Vì sao Bill Gates ghét tiền mặt?
Tỷ phú hảo tâm bậc nhất thế giới cho rằng thanh toán bằng tiền mặt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người nghèo, do tiền hỗ trợ phải qua nhiều khâu trung gian, dễ dẫn đến tham nhũng và trộm cắp.
- 20-01-2013Bill Gates: “Tôi không dùng đến tiền”
- 28-11-201220 câu nói nổi tiếng của Bill Gates
- 29-05-2012Tiết lộ những chuyện kỳ cục của tỷ phú Bill Gates
- 05-11-2011Hãy thần tượng Bill Gates thay vì Steve Jobs
Các tỷ phú thường nổi tiếng là chẳng bao giờ để nhiều đồng bạc xanh trong ví. Tuy nhiên, đó không phải lý do Bill Gates ghét tiền mặt. Tỷ phú hảo tâm này chỉ không ưa những ảnh hưởng tiêu cực của nó lên những người thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất xã hội.
Hội đồng minh không tiền mặt (The Better Than Cash Alliance) thành lập vào cuối tháng 9/2012 và được Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation hỗ trợ tài chính. Hội này đã tổ chức một cuộc gặp mặt vào bữa sáng 23/1 bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ).
Đại diện từ các nước như Philippines, Colombia, Mỹ và một số nước khác đều đồng ý rằng giao dịch điện tử sẽ tốt hơn trả tiền mặt trực tiếp rất nhiều. Đầu tiên, việc này sẽ cải thiện tính minh bạch của giao dịch, làm giảm tham nhũng và trộm cắp do việc thanh toán có thể được theo dõi dễ dàng. Ở Afghanistan, các tổ chức từ thiện của Mỹ cũng sử dụng cách này để nhân viên không lo lắng chuyện bị ăn trộm. Đầu năm nay, Ấn Độ cũng gửi tiền trợ cấp vào tài khoản ngân hàng cho hơn 245.000 người nghèo, để giảm các khâu trung gian và tránh thất thoát.
Giao dịch điện tử cũng giúp tăng tính an toàn của tiền tệ khi nó được chuyển tới đúng nơi cần đến. Hơn nữa, đây cũng là cách để người nhận thanh toán hóa đơn của họ đúng hạn và thực hiện nhiều giao dịch tài chính khác, ví dụ như vay tiền.
Thêm vào đó, vận chuyển tiền mặt sẽ tốn kém hơn nhiều so với chuyển tiền qua tài khoản. Rất nhiều người nghèo cảm thấy dùng tiền mặt kinh tế hơn, nhưng đó là do hệ thống thanh toán điện tử tại nơi họ sống có mức phí quá cao. Lợi ích cuối cùng là dành cho các tổ chức tài chính, do họ có thể tiếp cận nhiều thị trường mới.
Kenya là mô hình mẫu cho các nước phát triển khi nhắc đến hệ thống thanh toán không tiền mặt. Mạng lưới M-Pesa, ra mắt năm 2007, được Neal Keny-Guyer - CEO của tổ chức phi chính phủ Mercy Corps, mô tả là có mặt "ở khắp mọi ngõ ngách".
Mauricio Cárdenas, Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng nhà nước Colombia cũng cho biết ông hy vọng trong năm nay, nước này sẽ thông qua luật cho phép các tổ chức tài chính phi ngân hàng nhận tiền mặt và phát hành phiếu điện tử. Cárdenas nhận định vấn đề chỉ là đảm bảo người nhận tiền mặt được giám sát chặt chẽ như các nhân viên ngân hàng mà thôi.
Theo Thùy Linh
Vnexpress/Business Week