Nhập siêu 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5/2021
Mức thâm hụt 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5/2021 đã đưa cán cân thương mại của cả nước tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2021 nghiêng về hướng nhập siêu với 350 triệu USD…
- 10-05-2021Xuất siêu chưa vội mừng: Nội “hăng hái” nhập, ngoại “hăm hở” xuất
- 22-04-2021Việt Nam nhập siêu hơn 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4
- 22-01-2021Nhập siêu tháng 12/2020 thấp hơn ước tính nâng mức thặng dư cả năm cao kỷ lục
Theo báo cáo được Tổng cục Hải quan công bố chiều 19/5, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục chiều hướng giảm, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu.
Cụ thể, 15 ngày đầu tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 11,9 tỷ USD giảm 1,93 tỷ USD so với nửa cuối tháng 4/2021. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 116,8 tỷ USD.
Trong đó, 4 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.
Từ chiều ngược lại, tổng kim ngạch nửa đầu tháng 5 đạt 13,8 tỷ USD nhỉnh hơn đôi chút so với con số 13,76 tỷ USD của nửa cuối tháng 4 trước đó. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 117,15 tỷ USD.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu tháng 5 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 2,72 tỷ USD. Ngoài ra, còn một nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 2,1 tỷ USD.
Với mức thâm hụt tới 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/5/2021, cán cân thương mại đảo chiều khi nước ta đã nhập siêu 350 triệu USD.
Tình hình xuất nhập khẩu từ đầu năm đến 15 ngày đầu tháng 5/2021.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc xuất khẩu sụt giảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trở lại phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là 3 trong số 8 địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên (tính trong 4 tháng đầu năm 2021).
Đặc biệt, Bắc Giang đang là địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng cũng là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng hết sức ấn tượng trong những tháng đầu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 2,3 tỷ USD so với cùng kỳ 2020, trong khi nhập khẩu tăng 2,4 tỷ USD.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…cũng đang là rào cản đối với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước; đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.
Vneconomy