Một sự thay đổi lớn của Hoàng gia Anh trong tuần này là Văn phòng báo chí của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ sáp nhập với Văn phòng báo chí của vợ chồng thái tử Charles, theo AFP. Các nhân viên phụ trách truyền thông của thái tử Charles sẽ từ dinh thự Clarence House chuyển đến làm việc tại Điện Buckingham và cơ quan mới sẽ do bà Sally Osman, thư ký truyền thông thân cận của thái tử Charles, đảm trách.
Bên cạnh đó, Văn phòng báo chí tại Điện Kensington, phụ trách thông tin cho 2 con trai thái tử Charles là William và Harry, cũng sẽ phối hợp chặt chẽ vào văn phòng mới. Đây được cho là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của quá trình chuyển giao.
Tờ The Sunday Telegraph dẫn lời giới quan sát nhận định động thái trên cho thấy “Nữ hoàng và công tước xứ Edinburgh (hoàng thân Philip - NV) đang chuẩn bị bàn giao khối lượng lớn công việc của họ cho các thế hệ sau”. Bên cạnh đó, việc thái tử Charles ngày càng đảm nhận nhiều vai trò đại diện chính thức của hoàng gia, đặc biệt là trong các sự kiện ở nước ngoài, càng khiến dư luận tin rằng ngai vàng nước Anh sẽ sớm có chủ mới.
Nữ hoàng Elizabeth II đã không rời khỏi đất nước kể từ sau chuyến công du Úc hồi năm 2011. Về mặt biểu tượng, bà là người đứng đầu của Khối thịnh vượng chung nhưng đã không đến dự hội nghị thượng đỉnh của khối ở Sri Lanka hồi tháng 11.2013. Đây là lần đầu tiên bà bỏ lỡ sự kiện này kể từ năm 1973 và chính thái tử Charles lần đầu tiên đại diện hoàng gia tham dự hội nghị.
Cũng trong năm ngoái, thái tử Charles đã cùng nữ hoàng tham dự và đích thân chủ trì lễ khai mạc khóa họp thường niên của quốc hội Anh hồi tháng 5. Ông cũng đã đại diện nữ hoàng đến dự lễ tang lãnh tụ Nam Phi
Nelson Mandela vào tháng trước. Chưa hết, theo tờ IBTimes, nữ hoàng sẽ chỉ có thêm một chuyến công du nước ngoài là chuyến thăm Pháp vào ngày 6.6 để dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy trong Thế chiến 2. Một cố vấn cho chính phủ Pháp tiết lộ đó có lẽ là chuyến thăm nước ngoài chính thức cuối cùng của bà.
“Vẫn là bà chủ”
Nữ hoàng Elizabeth II sẽ bước sang tuổi 88 vào tháng 4 và với 61 năm 350 ngày trên ngôi nữ hoàng, bà hiện đứng thứ hai trong danh sách những đại diện quân chủ trị vì lâu nhất trên thế giới còn tại vị, sau Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej (67 năm 227 ngày). Cũng vì thế mà thái tử Charles là người kế vị “thâm niên” nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh. Theo tờ The Telegraph, thời gian chờ lên ngôi của thái tử Charles quá lâu, đến nỗi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ bỏ qua ngai vàng và nhường lại cho vương tử William - công tước xứ Cambridge.
Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, có lẽ thời gian chờ đợi của vị thái tử 65 tuổi này sẽ không còn dài. Tình hình sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth II khó cho phép bà tiếp tục đảm trách khối lượng công việc khổng lồ của người đứng đầu hoàng gia. Báo chí Anh cũng nhận định rằng thái tử Charles sẽ còn đảm nhận nhiều vai trò chính thức hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Ngay cả các vương tử William và Harry trong năm ngoái cũng đã từ bỏ vai trò trong quân đội để tập trung đảm trách các nhiệm vụ của hoàng gia. Theo AFP, trong vài tháng tới sẽ có thêm nhiều thông báo về việc chuyển giao quyền hạn. “Bằng cách kết hợp các hoạt động này, chúng tôi đã chuẩn bị tốt cho bất kỳ thay đổi nào”, hãng tin này dẫn một nguồn tin hoàng gia nói.
Trong khi đó, biên tập viên Robert Jobson của tờ The London Evening Standard hôm 20.1 nhận định nữ hoàng là một người thực tế và bà muốn có một quá trình truyền ngôi suôn sẻ. Ông Jobson cũng nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nữ hoàng, chứ không phải thái tử Charles. “Bà ấy vẫn là bà chủ”, theo ông Jobson.
Trong năm 2013, tại châu Âu đã có 2 vị quân chủ trị vì lâu năm thoái vị là Nữ hoàng Hà Lan Beatrix (33 năm) nhường ngôi cho con trai Willem-Alexander và vua Albert II của Bỉ trao quyền cho thái tử Philippe sau 20 năm. Vua Willem-Alexander, 46 tuổi, hiện là nhà vua trẻ nhất tại châu Âu, còn vua Philippe đứng thứ hai ở tuổi 53. |
Theo Danh Toại