Nhập khẩu thiết bị tăng vọt, sản xuất đang tăng tốc
Con số gần 250 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là máy móc thiết bị đã cho thấy nền sản xuất nước ta đang phục hồi mạnh mẽ.
- 08-09-2024Đoàn 11 doanh nghiệp Hàn Quốc sắp giao thương với các nhà nhập khẩu Việt Nam
- 28-08-2024Nhóm hàng được quốc gia đông dân nhất thế giới nhập khẩu rất mạnh từ Việt Nam
- 24-08-2024Điểm danh những thị trường Việt Nam nhập khẩu tăng trên 1 tỷ USD
Sản xuất phục hồi mạnh mẽ
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương, trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%.
Cũng theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 8 tháng năm 2024 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Điểm đáng chú ý trên bản đồ nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước...chiếm gần 89% tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 218,9 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 69,9 tỷ USD, tăng tới 26,9% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 31,2 tỷ USD, tăng 16,7%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao ở mức hai con số như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 23,7%; thép các loại tăng 21,5%; dây điện và cáp điện tăng 30,7%; chất dẻo nguyên liệu tăng 17%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 16,2%; vải các loại tăng 13%...
Theo Bộ Công thương, sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên nhập khẩu của nước ta trong 8 tháng năm 2024 từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng. Điển hình: Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch sơ bộ đạt 99,29 tỷ USD, tăng tới 33,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 36,9 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực thị ASEAN đạt 30,27 tỷ USD, tăng 12,5%; Nhật Bản đạt 14,37 tỷ USD, tăng 3,1%; EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ đạt 9,78 tỷ USD, tăng 6,9%.
Sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý cuối cùng của năm 2024.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nhập khẩu thiết bị, "đầu vào" cho sản xuất tăng vọt là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Điều đó thể hiện, nhu cầu của thị trường đã "ấm" trở lại; sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhiều đơn hàng xuất khẩu mới đã được ký kết.
Doanh nghiệp linh hoạt "rẽ sóng, đạp gió" để tồn tại, phát triển
Đánh giá về triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong quý IV, TS.Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý cuối cùng của năm 2024.
"Dù nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng doanh nghiệp Việt đang nắm bắt được nhiều cơ hội từ đầu tư công và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp công nghệ ra khỏi Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho Việt Nam tiến sâu hơn vào các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao và lao động có tay nghề. Đúng là, trong thách thức khó khăn luôn có bóng dáng của cơ hội và doanh nghiệp đã biết tìm "cơ", trong "nguy", ông Anh nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên VTV Times.
Trong báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố cũng cho thấy, bối cảnh kinh tế Việt Nam trong tháng 9/2024 vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào khu vực sản xuất và xuất khẩu. Mức tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở mức 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một con số tích cực khi đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc suy thoái và sự bất ổn chính trị ở nhiều khu vực. Trong đó, đáng chú ý là sự vươn lên của một số ngành trọng điểm như dệt may, da giày, hàng điện tử, sản xuất kim loại, lắp ráp và sản xuất xe có động cơ...đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể, góp phần quan trọng vào tổng sản lượng công nghiệp của cả nước.
Tuy nhiên, hiện cộng đồng doanh nghiệp cũng phải đổi mặt với rất nhiều khó khăn. Đơn cử, lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng đang tạo ra áp lực lên chi phí vay vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn để khôi phục, mở rộng sản xuất - kinh doanh, hay chỉ đơn thuần là chuẩn bị sản xuất các đơn đặt hàng xuất khẩu những tháng cuối năm.
"Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn "đau đầu" với bài toán về tài chính. Trong giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp cần rất nhiều vốn để đầu tư cho sản xuất, dây truyền máy móc, nhập khẩu nguyên phụ liệu...Trong khi đang phái tiết giảm tối đa chi phí, thì gánh nặng lãi suất ngân hàng khiến doanh nghiệp khó xuay sở", ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó còn có những thách thức, rào cản đến từ việc giải ngân vốn chậm trễ, tiêu dùng nội địa yếu, những biến động khó khường từ thị trường quốc tế...Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp phái Bắc còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơ bão số 3 với thiệt hại lớn.
Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, đây vẫn là thời điểm mà doanh nghiệp bên cạnh việc tận dụng hiệu quả cơ hội hiện tại, vẫn rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương.
"Nước ta cần tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Đồng thời có các chính sách ưu tiên, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng mới bão lũ để họ vực dậy và ổn định sản xuất - kinh doanh", TS.Mạc Quốc Anh khuyến nghị./.
VTV