MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập thịt nhiều, thương lái có thể tuồn lợn sang Trung Quốc

27-11-2019 - 07:50 AM | Thị trường

Giá thịt lợn tùy từng loại, có nơi đã đạt mức hơn 200.000 đồng/kg, cao chưa từng có từ trước đến nay. Trong khi đó, có ý kiến lo ngại, nếu “mở cửa” nhập thịt ồ ạt, giá lợn trong nước xuống thấp, thương lái lại tìm cách tuồn sang Trung Quốc, lúc đó trong nước lại càng thiếu.

Tăng chóng mặt

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, ngày 25/11, giá thịt lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc có chiều hướng chững lại hoặc giảm nhẹ, với mức phổ biến 73.000- 77.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá lợn hơi nơi cao nhất lên đến 78.000 đồng/kg, khu vực Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…giá lợn hơi vẫn ở mức 74.000-77.000 đồng/kg.

Ở miền Trung, giá lợn hơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở mức rất cao, khoảng 75.000-76.000 đồng/kg, trong khi tại miền Nam, giá lợn hơi có xu hướng hạ nhiệt hơn tuần trước, với mức giá phổ biến 70.000-73.000 đồng/kg.

Nguồn cung thiếu thụt, khiến giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị tiếp tục “nhảy múa”. Khảo sát của PV một số chợ truyền thống tại Hà Nội cho thấy, giá sườn non tới 210.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 170.000 đồng/kg, bắp giò 150.000 đồng/kg…Tại các siêu thị cũng ghi nhận sự tăng giá thịt 10- 15% so với trước, trung bình ở mức 150.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá thịt lợn có dấu hiệu tăng từng ngày.

“Khi nhập thịt vào, giá lợn ở Việt Nam càng thấp hơn so với Trung Quốc, lúc đó thương lái bằng mọi cách qua đường mòn, lối mở sẽ chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ðây mới là vấn đề chính", ông Nguyễn Kim Ðoán

Trước tình trạng giá lợn tăng cao, các doanh nghiệp đã lên các phương án tham gia chương trình bình ổn giá về việc dự trữ hàng hóa. Đại diện Siêu thị BigC Thăng Long cho biết, đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị kho chứa đảm bảo chất lượng. Siêu thị này cũng lên phương án để khi thị trường Hà Nội cần sẽ huy động hàng hóa từ TP.HCM ra để đảm bảo cung ứng cũng như bình ổn giá thị trường. BigC Thăng Long cam kết sẽ không tăng giá trong dịp Tết nếu thị trường có biến động tăng.

Theo đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đơn vị này đang chủ động lên phương án trữ lượng thịt lợn, thịt gia cầm và thủy hải sản để chủ động bình ổn giá, ổn định thị trường dịp Tết, trong đó có xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh để bổ sung nguồn cung.

Càng nhập thịt, sẽ càng thiếu?

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cấp thực phẩm chủ lực khác như: Vissan, San Hà, Sargifood, Satra… đều khẳng định đã có kế hoạch nhập khẩu thịt lợn từ các nước: Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada.

Theo đó, từ lúc đặt hàng đến khi đưa ra cửa hàng bán lẻ phải mất 45 - 60 ngày. Giá thịt lợn nhập khẩu chỉ dao động quanh mức 44.000 - 48.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn trong nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi lợn ở Đông Nam bộ cho rằng, việc nhập khẩu thịt về bình ổn sẽ phụ thuộc vào giá lợn ở Trung Quốc.

Theo ông, cơ quan thống kê đưa ra con số thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn là “hơi ảo”, và nếu nhập theo số lượng này, chưa chắc đã bình ổn được thị trường. “Nếu thống kê tổng đàn lợn thiệt hại chỉ khoảng 8-10% tổng đàn có thể là chưa chính xác, bởi chỉ thiếu hụt từng đó, thì hôm nay không thể thiếu dữ vậy”, ông Đoán phân tích.

Ông Đoán cũng cho rằng, việc nhập khẩu thịt có tác dụng tốt để bình ổn thị trường, khi giá lợn ở Trung Quốc không gấp đôi giá ở Việt Nam như hiện nay. “Khi nhập thịt vào, giá lợn ở Việt Nam càng thấp hơn so với Trung Quốc, lúc đó thương lái bằng mọi cách qua đường mòn, lối mở sẽ chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây mới là vấn đề chính. Do vậy, khi giá thịt lợn ở Trung Quốc càng cao bao nhiêu, nguồn thịt ở thị trường Việt Nam càng thiếu bấy nhiêu”, ông Đoán nói.


Theo Ngọc Mai - Nam Khánh

Tiền phong

Trở lên trên