Ông Nguyễn Bảo Hoàng - CEO IDG Ventures Việt Nam: 'Thất bại là một thầy giáo tốt'
Có nhiều dự án đầu tư mạo hiểm thành công nhưng ít người biết rằng CEO của IDG Ventures Việt Nam từng bị gạt khỏi công ty do mình là một thành viên sáng lập.
Ông Patrick McGovern, Chủ tịch quỹ đầu tư IDG Ventures (Mỹ), tiết lộ lý do chọn Nguyễn Bảo Hoàng vào vị trí Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam: "Ông Hoàng có nền tảng kiến thức vững, tố chất doanh nhân và mối quan hệ tốt với các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam".
Mới đây, khi McDonald's công bố chọn công ty Good Day Hospitality do Nguyễn Bảo Hoàng sáng lập làm đại diện nhượng quyền tại Việt Nam, Chủ tịch McDonalds châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, ông Dave Hoffmann, cũng cho biết: "Ông Hoàng có nền tảng kinh doanh vững chắc, am hiểu thương hiệu McDonalds, có kiến thức rộng và có thành tích lèo lái các DN mới tại Việt Nam".
Thế nhưng, Nguyễn Bảo Hoàng rất ít nói về mình và những gì làm được, ông chỉ chia sẻ: "Bất kỳ ai cố gắng học hỏi, bồi đắp kiến thức, làm những điều mình yêu thích với lòng say mê và nỗ lực cao nhất cũng sẽ thành công".
"Theo gia đình định cư tại Mỹ khi mới 22 tháng tuổi nên ký ức của tôi về Việt Nam gần như chẳng có gì. Lần đầu tiên về Việt Nam, tôi không bồi hồi, xúc động như nhiều Việt kiều khác từng trải qua tuổi thơ ở quê nhà, nhưng cảm giác rất háo hức vì đây là nơi mình được sinh ra. Và càng thấy thú vị hơn khi nhận ra Việt Nam là một đất nước rất đẹp, thanh bình, chứ không như những gì tôi từng được xem trong các bộ phim như Platoon hay Apocalypse now (hai bộ phim của Mỹ lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam)", ông Hoàng kể.
"Sau chuyến thăm quê hương, giấc mơ về Việt Nam luôn thôi thúc nên khi được về điều hành việc kinh doanh viễn thông cho công ty của gia đình tại TP.HCM, tôi mừng lắm", ông Hoàng nói thêm.
Với tấm bằng tốt nghiệp đại học Harvard, được học bổng Harvard National Scholar và bằng cử nhân văn học cổ điển hạng xuất sắc Magna Cum Laude, ngoài ra còn có thêm bằng bác sĩ y khoa và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Northwestern và Kellogg School of Management, năm 2004, ông đã được Patrick McGovern, Chủ tịch quỹ đầu tư IDG Ventures, lựa chọn và giao nhiệm vụ làm Tổng giám đốc của quỹ tại Việt Nam.
Trong hơn ba năm ông điều hành, quỹ đã khởi sắc và đầu tư 23 dự án toàn thuộc những ngành mới nổi. Thành quả ấy được ông lý giải là nhờ nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm góp nhặt từ rất nhiều chức vụ và công ty ông đã từng kinh qua, như: ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tại New York; Giám đốc điều hành công ty VITC tại khu vực châu Á, một công ty viễn thông của Mỹ chuyên về IP và công nghệ. Trong thời gian làm việc tại VITC, ông đã đưa doanh thu của công ty đạt hơn 30 triệu USD mỗi năm.
- Với những dự án không thành công trước đó của IDG, cộng với sự kỳ vọng quá lớn của vị Chủ tịch IDG, lần đầu rót vốn cho những dự án mới tại Việt Nam, ông có cảm thấy hồi hộp, lo lắng?
- Lo một chút và cũng hồi hộp một chút, nhưng tin tưởng. Khi quyết định đầu tư vào những dự án đầu tiên như VCCorp., PeaceSoft (quản lý các trang thương mại điện tử NganLuong.vn và ChoDienTu.vn), rồi VinaGame và DiaDiem JSC (sáng lập Nhommua.com), tôi đều khảo sát kỹ thực tế, xem xét điểm mạnh, điểm yếu của đối tác, khả năng điều hành kinh doanh của họ.
Qua khảo sát, tôi nhận thấy, kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam mang lại tỷ suất lợi nhuận rất cao, có thể đạt 50 - 70% do thị trường Việt Nam có lợi thế dân số trẻ cùng tốc độ tăng trưởng nhanh về lượng người sử dụng Internet nên được xem là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư công nghệ. Và thuận lợi cơ bản khi chúng tôi đầu tư vào các công ty công nghệ là mô hình kinh doanh của họ dựa vào Internet nên có khả năng mở rộng rất cao.
Để đảm bảo thành công cho khoản đầu tư, ngoài vốn, tôi còn hỗ trợ đối tác nhiều vấn đề liên quan. Chẳng hạn, với dự án VinaGame, tôi đã mời Bryan Pelz (người chuyên tạo dựng công ty mới dựa trên một ý tưởng rồi trao lại trách nhiệm cho người khác để tiếp tục với những ý tưởng và công ty tiếp theo) từ Mỹ về làm việc với vai trò đồng sáng lập và cố vấn cho VinaGame.
Với những dự án đầu tư, tôi luôn sống trong cảm giác vui buồn xen lẫn hạnh phúc khi được làm việc cùng đối tác, được chia sẻ suy nghĩ, trăn trở, được nhìn thấy từng công ty lớn lên và thành công.
- Theo báo cáo tài chính năm 2006, doanh thu của VinaGame đạt 17 triệu USD, đến năm 2009, doanh thu đã tăng lên gần 50 triệu USD. Hai khoản đầu tư của IDG vào VCCorp. và PeaceSoft đều đạt tỷ suất sinh lời nội bộ hơn 30%. Đó là thành tích của ông, nhưng bên cạnh thành công cũng có những dự án thất bại, ông có cảm thấy mất động lực và... buồn với những dự án trục trặc như Nhóm mua.com?
- Ai làm kinh doanh cũng phải chấp nhận thất bại. Đặc biệt, đầu tư mạo hiểm thì rủi ro thất bại luôn hiện diện, điều quan trọng là cách mình rút kinh nghiệm, chấp nhận thất bại như thế nào. Đúng là có một số dự án tôi phải đóng cửa nên cũng buồn và lo lắng mất mấy ngày vì những người đóng góp hết sức cho công ty sẽ mất việc, nhưng ngay sau đó tôi phải suy nghĩ tìm công việc khác cho họ.
Những bài học như thế rất quan trọng. Khi thành công, tôi chỉ cho mình là thầy giáo kém, còn thất bại mới là một thầy giáo tốt, vì lúc đó mình mới phải suy nghĩ lại, đánh giá cái gì đúng, cái gì sai.
Mỗi lần họp với các công ty, tôi luôn mong muốn 80% tin tức đem ra bàn thảo là... tin xấu, bởi với hầu hết các công ty mới thành lập và đang có sức phát triển, 80% thời gian là để sửa những vấn đề đang xảy ra và hoàn thiện những công việc đang tiến hành.
Với dự án Nhommua.com, đúng là tôi không ngờ, dù trước đó tôi cũng nhận thấy một chút bất thường nên chia sẻ với một số người: "Có khả năng công ty này trong tương lai sẽ gặp vấn đề” và đã chuẩn bị tinh thần lúc đó nhân viên sẽ làm gì. May là các công ty khác hứa sẽ giúp đỡ. Gần đây, Nhómmua đang phát triển lại, tôi rất mừng.
- Vậy bài học đắt giá nào ông nhớ nhất?
- Thời còn là sinh viên y khoa, tôi và ba người bạn lập một công ty xuất bản, tự in sách, phát hành và quản lý kinh doanh. Trong vòng 5 - 6 năm, tôi đã viết được 30 quyển sách. Năm cuối đại học, số sách bán được lên tới 300.000 cuốn. Sau khi bán công ty cho một công ty xuất bản khoa học ở Anh muốn vào thị trường Mỹ, tôi có được một số tiền và đầu tư thêm 18 triệu USD cùng hai người bạn mở công ty giáo dục trực tuyến. Lúc đó, hai người bạn tôi nghỉ học ở trường đại học y khoa luôn để tập trung kinh doanh.
Dù tôi vẫn tiếp tục đi học và tích cực làm việc qua mạng, nhưng khi công ty có nhà đầu tư mới, tôi bắt đầu nhận thấy tiếng nói của mình không còn trọng lượng, dù tôi cũng là một cổ đông. Khi ấy tôi rất thất vọng vì mình đi cùng các bạn từ khó khăn, lớn lên cùng công ty, cũng là một thành viên sáng lập nhưng chỉ vì mình không bỏ học, không trực tiếp điều hành công ty nên bị "loại ra khỏi cuộc chơi" một cách dễ dàng.
Tôi rút ra bài học, nếu lập công ty mà mình không gắn bó, sống chết với nó thì sẽ không bao giờ đạt được điều mong muốn. Hơn nữa, việc đầu tư vốn ban đầu nhiều hơn mức cần thiết sẽ mang đến bất lợi vì thấy có quá nhiều tiền, nên có người cứ mạnh tay chi dùng, không cần phân tích thị trường, cái lợi và cái hại.
- Quản lý một danh mục đầu tư gồm 41 công ty, với số vốn đầu tư hàng triệu USD, áp lực hiện nay với ông chắc hẳn rất lớn?
- Đã kinh doanh thì dù làm nhỏ hay lớn đều luôn có áp lực, nhất là công việc chính của chúng tôi là phải làm ra tiền cho tất cả nhà đầu tư vào quỹ của mình. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của các nước phát triển, IDG Ventures đã xây dựng được và chiến lược phát triển phù hợp với thị trường Việt Nam nên tôi rất lạc quan.
Tôi cũng tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển tốt và sẽ lọt vào "Top 10 quốc gia có GDP cao" của thế giới. Khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi nói, nếu Việt Nam cũng bắt đầu từ 50 năm trước đây thì bây giờ sẽ không thua Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc.
Tại sao tôi so sánh? Vì Ấn Độ tuy đã độc lập hơn 70 năm nhưng dân chúng vẫn nghèo đói, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi Việt Nam mới trải qua chiến tranh, hội nhập mà đã phát triển như vậy là rất nhanh rồi.
- Gần đây, ông có những đầu tư mới như ở lĩnh vực truyền thông, rồi McDonalds. Là một nhà đầu tư gắn với mạo hiểm, ông đang nhận ra cơ hội mới phải không, thưa ông?
- Tôi rất thích đầu tư vào truyền thông. Tôi biết quảng cáo trên các tờ báo điện tử hiện nay chưa được quan tâm như báo giấy, nhưng vài năm nữa, tỷ lệ này sẽ thay đổi. Bên cạnh truyền thông, hướng sắp tới tôi sẽ đầu tư vào các dự án giáo dục, sức khỏe.
Tôi đặt niềm tin vào các dự án này là vì văn hóa của người Á Đông là văn hóa gia đình, có bao nhiêu cũng đầu tư, lo lắng cho gia đình về sức khỏe, học hành. Thực tế, giáo dục cao cấp của Việt Nam đang phải "gia công" ở nước ngoài, trong khi mình có thể làm tốt.
Người Việt Nam cũng rất tài năng, nhưng tài năng chỉ được phát huy khi có cơ hội học hành. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển của quỹ đầu tư ở Mỹ, châu Âu, châu Á cũng bắt đầu từ công nghệ thông tin rồi mở rộng ra y tế, giáo dục. Riêng McDonalds, tôi xin nhấn mạnh, đó là dự án riêng do công ty tôi sáng lập, không nằm trong dự án của IDG.
- Vừa làm diễn giả cho diễn đàn giới trẻ doanh nghiệp tại Việt Nam, ông nhận định thế nào về ý chí khởi nghiệp của giới trẻ, qua đó ông có thấy hình ảnh khởi nghiệp của mình không?
- Internet xuất hiện ở Việt Nam 15 năm rồi nên thế hệ trẻ ngày nay có điều kiện tiếp cận công nghệ. Do đó, đừng nghĩ mình đang thiếu và thua ai cả mà phải luôn cố gắng học hành, tìm hiểu những gì phù hợp với bản thân để phát triển. So với bây giờ, thời khởi nghiệp của tôi ngày xưa khó khăn hơn, nhưng chúng tôi chịu khó và thích tìm tòi, trải nghiệm hơn.
Khi ở nước ngoài, tôi từng làm việc cho McDonalds, phải chiên khoai tây, làm nhiều công việc với nhiều người có trình độ cao, thấp khác nhau, nhờ vậy mà tôi học được nhiều kỹ năng, trải nghiệm đó dạy cho tôi hiểu biết về cuộc sống.
Lần đầu tiên nhận lương 3,75 USD/giờ, tôi vui khôn tả vì được cầm đồng tiền do chính mình làm ra và khi xài một đồng cũng thấy giá trị. Có một điều tôi hơi lo là giới trẻ bây giờ nhiều người đang muốn làm giàu thật nhanh, muốn kiếm thật nhiều tiền. Làm kinh doanh, tất nhiên ai cũng muốn có được nhiều lợi nhuận, nhưng tôi không đuổi theo ước mơ kiếm nhiều tiền.
- Nhiều người cho rằng đến thời điểm này McDonalds mới vào Việt Nam là hơi muộn. Ông có cảm thấy áp lực khi thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam đang rất cạnh tranh và hội tụ gần đủ các thương hiệu lớn đa quốc gia?
- Bản thân tôi và nhiều chuyên gia về lĩnh vực này đều có chung nhận định, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, có nhiều cơ hội cho các DN phục vụ thức ăn nhanh, vì người tiêu thụ thức ăn nhanh chủ yếu ở độ tuổi 20 - 35, trong khi dân số Việt Nam tới 90 triệu người.
Ở các nước, có thể bắt gặp các cửa hàng thức ăn nhanh nhan nhản trên phố, nhưng ở các thành phố lớn của Việt Nam, phải đi mấy dãy phố mới có một cửa hàng. Từ đó có thể thấy năng lực của thị trường thức ăn nhanh mới chỉ đi lên chứ chưa đến mức bão hòa.
Một điểm khác biệt của McDonalds là bên cạnh thức ăn ngon, nóng hổi, cách phục vụ là yếu tố rất quan trọng. Tiêu chí của họ là phải mang lại cho thực khách sự trải nghiệm thái độ phục vụ ân cần.
Hồi còn bé, tôi được mẹ dẫn vào một nhà hàng của McDonalds và được phục vụ chu đáo nên cảm giác mình là người đặc biệt, từ đó tôi thích đến McDonalds và yêu quý thương hiệu đó đến bây giờ. Điều khác biệt nữa là chuỗi cung ứng của họ rất chuyên nghiệp. McDonalds ví hệ thống của họ là ghế ba chân, một là người mua nhượng quyền, hai là nhân viên phục vụ, ba là người cung cấp.
Nhiều thương hiệu thức ăn nhanh phải mua nguyên liệu qua công ty phân phối, nhưng McDonalds không làm như vậy. Ví dụ, cửa hàng bán thịt bò đầu tiên cho McDonalds vẫn là cửa hàng cung cấp lớn nhất, và khi McDonalds mở ở đất nước nào thì cũng yêu cầu nhà cung cấp tìm đối tác để đầu tư nhà máy ở đất nước đó để cung cấp thịt bò.
Vì vậy, chất lượng thức ăn của McDonalds ở tất cả mọi nơi đều như nhau. McDonalds cũng có ba nguyên tắc kinh doanh, trước hết là an toàn thực phẩm, thứ hai là sự đồng nhất về chất lượng và thứ ba là khi thực khách vào nhà hàng phải đảm bảo luôn có hàng. Cho nên trước khi đến một thị trường mới, họ nghiên cứu rất kỹ luật pháp, khách hàng, thuế, thị trường, ngoài ra còn phải có hạ tầng, kho lạnh, xe chở hàng đông lạnh.
Để có được dịch vụ tốt, thế mạnh của McDonalds là hệ thống đào tạo, chỉ vài năm có thể quản lý cả một khu nhà hàng. Quan điểm của họ là nếu có chiến lược mở nhà hàng thức ăn nhanh mà không có chương trình đào tạo, dịch vụ tốt thì không đáp ứng tiêu chuẩn.
Hiện chúng tôi đang tập huấn cho đội ngũ nhân viên với số lượng rất lớn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, McDonalds còn có dữ liệu khảo sát mật độ dân cư, xe cộ... ở từng nước và khu vực để quyết định mở cửa hàng, nhưng ở Việt Nam dữ liệu này vẫn chưa đầy đủ.
- Vượt qua nhiều đối thủ để được McDonalds chọn làm nhượng quyền, theo ông, lợi thế của mình là gì, nhất là khi ông chưa từng kinh doanh thức ăn nhanh?
- Khi biết có mấy trăm hồ sơ xin làm đại diện của McDonalds tại Việt Nam, những người đã phỏng vấn đều là chủ doanh nghiệp lớn, kinh doanh tốt, tôi cũng rất hồi hộp. Tôi chỉ có thế mạnh là "fan" của McDonalds và yêu thích thương hiệu này từ bé. Hy vọng khi phỏng vấn, họ cảm nhận được đam mê của tôi.
Bên cạnh đó, tôi cũng có thành công tại một số lĩnh vực và tên tuổi cũng được một số người biết đến. Thật ra, trong lịch sử của McDonalds cũng có người giống tôi (không hề có kinh nghiệm kinh doanh thức ăn nhanh) khi mở thị trường ở Hong Kong, nên khi phỏng vấn tôi cũng khéo léo đề cập "chi tiết" này (cười).
- Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, đằng sau việc tìm mặt bằng để kinh doanh thức ăn nhanh, mục đích của McDonalds còn là kinh doanh bất động sản?
- Không đúng, vì mở nhà hàng địa điểm tốt là rất quan trọng. Khó khăn lớn nhất của McDonalds khi xuất hiện ở thị trường Việt Nam là địa điểm. Chúng tôi phải tìm những vị trí phù hợp với đối tượng khách của McDonalds. Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao không mở ở đường Đồng Khởi, nhưng McDonalds phục vụ cho gia đình nên cần chỗ đông dân, những khu có nhiều gia đình sinh sống.
- Việc ông được McDonalds chọn làm nhượng quyền có thể xem là niềm vui lớn của ông lúc này?
- Điều tự hào nhất là khi tôi công bố McDonalds đã có ở Việt Nam, cách nhìn của người nước ngoài đối với Việt Nam có những thay đổi. Trước đây, câu hỏi mà bạn bè ở các quỹ đầu tư nước ngoài hay hỏi làm tôi cũng thấy không thỏa đáng, đó là Việt Nam có vấn đề gì về phát triển kinh tế, luật pháp, địa ốc, nhượng quyền không mà đến nay McDonalds vẫn chưa vào.
Và khi thông tin được loan truyền, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn, nhiều cuộc điện thoại bày tỏ sự vui mừng của các bạn, có cả cô giáo dạy tôi năm lớp tám. Ngẫm thấy, hai mươi năm làm được một số việc nhưng chưa lúc nào nhận được nhiều chia sẻ như bây giờ, vì vậy, tôi thấy rất tự hào! Song, niềm vui lớn nhất bây giờ và cũng là niềm hạnh phúc nhất là tôi sắp được làm cha.
Nói đến đây, ông nhìn đồng hồ: "Thôi, mình dừng nhé. Đã gần 12 giờ trưa rồi, tôi phải về ăn cơm với gia đình. Hôm nay là chủ nhật mà”.