Nhật Bản và những nghề độc lạ đang ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào?
Chẳng có nhiều việc để làm khi nền kinh tế u ám nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản lại không muốn đuổi người. Thế nhưng điều này lại đang gây hại đến nền kinh tế.
- 02-03-2023Nghề thợ điện lên ngôi vì xe điện: Thu nhập tăng lên 60.000 USD, phải từ chối khách vì kín lịch làm việc trong 6 tháng
- 28-02-2023Cô gái kiếm gần 120 triệu đồng/tháng từ nghề ngồi ở nhà ‘gõ phím’, muốn làm giàu thì không thể bỏ lỡ cơ hội này
- 17-02-202328 tuổi kiếm hơn 2 tỷ đồng/tháng: Nhập ví từ Alibaba về tự dán nhãn, bỏ luôn nghề kỹ sư để theo ‘nghiệp’ bán hàng online
Nếu ai đã từng đến Nhật Bản chắc hẳn sẽ ấn tượng với những nhân viên sân bay sắp xếp hành lý lại ngay ngắn khi chúng được đưa lên băng chuyền. Thế rồi những lao động mặc đồng phục đứng canh ngoài các công trình đang xây dựng để lịch sự nhắc nhở mọi người không nên bước vào trong.
Tại những trung tâm thương mại, Nhật Bản có cả những nữ nhân viên ăn mặc đồng phục chỉ để giúp mọi người bấm thang máy. Thế rồi trong nhiều quán bar ở thủ đô Tokyo, có những nhóm pha chế 4 người tụ vào với nhau chỉ để chuẩn bị một ly martini đơn giản.
Phải chăng các công ty quá thừa tiền để thuê nhiều nhân viên đến vậy? Hay văn hóa nề nếp, chỉnh chu đã ăn sâu vào văn hóa lao động đến mức các công ty phải tốn thêm tiền cho những vị trí “độc lạ”?
30 năm có việc làm
Thị trường lao động Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa coi doanh nghiệp như gia đình, hạn chế sa thải và cống hiến suốt đời. Điều này có vẻ là niềm mơ ước của người lao động nhưng trên thực tế, một trong những lý do chính khiến các công ty ngại sa thải đến từ chính yếu tố dân số.
Tờ Economist nhận định các doanh nghiệp Nhật không thích sa thải lao động kể cả khi họ chẳng có nhiều việc để làm. Một trong những nguyên nhân chính là do dân số già hóa khiến việc tìm kiếm, đào tạo lao động mới trở nên khó khăn. Hậu quả là các doanh nghiệp tốn nhiều công sức để tìm nhân viên mới ưng ý nên họ không muốn đuổi người cũ, trừ phi không còn lựa chọn nào khác.
Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong những năm vừa qua hiếm khi tăng mạnh, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tính bình quân 30 năm qua, con số này tại Nhật Bản chỉ tăng 3,5 điểm phần trăm, thấp hơn nhiều so với trung bình 9,5 điểm phần trăm của các nước giàu.
Điều trớ trêu là tỷ lệ thất nghiệp thấp qua nhiều năm lại đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tờ Economist nhận định khi các nhân viên không muốn rời những công ty làm ăn bình thường vì sự ổn định, họ không thể gia nhập những doanh nghiệp tiên tiến khác để thúc đẩy tăng trưởng. Nói đơn giản là khi ai cũng chạy theo sự ổn định thì chẳng ai muốn thay đổi, muốn nâng cấp làm gì cả.
Bằng chứng rõ ràng nhất là dù có vị thế nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng năng suất lao động của Nhật Bản lại đứng cuối trong top các nước công nghiệp phát triển (G7). Thậm chí theo bảng xấp hạng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Nhật Bản chỉ đứng thứ 23/36 về năng suất lao động với 49,5 USD cho mỗi giờ làm việc. Con số này thấp hơn mức 60 USD/giờ bình quân của OECD và đứng sau cả những nước như Slovenia.
Kể từ năm 1970 đến nay, Nhật Bản luôn đứng cuối về năng suất lao động của G7 dù số giờ làm việc và áp lực lao động thuộc hàng nặng nhất. Những câu chuyện về “làm việc đến chết” chẳng còn xa lạ gì ở xứ sở hoa anh đào.
Lao động nhiều là vậy nhưng năng suất của Nhật lại đi lùi khi năm 2000, năng suất lao động Nhật Bản chiếm khoảng 70% nếu so sánh với lao động Mỹ thì con số này những năm gần đây chưa được 60%.
Bên cạnh đó, việc giữ cho tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng sẽ khiến lao động trẻ lâm vào cảnh thu nhập thấp khi các công ty hạ mức lương để đảm bảo không phải sa thải ai. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy an sinh xã hội, cắt giảm chi tiêu cũng như nhu cầu kết hôn, sinh con.
Tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái và mặt phải. Việc giữ cho lao động có việc làm sẽ đảm bảo ổn định xã hội hơn so với sa thải hàng loạt. Chuyên gia tài chính Dario Perkins của TS Lombard nhận định những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ khủng hoảng nhẹ hơn so với thị trường khác do mọi người vẫn chi tiêu kể cả khi tăng trưởng giảm tốc.
Mặc dù vậy, tình hình này tại Nhật Bản lại đang lan nhanh sang các nền kinh tế Phương Tây và nhiều chuyên gia lo lắng thế giới sẽ lâm vào cái bẫy tăng trưởng chậm tương tự xứ sở hoa anh đào trong suốt hàng chục năm qua.
Lan rộng
Kể từ khi mở cửa nền kinh tế trở lại vào năm 2021, tăng trưởng GDP của 38 nền kinh tế thành viên OECD đã chậm lại, nếu không muốn nói là đứng yên và thậm chí là suy giảm ở một số nước.
Niềm tin của giới doanh nghiệp đi xuống vì lo sợ suy thoái, thế nhưng thị trường việc làm thì lại chẳng biến động mấy. Bất chấp hàng loạt động thái sa thải của các hãng công nghệ Mỹ nhưng báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào ngày 2/3/2023 cho thấy thị trường lao động nước này vẫn khá ổn định với tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Tính trên toàn OECD, tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 12/2022 cũng chỉ vào khoảng 4,9%, thấp nhất suốt nhiều thập niên qua. Trong 2 quý cuối năm 2022, các nước giàu đã tuyển dụng thêm 1 triệu việc làm. Tại những nước như Canada, Pháp hay Đức, tỷ lệ lao động có việc làm tăng cao chưa từng thấy.
Chỉ có một số nước như Áo, Israel và Phần Lan là có tỷ lệ thất nghiệp tăng. Tại Phần Lan, tỷ lệ này đã tăng hơn 1 điểm phần trăm so với thời kỳ trước khi giãn cách. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp 7,2% trong tháng 12/2022 của Phần Lan vẫn thấp hơn so với mức bình quân dài hạn.
Bất ngờ hơn, những nước có lịch sử thất nghiệp cao thời kỳ đầu thập niên 2010 như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha thì lại đang có thị trường lao động cực kỳ tốt.
Tờ Economist nhận định các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn so với những cuộc khủng hoảng trước đã giúp họ đứng vững trong bối cảnh giảm chi phí hiện nay. Nhiều doanh nghiệp được chính phủ hỗ trợ mùa dịch trong khi một số thu được lợi nhuận lớn trong năm 2021. Lượng tiền mặt tích trữ của các công ty ở những nền kinh tế giàu có hiện nhiều hơn 1/3 so với thời điểm trước dịch.
Trong khi đó, các nước giàu đang thiếu khoảng 10 triệu lao động, tương đương 1,5% tổng lực lược lao động do nhiều nhân viên từ chối đi làm lại hậu dịch. Tại những nền kinh tế như Anh hay Italy, lực lượng lao động còn có xu thế giảm.
Hàng loạt những nguyên nhân từ dân số già hóa, đại dịch Covid-19, nỗi sợ lây bệnh, thay đổi về ưu tiên cuộc sống...đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu tuyển người. Vô số những công ty sa thải hàng loạt trong mùa dịch giờ đây gặp khó để tuyển dụng.
Năm 2021, số lời mời tuyển dụng việc làm của các nước thành viên OECD lên mức 30 triệu, cao kỷ lục.
Nhận ra được bài học đó nên giờ đây nhiều công ty sa thải rất cẩn trọng bởi họ có thể khó tuyển dụng được người trở lại.
“Các ngân hàng đang khá ngập ngừng trong việc đuổi người bởi họ sợ khó tuyển dụng trở lại”, chuyên gia Daniel Silver của JPMorgan Chase nhận định.
*Nguồn: Economist
Nhịp sống thị trường