Nhật Bản dẫn đầu về ‘hút’ lao động Việt Nam
Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), hơn 22.500 lao động Việt Nam đã đi làm việc ở nước ngoài trong quý I, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
- 04-04-2017Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Tuyển mới trên nỗi lo cũ
- 02-04-201758 quận, huyện bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc
- 01-03-2017Yêu cầu báo cáo việc thu phí xuất khẩu lao động “vượt rào”
Số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp cho thấy, chỉ riêng trong tháng 3, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.274 người (2.598 nữ).
Trong tháng 3, Nhật Bản trở thành thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, với 3.823 người. Đài Loan đứng thứ 2 với 3.580 người, tiếp theo là Hàn Quốc 437 người, Saudi Arabia, Algeria, Malaysia, Macau, Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường khác.
Trong quý I, Hàn Quốc đã thông báo sẽ tổ chức thi tiếng Hàn cho lao động Việt Nam có nguyện vọng sang nước này làm việc với chỉ tiêu tuyển chọn là 3.600 lao động vào tháng 6 tới.
Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia cũng chính thức được thực hiện ngày 1/3 vừa qua. Theo đó, Australia sẽ cấp tối đa 200 thị thực cho công dân Việt Nam lưu trú để du lịch nhưng được tìm việc làm hợp pháp với mức lương cao tại nước này trong thời gian tối đa 12 tháng.
Cũng trong quý I, Bộ LĐTB&XH và Bộ Lao động và Dạy nghề Campuchia đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động. Bản ghi nhớ đã thống nhất sự hợp tác trong việc quản lý lao động di cư vì việc làm giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động ở khu vực biên giới trong việc đăng ký các giấy tờ để làm việc, sinh sống hợp pháp.
Đặc biệt, vào đầu tháng 3, Bộ LĐTB&XH tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm số lượng, chất lượng ngày càng tăng… cần mở rộng, đa dạng hóa các hình thức, thị trường tiếp nhận, phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời, Bộ cũng sẽ rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan để điều chỉnh và kiến nghị sửa đổi; kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hay “giấy phép con”, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động.
Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ xem xét 2 đề án về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án về đưa lao động có trình độ cao đi xuất khẩu lao động.
Chinhphu.vn