MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật báo Nikkei trầm trồ về chiêu PR bikini cùng "chi phí phạt" 20 triệu đồng đã giúp danh tiếng Vietjet Air nổi như cồn cả trong & ngoài nước

06-03-2017 - 10:01 AM | Doanh nghiệp

Dù chiến lược quảng cáo bằng bikini có phần hơi kỳ lạ nhưng lại mang tới hiệu quả không ngờ cho Vietjet Air.

Vietjet Air - một hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam vừa niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào tuần trước, không chỉ được các nhà đầu tư đón nhận, mà còn được truyền thông quốc tế chú ý, trong đó có tờ Nikkei, Nhật Bản.

Nikkei đánh giá, cho tới thời điểm này, dường như Vietjet Air đã đạt được kỳ vọng lấn át hẳn hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo nhận định của báo này, tham vọng của Vietjet chưa dừng lại ở đó mà còn là tấn công thị trường quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc Vietjet sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều hãng hàng không giá rẻ khác ở khu vực Đông Nam Á.

Tuần trước, tại Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, CEO Vietjet Air bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, việc IPO chỉ như một cột mốc trên chặng đường tăng trưởng của hãng. Bà Thảo không ngần ngại chia sẻ về mục tiêu của mình là sẽ đưa Vietjet tiếp cận tới nhiều điểm đến quốc tế hơn nữa.

Vào tháng 6 năm ngoái, bà Thảo là người Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách “100 người phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới” do tạp chí Forbes bình chọn.

Chuyến bay đầu tiên của Vietjet được thực hiện vào tháng 12/2011. Đến nay, họ đã giành được 41,5% thị phần trong nước, gần bằng với Vietnam Airlines - chiếm 42,5%.

Tờ Nikkei đánh giá, một yếu tố quan trọng tạo nên tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Vietjet là chiến lược marketing độc đáo của hãng hàng không này.

Mùa hè năm 2012, khi bắt đầu vận chuyển khách giữa hành trình TP Hồ Chí Minh và Nha Trang, bà Thảo đã cho các tiếp viên và người mẫu mặc những bộ bikini màu sắc biểu tượng logo của hãng và nhảy múa ngay trên khoang máy bay.

Thời điểm đó, Chánh thanh tra Cục hàng không VN đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính hãng bay này ở mức 20 triệu đồng cho hành vi tổ chức múa bikini trên máy bay.

Tuy nhiên, điều đó không khiến Vietjet dừng lại, họ tiếp tục triển khai chương trình quảng cáo tương tự 2 năm sau đó khi giới thiệu đường bay mới giữa TP Hồ Chí Minh - Singapore. Thời gian này, một video ghi lại sự kiện đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến Vietjet chính thức được gắn với danh hiệu “hãng hàng không bikini”.

Dù chiến lược quảng cáo có phần hơi kỳ lạ, vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam, nhưng lại mang tới hiệu quả không ngờ về mặt truyền thông với ấn tượng khó phai trong tâm trí khách hàng về danh hiệu “hãng hàng không bikini”.

Trước đó trong bài phỏng vấn với tờ Bloomberg, chia sẻ về hình ảnh bikini mang tính biểu tượng cho sự tự tin trong một nền văn hóa còn khá truyền thống ở Việt Nam, bà Thảo cho biết: “Bạn có quyền mặc mọi thứ mình thích, dù là bikini hay áo dài. Chúng tôi không quan tâm tới việc mọi người sẽ liên tưởng hình ảnh của Vietjet Air với bikini. Miễn là mọi người cảm thấy vui, chúng tôi cũng hạnh phúc”.

Dẫu vậy mọi chuyện không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái" kể từ khi Vietjet bắt đầu cất cánh. Đã có những lúc gần một nửa số chuyến bay của Vietjet bị trễ giờ. Tuy nhiên, họ đã giảm số chuyến bay đến muộn xuống còn 16,4% trong nửa đầu năm 2016, gần bằng con số tương tự của Vietnam Airlines - khoảng 15,3% trong cùng kỳ.

Cuối cùng, một điểm khiến Vietjet Air vượt xa hẳn Vietnam Airlines là về giá.

Một hành khách nếu không có hành lý ký gửi có thể bay Vietjet với giá vé rẻ bằng một nửa so với các hãng khác. Giá vé rẻ nhất của Vietjet cho một chặng 1 chiều từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh chỉ vào khoảng 600.000 VNĐ. Số tiền này thậm chí còn rẻ hơn vé tàu với hành trình tương tự.

Ngoài việc thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng trong vòng 1 thập kỷ qua, việc chính phủ nhận thấy nên ủng hộ việc có cạnh tranh trong ngành hàng không đã khiến các hãng hàng không trong nước bắt đầu mở rộng đội bay. Khi Vietjet bắt đầu cất cánh vào cuối năm 2011, cạnh tranh trong thị trường nội địa bắt đầu nổ ra và giá vé bắt đầu giảm.

Hiện tại Vietjet Air đang tập trung vào các đường bay quốc tế. Họ đã có đường bay quốc tế đầu tiên vào năm 2013. Kể từ đó, tiếp tục mở rộng ra 23 điểm đến quốc tế, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước Đông Nam Á.

Bà Thảo cho biết, công ty nhắm tới việc tăng gấp đôi số lượng đường bay quốc tế trong một vài năm tới, tập trung vào những điểm bay thời gian dài hơn 5 giờ. Điểm đến tiếp theo có thể là Nhật Bản.

Để phục vụ cho tham vọng này, Vietjet đã đặt hàng Airbus 120 chiếc máy bay, chủ yếu là dòng A321 và 100 chiếc của Boeing trong đó đa phần là loại B737s.

Dù số lượng những đơn đặt hàng này quá lớn so với một hãng hàng không non trẻ như Vietjet Air nhưng bà Phương Thảo có lý do để làm điều đó. Bà Thảo cho rằng khi mua với số lượng lớn, Vietjet sẽ được hưởng lợi từ những hỗ trợ về công nghệ như bảo dưỡng và đào tạo nhân viên.

Tháng 2 vừa qua, Vietjet tuyên bố họ sẽ hợp tác với Airbus để mở một trung tâm đào tạo phi công tại TP Hồ Chí Minh.

Trước đó vào tháng 12, Vietjethợp tác với hãng hàng không Ấn Độ là Air India với mục tiêu ra mắt đường bay thẳng từ Việt Nam tới Ấn Độ vào cuối năm nay. Được biết công ty hiện đang tìm kiếm những đối tác tương tự cho những hành trình khác.

Tuy nhiên, xét về cả hành trình và đội bay của Vietjet vẫn còn quá bé nhỏ so với ông lớn hàng không giá rẻ trong khu vực là AirAsia. Chính vì vậy, việc cạnh tranh về giá và dịch vụ trên thị trường quốc tế đối với Vietjet là khá khó khăn.

Để thành công với tham vọng quốc tế của mình, Vietjet Air sẽ phải thực sự nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của họ ở thị trường nội địa.

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên