'Nhấp nhổm' theo giá gạo
Đứt nguồn cung nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ, trong khi gạo trong nước tăng giá từng ngày khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh bún, phở, bột… như “ngồi trên lửa”.
- 09-08-2023Đứng trước nỗi lo nguồn cung, giá gạo ở châu Á tăng cao nhất 15 năm
- 07-08-2023Giá gạo xuất khẩu tăng vọt đẩy giá lúa trong nước 'nóng sốt' từng ngày
- 05-08-2023Giá gạo liên tục tăng, doanh nghiệp và đại lý chỉ dám "ôm" cầm chừng
Đứt nguyên liệu, giá tăng cao
Ngày 9/8, khảo sát tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM cho thấy, các mặt hàng bún, phở, hủ tiếu, bánh hỏi… đã tăng giá thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cách đây một tuần. Tại sạp bún tươi trên đường Bà Hom (quận Bình Tân), người bán cho biết bún hiện nay có giá 13.000 đồng/kg (đã tăng thêm 3.000 đồng), bánh hỏi 23.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng). Tương tự, các loại phở, hủ tiếu, bánh canh… cũng tăng giá. “Chủ cơ sở sản xuất tăng giá nên mình phải tăng theo. Họ cho biết gạo sản xuất bún, phở tăng giá, đứt nguồn hàng nên sắp tới giá cả sẽ còn điều chỉnh tăng thêm nếu giá gạo trong nước vẫn tiếp tục tăng” - bà Tư, chủ quầy bún, phở cho biết.
Gạo tăng giá làm không ít doanh nghiệp sản xuất bún, phở “đứng ngồi không yên”. Bà Nguyễn Thị Bính - Giám đốc Công ty CP SX-TM-DV Nguyễn Bính (TP Thủ Đức) cho biết, ngay khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, tuy tạo cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo nhưng khiến nguồn gạo chế biến dành cho DN sản xuất bị thâm hụt. Theo bà Bính, gạo chế biến là gạo khô, còn gạo ăn là loại dẻo, mềm. Nếu dùng gạo ăn để chế biến bún, mì sẽ làm sản phẩm dính bệt, không thể sản xuất.
“Thiếu nguồn gạo chế biến, chúng tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi, tranh nhau mua nguyên liệu để tích trữ sản xuất nhưng cũng không có” - bà Bính cho hay.
Từ mức giá 9.800 - 10.000 đồng/kg, hiện giá gạo loại này đã tăng lên 15.500 - 16.000 đồng/kg, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của DN nói riêng và của ngành sản xuất thực phẩm bún, phở… nói chung.
“Nếu tình hình nhập khẩu gạo không được cải thiện, giá gạo nội địa tiếp tục tăng cao thì sẽ gây khó khăn cho các DN sản xuất. Dự kiến với giá gạo hiện nay, có thể chúng tôi sẽ phải tăng giá trong tháng 9. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tăng giá sản phẩm sẽ càng khó tiêu thụ mà cố gắng cầm cự với giá cũ thì doanh nghiệp lo không trụ nổi” - bà Bính bộc bạch.
Hơn 15 năm trong nghề chế biến bún tươi, phở, bánh hỏi…, ông Lê Văn Thành - chủ cơ sở sản xuất ở quận Tân Bình nhìn nhận, chưa khi nào giá các loại gạo, bột gạo chế biến bún, bánh phở, bột... lại tăng cao như hiện nay. Loại bột gạo để làm sợi phở, bún và các loại bánh ông Thành mua sỉ với số lượng lớn cũng tăng giá 3.000 đồng/kg, lên 26.000 đồng/kg. “Nếu giá bột vẫn giữ ở mức cao thì buộc cơ sở phải tăng giá bán trong thời gian tới” - ông Thành nói.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bún, mì, phở khô xuất khẩu đi châu Âu nhưng nhiều ngày qua, bà Lê Thị Hồng - Giám đốc một công ty có trụ sở tại quận 6 (TPHCM) phải cầu cứu khắp nơi để tìm nguyên liệu sản xuất. Bà Hồng cho biết: Tiêu chuẩn gạo để sản xuất bún xuất khẩu sang châu Âu rất khó, phải đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Trước đây, chúng tôi có nguồn nguyên liệu gạo ổn định nhưng hiện tại giá gạo đang tăng cao, trong nước chưa đến vụ thu hoạch nên tạm thời đang thiếu hụt. Tôi tìm khắp nơi mà không có” - bà Hồng lo lắng nói.
Theo ông Nguyễn Đức Nhật Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Cà Mèn (chuyên sản xuất bánh canh tươi), các sản phẩm của doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ gạo là chính. Biến động giá gạo hiện nay đã tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất. Doanh nghiệp đang đàm phán với các đối tác cung cấp nguyên liệu, giữ giá thêm một thời gian để bình ổn sản phẩm ra thị trường.
Nhiều giải pháp bình ổn thị trường
Ông Đinh Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết, “Khi gạo tăng giá thì các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cũng phải tăng giá sản phẩm đầu ra tương đương. Riêng gạo phân phối cho hệ thống siêu thị vẫn không tăng giá do hợp đồng ký kết với các siêu thị là dài hạn, thời gian tăng giá chưa đủ dài. Nếu tới đây, giá gạo tiếp tục tăng cao thì doanh nghiệp buộc phải đề nghị điều chỉnh giá”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo chủ động thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng; cung ứng đủ, vượt số lượng gạo đã đăng ký trong mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký bình ổn.
Theo kế hoạch, tại TPHCM, lượng gạo thuộc chương trình bình ổn giá cung ứng ra thị trường là 3.311 tấn/tháng, riêng tháng Tết Giáp Thìn 2024 là 4.525 tấn. Nếu có sốt giá cục bộ, TPHCM sẽ tổ chức bán hàng lưu động với giá ổn định cho người dân.
Tiền phong