MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân viên AI bán hàng trực tuyến 24/7 'nở rộ' tại Trung Quốc

03-10-2023 - 17:30 PM | Kinh tế số

Những người bán hàng “ảo” được hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang “thống trị” các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Nhân viên AI bán hàng trực tuyến 24/7 'nở rộ' tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: O.C

Họ là những người bán hàng không biết mệt mỏi và có thể làm việc đủ 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần theo đúng nghĩa đen.

Được biết, hình thức bán hàng qua livestream (phát trực tiếp) cho đến nay là kênh tiếp thị sinh lợi nhất hiện nay tại Trung Quốc. Những người có ảnh hưởng trên các nền tảng như Taobao và Douyin có thể chốt lượng đơn hàng lớn sau vài giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, các nhãn hàng và doanh nghiệp cũng cần phải chi trả đáng kể cho hình thức bán hàng này.

Cần nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo một người bán hàng trực tuyến giỏi, song không thể ngăn cản người này bắt tay làm việc với các đối thủ cạnh tranh. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ phải bắt đầu lại quá trình đào tạo.

Mỗi buổi bán hàng trực tiếp cũng cần đến đội ngũ quay phim và trợ lý hỗ trợ xung quanh, khiến chi phí tăng thêm. Cuối cùng, chắc chắn những nhân viên này đều cần được nghỉ ngơi. Đó là điểm mấu chốt để người bán hàng “ảo” xuất hiện.

Trang công nghệ MIT Technology Review gần đây đã phản ánh về xu hướng gia tăng nhân viên bán hàng AI ở Trung Quốc. Trang tin trên cho biết thậm chí vào nửa đêm, nhiều kênh nổi tiếng Taobao, Douyin hay Kuaishou vẫn sáng đèn hoạt động với những người bán hàng trẻ trung, năng động đang cố gắng mời người xem mua đủ loại hàng hóa. Nhưng khi quan sát kỹ hơn, những người bán hàng này có cách phát âm và cách cử động môi kỳ lạ. Bởi lẽ, họ không phải là người thật, mà là những sản phẩm “deepfake” do AI tạo ra.

“Nếu một công ty thuê 10 người bán hàng livestream, kỹ năng của họ không thể đồng đều như nhau. Nên chỉ cần 2 - 3 người làm tốt là có thể đem về 70 - 80% doanh thu. Phần còn lại có thể do AI lo, với chi phí đầu tư giảm đáng kể”, ông Chen Dan, giám đốc điều hành của một công ty chuyên về AI cho biết.

Mặc dù “bản sao” AI chưa thể đem về doanh thu lớn như những người bán hàng hàng đầu, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, họ sẵn lòng đầu tư vào hạng mục mới mẻ này.

Việc tạo ra một “bản sao” AI cơ bản hiện có giá khoảng 1.100 USD, với một năm bảo trì kỹ thuật miễn phí. Nhưng các bản sao cao cấp hơn có thể tốn vài nghìn USD.

Tiếng nói trong livestream được tạo ra bởi phần mềm hỗ trợ AI. Vì vậy tất cả những gì con người thật cần làm là nhập tên và giá của sản phẩm cần bán và để “bản sao” làm những công việc còn lại. Đó là cách hoàn hảo để đạt được mục tiêu tiếp thị “chi phí thấp hơn, hiệu quả cao hơn”.

Ở Trung Quốc, thương mại điện tử đã trở thành lĩnh vực mới nhất được AI tiếp quản. Những người có ảnh hưởng “ảo” được hỗ trợ AI và những người dẫn chương trình AI đều đã đi vào hoạt động nhiều năm nay.

Theo báo cáo do Viện Đo lường Quốc gia Trung Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Hải quan Trung Quốc cùng công bố trong ngày 29/9, doanh số từ hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở nước này trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 1.270 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 176,9 tỷ USD).

Trong giai đoạn này, đã có hơn 110 triệu chương trình livestream bán hàng được thực hiện, giới thiệu tới người tiêu dùng hơn 70 triệu mặt hàng. Các mặt hàng ăn khách lâu nay như đồ trang sức, dụng cụ thể thao, quần áo và đồ lót vẫn là những sản phẩm được săn đón nhiều trên các nền tảng phát trực tiếp này.

Trước xu hướng nói trên, giới chức Trung Quốc cảnh báo rằng những người bán hàng theo hình thức livestream cần đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ, nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng và cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng và phù hợp hơn cho khách hàng.

Theo Xuân Chi

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên