MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP quý II

28-09-2023 - 20:05 PM | Tài chính quốc tế

Nhật Bản điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP quý II

Tăng trưởng GDP quý II/2023 của Nhật Bản bất ngờ được điều chỉnh giảm mạnh hơn dự báo.

Nhật Bản công bố những trụ cột trong gói kích thích kinh tế mới

Thông báo của ông Kishida về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi tiến hành cải tổ nội các một cách sâu rộng.

Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan gấp rút soạn thảo chi tiết để thông qua gói kích thích kinh tế mới vào tháng 10 này, nhằm thúc đẩy tăng lương và giúp các hộ gia đình ứng phó với giá cả leo thang.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đưa ra đề cương khái quát về gói các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy một chu kỳ tăng trưởng mới cho nền kinh tế Nhật Bản.

Theo thông tin trên báo Sankei, gói các biện pháp kích thích kinh tế này gồm 5 trụ cột chính: các biện pháp đối phó với tình trạng giá cả tăng cao; tăng lương bền vững và tăng trưởng bền vững cho các địa phương; thúc đẩy đầu tư trong nước; đối phó với vấn đề suy giảm dân số và cuối cùng là đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật bản Kishida đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xây dựng các biện pháp kinh tế mới để thông qua vào cuối tháng 10.

Nhật Bản điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP quý II - Ảnh 1.

Theo dữ liệu điều chỉnh mới công bố, nền kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 4,8% trong quý II. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Dự kiến, chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra khoảng 20 biện pháp thực hiện bao gồm: biện pháp kiềm chế giá xăng, điện, gas; trợ cấp cho những công ty tăng lương cho người lao động; khuyến khích đầu tư sản xuất các vật liệu quan trọng như chất bán dẫn và pin lưu trữ; thúc đẩy cải cách hành chính, kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; bên cạnh đó là thu hút thêm khách du lịch đến Nhật Bản; mở rộng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và nhiều biện pháp khác.

Báo Yomiuri đánh giá, tất cả những trụ cột được đưa ra đều là vấn đề quan trọng Nhật Bản đang phải đối mặt, bao gồm cả vấn đề cấp bách trước mắt và vấn đề cần giải quyết trong trung, dài hạn.

Theo đó, biện pháp đối phó với tình trạng giá cả tăng cao, hỗ trợ người có thu nhập thấp và tăng lương doanh nghiệp từ tháng 10 là vấn đề cấp bách; còn vấn đề suy giảm dân số, đầu tư tăng cường tiềm lực quốc gia là những vấn đề cần phải xem xét thêm một cách thận trọng.

Vấn đề quan tâm của người dân Nhật Bản khi Thủ tướng Kishida công bố phác thảo gói biện pháp kích thích kinh tế là ngân sách thực hiện.

Theo báo Nikkei, có thể chính phủ Nhật Bản sẽ phải bổ sung ngân sách, một số thành viên của Đảng cầm quyền LDP cho biết, sẽ cần từ khoảng 15.000 - 20.000 tỷ Yen (103 - 137 tỷ USD).

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, ngân sách bổ sung chỉ nên chi cho những biện pháp cấp bách trong năm nay, còn các biện pháp khác phải được thảo luận trong khuôn khổ ngân sách năm tới.

Ngoài ra, nếu ngân sách bổ sung nếu chủ yếu dựa vào việc phát hành trái phiếu chính phủ có nguy cơ làm tình hình tài chính quốc gia hay nợ công sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết, Nhật Bản không thể bỏ lỡ cơ hội này để chuyển đổi, kế hoạch thực hiện giai đoạn chuyển đổi có thể thực hiện trong 3 năm tới để tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế và mang lại lợi ích chung cho người dân.

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản quý II dự kiến đạt 4,8%

Có thể thấy, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang rất cần bổ sung một "liều thuốc trợ lực mới" trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp kể từ đầu năm đến nay, do chi phí sinh hoạt tăng cao làm cản trở tiêu dùng nội địa.

Tăng trưởng GDP quý II/2023 của Nhật Bản bất ngờ được điều chỉnh giảm mạnh hơn dự báo, cùng với đó là mức lương thực tế ghi nhận tháng giảm thứ 16 liên tiếp. Những dữ liệu này đã và đang đặt ra câu hỏi: Liệu nhu cầu nội địa có đủ mạnh để giúp đất nước mặt trời mọc tiếp tục phục hồi?

Theo dữ liệu điều chỉnh mới công bố, nền kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 4,8% trong quý II, thấp hơn mức ước tính sơ bộ là 6%. Nguyên nhân là do chi tiêu vốn và tiêu dùng tư nhân đều suy giảm giảm. Xuất khẩu dự báo sẽ sụt giảm, phản ánh tác động của sức cầu bên ngoài yếu. Trong khi đó, nước này ghi nhận lạm phát 12 tháng liên tục tăng trên 3%.

Các chuyên gia cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu kinh tế Nhật Bản suy giảm liền hai quý còn lại của năm 2023. Cơ hội sớm chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang giảm dần.

Bất chấp việc phải đối mặt với những thách thức trên, trong cuộc họp báo về chính sách mới nhất vào tuần trước, Thống đốc BOJ - ông Kazuo Ueda, vẫn khẳng định quyết tâm giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mức lãi suất âm.

"Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện nới lỏng tiền tệ, đồng thời ứng phó linh hoạt với các điều kiện kinh tế, giá cả, tài chính trong bối cảnh nền kinh tế, thị trường trong và ngoài nước có mức độ bất ổn cao. Chính sách của chúng tôi là hướng tới đạt mức giá 2% mục tiêu, ổn định bền vững, ổn định đi đôi với việc tăng lương", ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), nhấn mạnh.

Nhật Bản sẽ ngăn chặn biến động tỷ giá quá mức

Tuy nhiên việc giữ duy trì mức lãi suất siêu thấp này cũng đang gây ra những áp lực rất lớn lên tỷ giá đồng Yen Nhật.

Sáng 25/9, đồng Yen có thời điểm đã giảm về gần mốc chủ chốt 150 Yen đổi 1 USD, mức thấp nhất 11 tháng. Điều này khiến cả thị trường châu Á gia tăng đồn đoán, chính phủ Nhật Bản sắp có một động thái can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng tiền này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/9, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản khẳng định mọi lựa chọn đều có thể được nhân nhắc trong việc ngăn chặn biến động quá mức trên thị trường tiền tệ, khi đồng Yen tiến gần đến mức 150 Yen đổi 1 đồng bạc xanh.

Tại họp báo, các quan chức về tiền tệ của Nhật Bản và các nước khác chia sẻ quan điểm cho rằng biến động quá mức là điều không mong muốn và chính phủ nước này đang theo dõi sát sao các diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, việc đồng Yen tiếp tục giảm gây sức ép lên lạm phát, trong khi Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác.

Gói kích thích kinh tế mới trị giá 103 - 137 tỷ USD tập trung chủ yếu là kiềm chế lạm phát. Quy mô gói này nhỏ hơn đáng kể so với gói kích thích 260 tỷ USD công bố tháng 10/2022. Liệu tác động mang lại có giúp lạm phát giảm bền vững, làm tăng sức cầu tiêu dùng?

Thống đốc BOJ thừa nhận tại buổi họp báo ngày 22/9 rằng, lạm phát đang trở thành gánh nặng, đồng thời nói rằng ông "cực kỳ lo ngại" về việc lương thực tế không tăng. Do lạm phát không giảm nhiều như dự kiến trước đây, BOJ sẽ kiểm tra dữ liệu mới khi công bố báo cáo triển vọng cập nhật vào tháng 10.

Theo PV

VTV

Trở lên trên