MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng

25-05-2024 - 13:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) kiến nghị xem xét chính sách thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng; xem xét mức giảm trừ gia cảnh; hoàn thiện khung khổ pháp lý chi đầu tư công.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng vốn đối ứng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đánh giá, việc Quốc hội ban hành nghị quyết với hàng loạt chính sách tài khóa, trong đó có gói hỗ trợ giảm thuế , đã có tác dụng tốt tới việc kiềm chế lạm phát - một "điểm sáng" đáng tự hào.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng- Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên họp. (Ảnh: Như Ý)

Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, gói hỗ trợ tài khóa cũng góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, có nguồn lực để tăng lương lên 1,8 triệu đồng/tháng cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách, tăng lương hưu, kích thích tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề tốt cho việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Tuy vậy, đại biểu đoàn Lâm Đồng cũng chỉ ra những hạn chế, với nhiều chính sách còn khá "mờ nhạt", như chương trình hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, dù được xem rất có ý nghĩa về mặt xã hội, nhưng lại chưa đạt kỳ vọng từ cả phía người mua và doanh nghiệp.

Bối cảnh giai đoạn 2024 – 2025, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, tiếp tục giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp kích cầu.

“Trên thực tế, việc triển khai giảm thuế trong 2 năm qua nhưng tổng thu ngân sách không hề giảm”, đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng nói.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị xem xét chính sách thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng; xem xét mức giảm trừ gia cảnh; hoàn thiện khung khổ pháp lý chi đầu tư công; đồng thời, có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp; hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu công nghiệp, xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng- Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng).

Thất bại của gói lãi suất 2% ... "chưa hẳn là thất bại"

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đánh giá “sự thất bại của gói lãi suất 2%” , khi chỉ giải ngân được 3,05%, nhìn ở khía cạnh nào đó cũng “chưa hẳn là thất bại”.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, nếu gói này hoạt động tốt, chắc chắn việc đối phó với lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều, như giai đoạn gói kích cầu 2009 đã gây lạm phát của năm 2011.

“Vì những yếu tố đó, Việt Nam đã không lâm vào lạm phát cao như nhiều nước phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu. Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, dù thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội nhưng vẫn được coi là ổn”, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị nói.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng- Ảnh 3.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, thực tế vẫn còn có tình trạng “tát nước theo mưa”. Tức là, nhân việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà có ngành xin thêm.

“Ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục”, ông Hà Sỹ Đồng nói, và khẳng định, sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng.

“Chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng nhắc phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Còn chính sách giãn nộp thuế đến cuối năm, nhiều ý kiến đề nghị giãn thêm vài tháng sang năm sau, vì đây là thời điểm giáp hạt đối với doanh nghiệp. Song điều này lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên đã không trình”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên