MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập khẩu mặt hàng chủ đạo phục hồi: Tín hiệu "sáng" của nền kinh tế

Nhập khẩu máy tính, linh kiện, điện tử - mặt hàng xuất khẩu chủ đạo tăng trưởng mạnh là tín hiệu vui đối với nền kinh tế.

Nhập máy vi tính, điện tử và linh kiện tăng 7,61 tỷ USD

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 5, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao nhất trong các nhóm hàng với 915 triệu USD, tương ứng tăng 25,5%;

Trong nửa đầu tháng 5 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 17,26 tỷ USD, tăng 26% (tương ứng tăng 3,57 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2024. Tính từ đầu năm đến hết 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 17,5% (tương ứng tăng 19,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế, từ đầu năm đến hết 15/5, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,61 tỷ USD, tương ứng tăng 26,7%. Với kết quả này, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng không chỉ có quy mô kim ngạch nhập khẩu lớn nhất cả nước mà còn là nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhất. 

Nhập khẩu mặt hàng chủ đạo phục hồi: Tín hiệu "sáng" của nền kinh tế- Ảnh 1.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhất.

Được biết, hiện các thị trường nhập khẩu lớn nhất của máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu.

Còn nhớ năm 2023, xuất khẩu điện tử của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi sức mua của thị trường toàn cầu suy giảm, tuy nhiên vẫn đóng góp 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện và máy tính, linh kiện đạt xấp xỉ 110 tỷ USD, trong đó xuất khẩu điện thoại, linh kiện đạt khoảng 52,4 tỷ USD giảm 9,7% so với năm 2022, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2022.

Doanh nghiệp Việt cần vươn lên làm chủ sân nhà

Ở nhóm các doanh nghiệp FDI, Samsung đứng đầu tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, tiếp đó là LG. Trong Top 20 công ty điện tử công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, hơn một nửa doanh nghiệp đã có mặt và đặt nhà máy tại Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng… Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI còn "èo uột". Chẳng hạn, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho Samsung Việt Nam tăng từ 4 lên 35 nhà cung cấp trong 4 năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao cho thấy nền sản xuất, xuất khẩu của  các doanh nghiệp ngành này trong nước đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, sự phục hồi này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan. 

"Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện sẽ bổ sung nguồn thu ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và là nền tảng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước thời gian tới", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá.

Tuy nhiên, điều đáng nói là thực tế, đến nay ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo thống tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), có tới gần 95% giá trị xuất khẩu hàng điện tử nằm trong tay doanh nghiệp FDI và tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, dưới 10%.

Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng phần lớn cung cấp các sản phẩm hàm lượng công nghệ, giá trị thấp.

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập và tận dụng hiệu quả cơ hội để làm chủ "sân nhà" rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Chính phủ cần quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng; đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá…; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số", ông Quốc Anh khuyến nghị./.

Theo Tố Uyên

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên