MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản đối mặt 'kịch bản ác mộng': Nga - Trung xích lại gần nhau, đe dọa trật tự do Mỹ dẫn đầu

01-12-2023 - 13:33 PM | Tài chính quốc tế

Một báo cáo an ninh mới của Nhật Bản nhận định rằng, Trung Quốc và Nga có tham vọng chung là tạo ra một trật tự toàn cầu nghiêng về phía họ.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (NIDS) - tổ chức nghiên cứu hợp tác với Bộ Quốc phòng Nhật Bản - tuần trước đã công bố "Báo cáo An ninh Trung Quốc 2024", trong đó cảnh báo rằng "cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - Nga về trật tự quốc tế sẽ tăng tốc" trong thập kỷ tới hoặc lâu hơn.

Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù Bắc Kinh và Moscow có mối quan hệ phức tạp hơn trong quá khứ, nhưng những khác biệt về ý thức hệ và chính trị đó phần lớn đã được gạt sang một bên để cho phép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tập hợp ít nhất một số quyền lực của mình để thách thức trật tự hiện tại.

Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản) và là chuyên gia về các vấn đề quân sự, cho biết báo cáo của NIDS lặp lại nội dung trong Sách trắng quốc phòng và một số nghiên cứu ở Nhật Bản trong những năm gần đây, nhưng rất quan trọng vì "miêu tả rõ ràng hơn về những đặc điểm của Trung Quốc và Nga trong thế giới hiện đại".

Theo báo cáo, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung đã chia sẻ "mục tiêu chiến lược chung" là tạo ra một trật tự quốc tế song song "dựa trên các giá trị cơ bản của tự do và dân chủ".

Nhật Bản đối mặt 'kịch bản ác mộng': Nga - Trung xích lại gần nhau, đe dọa trật tự do Mỹ dẫn đầu - Ảnh 1.

'Kịch bản ác mộng' đối với Nhật Bản

Điều đáng báo động nhất đối với Tokyo là báo cáo cho biết, các tàu chiến và máy bay của Trung Quốc và Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung trên Biển Nhật Bản và cũng đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh các đảo chính của Nhật Bản vào đầu năm nay.

NIDS cảnh báo: "Nhật Bản phải tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ cần thiết để ngăn chặn những nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng cách dựa vào vũ lực."

Theo NIDS, một yếu tố quan trọng trong an ninh tương lai của Nhật Bản sẽ là "tăng cường hợp tác nhiều mặt với Mỹ, quốc gia mong muốn duy trì trật tự hiện có và có khả năng răn đe mạnh mẽ, bao gồm cả hạt nhân".

Báo cáo cũng khuyến nghị Nhật Bản tăng cường "giao lưu kinh tế và giao lưu nhân dân" với các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương, đồng thời sử dụng ngoại giao với các quốc gia mới nổi và đang phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để "mở rộng lợi ích chung", cụ thể là duy trì trật tự quốc tế hiện có.

"Điều này yêu cầu Nhật Bản thực hiện các hành động chủ động và độc lập hơn để bảo đảm lợi ích quốc gia cũng như duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", báo cáo viết.

Học giả Mulloy cho biết, Tokyo đã bị "báo động" trước sự phối hợp và hợp tác ngày càng tăng giữa lực lượng vũ trang hai nước Nga - Trung trong các cuộc tập trận gần Nhật Bản, dù đây chỉ là một phần trong "kịch bản ác mộng" đối với Nhật Bản.

Ông nói: "Liên minh mới nổi này không phải là tình huống xấu nhất đối với Nhật Bản nhưng là một phần trong đó. Tình huống tồi tệ nhất sẽ là liên minh này phát triển và Mỹ rút lực lượng khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương."

Nhật Bản đối mặt 'kịch bản ác mộng': Nga - Trung xích lại gần nhau, đe dọa trật tự do Mỹ dẫn đầu - Ảnh 2.

Coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn với Nga

Bất chấp triển vọng ảm đạm trong báo cáo, giáo sư Mulloy đã chỉ ra một số điểm tích cực trong tình hình địa chính trị khu vực hiện tại, nhất là thực tế là Nga và Trung Quốc hiện không được coi là một liên minh an ninh chính thức và những trở ngại của việc đó.

Đồng thời, theo ông Mulloy, chiến dịch của Nga ở Ukraine và các vấn đề kinh tế trong nước khiến Moscow trở thành đối tác "cửa dưới" trong mối quan hệ với Trung Quốc.

"Rõ ràng là Nga phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn so với Trung Quốc vào Nga vì Moscow có ít lựa chọn hơn và ít quyền lực hơn nhiều", ông nói thêm.

Bên cạnh đó, theo SCMP, ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Busan (Hàn Quốc) vào ngày 26/11, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ngoại trưởng ba nước trong những năm gần đây.

Mặc dù chưa có bước đột phá ngay lập tức về các vấn đề tồn tại ảnh hưởng quan hệ song phương và ba bên, nhưng ba nước đã đồng ý tăng cường nỗ lực sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh giữa ba nhà lãnh đạo trong tương lai gần.

"Thật tích cực khi Nhật Bản và Trung Quốc có thể tìm thấy một số điểm chung. Nhật Bản có thể để mối quan hệ với Nga đi xuống và giảm thương mại vì điều đó thực sự không có bất kỳ tác động nào ở đây. Nhưng việc không có quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ có tác động nghiêm trọng hơn nhiều đối với Nhật", giáo sư Mulloy nói.

Theo Hữu Hiển

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên