Nhân viên ngân hàng làm việc "hết công suất" để kéo khách gửi tiền
Tình trạng “khát’’ tiền gửi không còn diễn ra cục bộ mà đang mang tính hệ thống khi cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, Agribank đều đã tăng mạnh lãi suất huy động.
- 27-09-2022Vietcombank, VietinBank, Agribank vừa tăng mạnh lãi suất huy động thêm hơn 1%/năm
- 27-09-2022Lo ngại áp lực tăng lãi suất, công ty chứng khoán hạ triển vọng nhóm ngân hàng
- 27-09-2022VDSC: NHNN vẫn phải bán ra gần 1,9 tỷ USD dự trữ ngoại hối sau khi nâng lãi suất điều hành
Chị Hồng Cúc – nhân viên văn phòng tại một công ty lớn tại Hà Nội cho biết, những ngày cuối tuần vừa qua chị liên tục nhận được các cuộc gọi chào mời gửi tiền từ các ngân hàng. Bên cạnh biểu lãi suất niêm yết chính thức, chị còn được các nhân viên ngân hàng hứa hẹn cộng thêm 0,5% - 1%/năm nếu tham gia các gói tiền gửi liên quan đến trái phiếu hoặc bảo hiểm.
''Nhân viên chăm sóc khách hàng của các ngân hàng liên tục gọi điện cho tôi và hứa sẽ trình xin lãi suất tốt nhất, đảm bảo cao hơn các ngân hàng bạn'', chị Cúc chia sẻ.
Về phía nhân viên ngân hàng, anh Phương – chuyên viên quan hệ khách hàng của một ngân hàng tư nhân cũng cho biết, chỉ tiêu về huy động tiền gửi của anh hiện đã cao hơn nhiều so với hồi đầu năm.
''Dù làm ngân hàng ở quê, áp lực cạnh tranh không cao bằng thành phố nhưng với chỉ tiêu huy động lên tới 2 – 3 tỷ/tháng cũng khiến tôi khó xoay sở. Để đạt đủ chỉ tiêu, tôi phải nài nỉ người thân, bạn bè cố gắng hỗ trợ, thậm chí nhờ cả vợ đi huy động vốn hộ để hoàn thành KPI'', anh Phương tâm sự.
Tương tự, Phương Linh – nhân viên mới của một ngân hàng tư nhân cũng cho biết cô đang phải đẩy mạnh chào bán các gói tiền gửi qua telesales cũng như nhiều kênh khác. Bên cạnh đó, Linh cũng phải thường xuyên đăng tải biểu lãi suất lên các diễn đàn, mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng gửi tiền.
''Nói chung áp lực huy động đã căng hơn nhiều so với những tháng đầu năm. Mình là nhân viên mới nên cũng phải cố gắng gấp đôi, gấp ba so với các anh chị đã làm lâu năm vốn đã có nguồn khách hàng lớn và ổn định'', Linh nói.
Thực tế, tình trạng “khát’’ tiền gửi tại các ngân hàng không còn diễn ra cục bộ mà đang mang tính hệ thống. Điều này thể hiện rất rõ khi các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Theo biểu lãi suất mới được thay đổi từ sáng 23/9, ACB, SHB đã nâng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức tối đa cho phép 5%/năm. Đến 24/9, danh sách này có thêm sự góp mặt của hàng loạt ngân hàng tư nhân lớn khác như Techcombank, VPBank, SCB, HDBank.
Ngoài tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, các nhà băng này còn tăng lãi suất kỳ hạn dài thêm 0,5-0,7%/năm. Tại các ngân hàng lớn như ACB, SHB, Techcombank, VPBank, lãi suất nhiều kỳ hạn đã vượt mức 7%/năm.
Không nằm ngoài cuộc đua, đến sáng ngày 27/9, VietinBank, Vietcombank và Agribank cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới và tăng mạnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn. Với mức điều chỉnh này, nhóm Big4 là những ngân hàng tăng lãi suất huy động mạnh nhất trong đợt này.
Cơn “khát’’ tiền gửi của các ngân hàng được coi là hệ quả tất yếu từ sự chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng trong một thời gian khá dài.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021; trong khi đó huy động vốn chỉ tăng 4,17% - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Còn theo báo cáo tài chính quý II, tăng trưởng huy động của nhiều ngân hàng ở mức rất thấp trong nửa đầu năm, thậm chí quy mô tiền gửi khách hàng giảm so với cuối năm trước như PGBank (-1,4%), NCB (-2%), VietABank (-2,1%), Kienlongbank (-15,9%).
Đại diện NHNN từng nhiều lần đề cập đến lo ngại về khả năng thanh khoản của các ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với tín dụng. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến NHNN không thể mạnh tay nới thêm room tín dụng cho các nhà băng.
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng hiện ở mức rất cao, khoảng 100%, nghĩa là đã sử dụng hết vốn huy động để cho vay. "Nếu nâng tăng trưởng tín dụng thêm vài %, nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất lập tức sẽ dâng lên", ông nhấn mạnh.
Chứng khoán Vietcombank đánh giá, với ưu tiên chính sách hàng đầu là duy trì các yếu tố ổn định (kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá), NHNN không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào cho các ngân hàng, nhằm mục tiêu giảm sức hấp dẫn với việc nắm giữ đồng USD.
VCBS cho biết tính trung bình, lãi suất huy động đã tăng 0,9 - 1,1 điểm % trong 8 tháng đầu năm, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Trong báo cáo triển vọng thị trường mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn sẽ nhạy cảm hơn và có thể tăng từ 0,5-1 điểm % ngay trong quý IV/2022, các kỳ hạn dài sẽ ghi nhận mức tăng cao hơn là từ 1-1,5 điểm %. Từ đó, lãi tiền gửi bình quân toàn ngành dự báo tăng mạnh 1,14 điểm % so với đầu năm, đạt 4,56%.
Nhịp sống Thị trường