoại cố định, một đường truyền Internet băng rộng, một truyền hình cáp chất lượng cao. Tư duy đột phá luôn luôn là cách để chúng ta sáng tạo ra sự khác biệt và phát triển.
Viettel coi dịch vụ thông tin di động như hàng hoá tiêu dùng
Chỉ sau chưa đầy 4 năm chính thức cung cấp dịch vụ trên thị trường di động nhưng Viettel đã chiếm giữ vị trí số 1 về số lượng thuê bao. Điều này xuất phát từ tầm nhìn và cách làm của Viettel để đưa điện thoại di động đến tất cả người dân Việt Nam. Như vậy, số lượng khách hàng sẽ không phải là vài triệu thuê bao nữa mà là hơn 80 triệu thuê bao. Viettel coi dịch vụ thông tin di động như hàng hoá tiêu dùng với phương châm kinh doanh 4 "any" là anywhere (mọi nơi), anytime (mọi lúc), anybody (mọi người), anyprice (mọi giá). Chính vì mục tiêu này đã dẫn dắt toàn bộ hành động của Viettel như đầu tư mạng lưới, vùng phủ sóng, kênh bán hàng, chất lượng dịch vụ… Và cũng chính điều này đã làm nên thành công của Viettel.
Theo Thái Khang