Nhật Bản báo động về hội chứng hikimori: Không chỉ người trẻ, ngày càng có nhiều người 40, 50 tuổi thu mình trốn tránh xã hội
Áp lực từ công việc và xã hội đang khiến một bộ phận không ít người chọn cách xa lánh thế giới.
- 06-12-2019Kinh tế giảm tốc, Nhật Bản tung gói kích cầu 121 tỷ USD
- 03-12-2019Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản sụt giảm vì “bê bối hoa anh đào”
- 09-11-2019Con đường gian nan của Nhật Bản khi tiến tới một xã hội không tiền mặt: 1/3 dân số mạnh mẽ phản đối, không chịu tiếp nhận sự đổi mới
Khoảng một năm trước, con trai út của Mika Shibata trở về nhà và gần như trở nên câm lặng hoàn toàn. Đến giờ anh vẫn chưa ra khỏi phòng ngủ của mình. Ở tuổi 26, anh ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm. Người mẹ vẫn nuôi và che chở cho anh ta, với hy vọng một ngày nào đó con trai sẽ thoát ra khỏi tình trạng này. Nhưng bà ngày một buồn phiền và cho rằng con trai mình sẽ không bao giờ trở lại như trước nữa. Tình trạng này càng kéo dài, con trai bà càng khó có thể quay trở lại xã hội.
Nhiều gia đình khác ở Nhật Bản cũng trải qua nỗi đau giống như gia đình Shibata. Chính phủ nói rằng có hơn 1 triệu "kẻ cô lập", hay còn gọi là hikikomori - được định nghĩa là những người đã không còn là một phần của xã hội trong ít nhất sáu tháng. Nhiều người hầu như không bước ra khỏi nhà của họ trong nhiều thập kỷ. Một số tội ác đáng báo động đã đẩy họ trở lại tầm ngắm của cộng đồng. Vào tháng Năm, một "kẻ cô lập" 51 tuổi đã đâm hai người, trong đó có một đứa trẻ, đến chết tại thành phố Kawasaki trước khi tự sát. Vào tháng Sáu, một nhân viên nghỉ hưu đã sát hại chính con trai mình, một hikikomori trung niên, bởi vì anh ta nói rằng anh ta sợ mình có thể làm tổn thương ai đó.
Khi hiện tượng này bắt đầu thu hút sự chú ý từ khoảng một thế hệ trước, có rất ít người thực sự hiểu nó. "Kẻ cô lập" bị coi là lười biếng hoặc kỳ quặc. Chăm sóc sức khỏe tâm thần là chuyện xa lạ và không có một sự hỗ trợ chính thức nào đối với những trường hợp này. Tuy nhiên, hiện tại các nhóm hỗ trợ đang mọc lên trên khắp Nhật Bản. Tokyo là một trong số những thành phố có đường dây trợ giúp và trang web cố gắng tiếp cận những "kẻ cô lập" - từ những người bỏ học ở tuổi vị thành niên đến những người làm công ăn lương bị sa thải. Các bậc phụ huynh lớn tuổi thường tìm kiếm sự giúp đỡ, Ichiro Miyazawa của chính quyền đô thị Tokyo cho biết. Ông nói rằng họ lo sau khi họ chết, những đứa trẻ hikikomori của họ sẽ không thể tồn tại.
Theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các năm nay, hơn một nửa số "kẻ cô lập" tại Nhật Bản hiện đã trên 40 tuổi. Điều đó khiến chính phủ cực kỳ bất ngờ, bởi họ cho rằng nhóm người này phần lớn là giới trẻ. Tamaki Saito, một bác sĩ tâm thần đã phổ biến hóa thuật ngữ hikikomori, nói rằng chính phủ phải chịu một phần trách nhiệm vì đã nhắm mắt làm ngơ. Bây giờ vấn đề đã phức tạp hơn nhiều. Nếu nó không được xử lý một cách nghiêm túc, nhiều người khác có thể trở thành những "kẻ cô lập", ông nói.
Tuy nhiên, việc đưa những "kẻ cô lập" ở độ tuổi 40 và 50 trở lại xã hội là điều khó khăn, ông Miyazawa thừa nhận. Thành phố có thể gửi tư vấn viên đến nhà chỉ khi được yêu cầu. Nhưng thường thì các gia đình không thể giao tiếp với những đứa con cô lập của họ. Bà Shibata suy đoán rằng con trai mình bị bắt nạt tại nơi làm việc, nhưng không chắc chắn về điều đó. Anh không nói một lời nào kể từ khi trở về. Hai anh trai của anh cũng không thể nói chuyện với anh. Một ngày nào đó, bà hy vọng rằng đứa con trai thông minh, nhạy cảm mà bà biết sẽ quay trở lại. Nhưng rất nhiều người không bao giờ có ngày đó.
Tham khảo The Economist