MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thủy sản

14-05-2017 - 10:08 AM | Thị trường

Các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận những kiến nghị, từ đó kịp thời hoàn thiện quy định tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản.

Liên quan đến những vướng mắc xung quanh Nghị định 38 của Chính phủ chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (ATTP), tại buổi đối thoại trực tiếp giữa đại diện các doanh nghiệp thủy sản với các bộ, ngành diễn ra sáng 13/5, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có một số kiến nghị liên quan trực tiếp đến các quy định về công bố hợp quy và chuẩn ATTP.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về ATTP đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mất thời gian tới 15 ngày để công bố là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Nghị định 38 quy định trong vòng 15 ngày cơ quan chức năng sẽ cấp giấy thông báo. Tuy nhiên thực tế cận 15 ngày, khi doanh nghiệp lên hỏi lại được trả lời là hồ sơ không đạt, phải làm lại từ đầu, phải tính lại thời gian đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Nam tỏ ý không hài lòng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề xuất nên có các công ty chuyên môn làm thủ tục về an toàn thực phẩm, giúp rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp. (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề xuất nên có các công ty chuyên môn làm thủ tục về an toàn thực phẩm, giúp rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp. (Ảnh: VGP)

Ông Nam cũng kiến nghị, khi các doanh nghiệp và người dân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, đã làm bản tự công bố và gửi cơ quan thẩm quyền, quy trình xem xét giải quyết nên giảm xuống còn 3 ngày và quy định làm sao để quá trình thực thi không có tắc nghẽn.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, các cơ quan có thẩm quyền nên có sự quan tâm, xem xét tới các thủ tục liên quan của doanh nghiệp. Nên có những hướng dẫn cụ thể nhất để trên cơ sở đó quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ được nâng cao.

“Thủ tục giúp cho doanh nghiệp nên làm nhanh nhất trong điều kiện có thể, trên cơ sở đó bảo đảm điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thực tế có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng trăm sản phẩm mỗi năm, nhiều khi có vấn đề trục trặc về thủ tục sẽ kéo dài thời gian sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ”, ông Hòe kiến nghị.

Trước những vướng mắc đặt ra từ phía VASEP, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, đề nghị đơn giản hoá hồ sơ đăng ký tiếp nhận và trả lời công bố kết quả theo Nghị định 38 đang được Bộ Y tế áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Dịch vụ này đang được các doanh nghiệp đánh giá rất cao tác dụng trong cải cách thủ tục hành chính.

Còn theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, bản chất cơ quan quản lý không chỉ nhận hồ sơ của doanh nghiệp mà phải căn cứ đối chiếu từng danh mục chỉ tiêu về phụ gia thực phẩm, hàm lượng kim loại nặng, các chỉ tiêu kiểm nghiệm có phù hợp hay không…

“Nếu bản công bố hợp quy do bên thứ ba đánh giá thì thời gian cấp chứng nhận chỉ tối đa 7 ngày, nhưng đa số các doanh nghiệp tự công bố, đánh giá nên cần phải có thời gian cùng các cơ quan xem xét lại bản công bố hợp quy. Bộ Y tế có thể có kết quả tối đa trong 9 ngày, còn Bộ NN&PTNT chỉ trong vòng 2-3 ngày là cấp chứng nhận lô hàng xuất khẩu, nhưng với điều kiện trước đó đã phải có chứng nhận kiểm nghiệm”, ông Phong giải thích.

Về phía cơ quan quản lý xuất - nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, ở nước ngoài, việc làm thủ tục để đưa một mặt hàng vào lưu thông ở các nước phát triển khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều.

“Nhiều cơ sở, cá nhân ở nước ngoài xin cấp phép bán cà phê phải mất đến 9 tháng. Trong khi thủ tục ở Việt Nam rất đơn giản, chỉ cần 15 ngày để doanh nghiệp nộp công bố chất lượng sản phẩm và được xác nhận hợp quy”, ông Khánh nhận xét.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, có hai việc có thể học được từ kinh nghiệm các nước phát triển. Thứ nhất, mặc dù hồ sơ xem xét rất lâu, phức tạp nhưng về thành phần hồ sơ được minh bạch hóa tối đa. Hơn nữa, hồ sơ rất dễ hiểu, dễ điền thông tin, bảo đảm không nhầm lẫn.

Còn ở Việt Nam, như quy định phải có các chứng từ chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng mỗi tổ chức, cá nhân lại có một kiểu chứng minh. Bên cạnh đó, quy định thời hạn 15 ngày trả hồ sơ, nhưng với một số công chức không thực sự thành tâm với doanh nghiệp sẽ đợi 15 ngày rồi mới nói là không hợp lệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng theo thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ở các nước phát triển, doanh nghiệp sản xuất không tự đi làm thủ tục. Đối với lĩnh vực hải quan sẽ có rất nhiều công ty khai thuê hồ sơ chuyên nghiệp, khi nộp vào không có chuyện trả lại. Tương tự, ở lĩnh vực thuế cũng có các công ty chuyên đi kê khai thuế.

“Trong lĩnh vực ATTP sẽ càng ngày càng phức tạp, đất nước càng phát triển thì người dân càng quan tâm tới vấn đề vệ sinh ATTP, do đó hồ sơ ngày càng phức tạp nên doanh nghiệp không thể tự làm được nếu không có phòng ban chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực này. Do đó, nên có các công ty chuyên môn làm việc này cho doanh nghiệp, từ đó rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý.

Tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, các kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản cần phải được chuẩn bị trước, đây là vấn đề Hiệp hội VASEP cần nêu rõ với các doanh nghiệp trong Hiệp hội.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng mong muốn tới đây trong các quy định hướng dẫn của các Bộ, ngành, dù mẫu biểu rất nhiều nhưng làm sao phải thật rõ ràng, tránh chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian tiếp nhận và trả hồ sơ cho doanh nghiệp cũng cần quy định trong khoảng thời gian cụ thể. Nhất thiết phải có quy trình xem xét hồ sơ ban đầu, phản hồi và hướng dẫn doanh nghiệp cách xử lý sau đó sẽ tiến hành xem xét cụ thể./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên