MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân viên ngân hàng cần làm gì khi gặp cướp?

02-05-2017 - 10:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Không ai muốn gặp kẻ cướp. Các giao dịch viên lại càng không muốn hơn khi mà đằng sau luôn là tiền bạc. Nhân viên ngân hàng hãy nhìn nhận việc có thể phải gặp cướp như một thứ rủi ro gắn kèm nghề nghiệp để rồi có những giải pháp phù hợp nhằm quản lý dạng rủi ro này.

Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay rất đa dạng. Đó có thể là tội phạm sử dụng vũ lực, sử dụng thủ đoạn lừa đảo hoặc sử dụng công nghệ cao.

Cướp ngân hàng lâu nay được thể hiện sinh động qua các bộ phim và nhiều người vẫn nghĩ rằng nó chỉ diễn ra ở một đất nước xa xôi nào đó. Tuy nhiên, theo quy luật phát triển của xã hội, tội phạm ngành ngân hàng sẽ phát triển theo sự vận động phát triển của lĩnh vực ngân hàng và ở Việt Nam trong thời gian gần đây tội phạm ngân hàng liên tiếp xảy ra các vụ việc bị mất tiền trong tài khoản, cướp ngân hàng.

Có một tình huống như sau: Vào cuối ngày giao dịch, một nhóm năm người ăn vận lịch sự đi vào ngân hàng. Hai nhân viên bảo vệ đã nhanh chóng bị hạ gục và kiểm soát. Hai người trong nhóm đó, mỗi người cầm 1 túi xách và đặt lên bàn giao dịch viên. Túi xách mở miệng, bên trong là súng. Chúng ra lệnh giao dịch viên bỏ tiền vào túi xách. Giao dịch viên sẽ xử lý ra sao?

Nhiều ngân hàng tập huấn cho các giao dịch viên của mình nguyên tắc xử trí khi gặp cướp như sau: Tìm cơ hội tước vũ khí của đối tượng, tìm mọi cách khống chế đối tượng, bảo vệ tài sản của ngân hàng và liên lạc khẩn cấp cơ quan công an gần nhất.

Thậm chí có nơi còn tổ chức các khóa học kỹ năng võ thuật để tăng cường khả năng tự vệ cho nhân viên. Để tăng cường, hầu hết ngân hàng trang bị hệ thống báo động kết nối với số điện thoại của các cơ quan công an gần nhất. Khi gặp cướp, giao dịch viên có thể nhấn nút báo động khẩn cấp để được hỗ trợ.

Đó là điều mà các ngân hàng mong muốn ở nhân viên của mình.

Tuy nhiên, kẻ cướp luôn hành động quyết đoán và thường rất tàn độc. Không phải ngẫu nhiên mà trẻ em nhiều nước phương Tây khi gặp cướp là bất động.

Chúng ta ai cũng đánh giá cao hành động chống trả cướp của những con người dũng cảm. Họ mạo hiểm ra tay khi đã biết sự rủi ro, sẵn sàng đánh đổi cả sức khỏe, tính mạng của bản thân cho sự an toàn của tài sản, của những người khác. Nhưng rất hiếm người làm được như vậy. Phần đông chúng ta chấp nhận một sự thực, coi tính mạng, sức khỏe của mình là sự ưu tiên hàng đầu để bảo vệ.

Trước hết, không có một quy định pháp luật nào bắt buộc nhân viên phải có hành động chống trả hay ngăn chặn những tên cướp. Cũng không có chế tài nào trừng phạt giao dịch viên vì bị đe dọa mà bất động, để những tên cướp chiếm đoạt tiền bạc của ngân hàng.

Còn trường hợp giao dịch viên buộc phải hợp tác theo yêu cầu của kẻ cướp? Kẻ cướp chĩa súng bắt giao dịch viên phải mở két lấy tiền giao cho chúng. Vậy việc giao dịch viên mở két lấy tiền đưa cho kẻ cướp sẽ được pháp luật nhìn nhận như thế nào?

Đây là tình thế cấp thiết. Theo luật định đó là tình thế bất đắc dĩ của một người phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình hoặc của người khác. Pháp luật cũng xác định việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại.

Sau khi đã rõ những giới hạn pháp lý, nhân viên ngân hàng có thể đã yên tâm hơn khi lựa chọn nguyên tắc bất động khi gặp cướp.

Trước hết hãy làm theo yêu cầu của tên cướp để bảo đảm an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và khách hàng.

Ngoài ra, cần tránh những hành vi có thể gây kích động cho kẻ cướp như chống cự lại. Việc cố nói cho khách hàng biết mình đang bị cướp hoặc kích hoạt hệ thống báo động, chạy ra khỏi ngân hàng,...đều là những hành vi có thể gây kích động kẻ cướp.

Hãy ghi nhớ những diễn biến của vụ việc và ngay sau khi vụ cướp xảy ra bạn hãy lập báo cáo, tường trình lại sự việc rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền và lãnh đạo ngân hàng.

Theo cuốn sách Hiểu nghề giữ nghiệp 30 bài học pháp lý nghiệp vụ dành cho teller ngân hàng của luật sư Trần Minh Hải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên