Nhật kí lần đầu làm bố mẹ của cặp vợ chồng U60 ở Hà Nội: "Thỏ à, con là món quà vô giá!"
"Bố mẹ đã phải đợi 10 năm để được gặp con yêu, Thỏ à. Con là món quà vô giá. Người ta bảo sẽ thật khó khăn, vất vả khi làm bố mẹ ở tuổi 50, 60. Nhưng con như một bầu không khí mới để bố mẹ bấu víu vào đó sống vui hơn mỗi ngày".
"Nhật ký tìm con.
Mẹ xây dựng gia đình với bố khi 2 người đã đi được gần nửa cuộc đời. Mẹ 40, còn bố tròn 52 tuổi. Bố mẹ mong chờ con như bao cặp vợ chồng khác. Nhưng ở tuổi này, đón được con với cả bố và mẹ đều không dễ dàng.
10 năm một chặng đường đầy gian nan, vất vả, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, để có thể tìm được con. Thậm chí nước mắt bố mẹ nuốt vào trong âm thầm, không ai biết. Hết vào Nam ra Bắc, kết hợp Đông Tây y, kim cổ... Một lần thai lưu, 1 lần mổ nội soi, 4 lần chuyển phôi thất bại.
Nhật kí lần đầu làm bố mẹ của cặp vợ chồng U60 ở Hà Nội.
Nhiều lúc như đuối sức, tuyệt vọng.
Đến năm 2012, anh trai con đến với bố mẹ như một điều tuyệt vời nhất cuộc đời. Thế nhưng, sau mũi tiêm bổ phổi ở tháng thứ 8 của thai kỳ, một lần nữa, mẹ lại đánh mất thiên chức cao cả nhất của người phụ nữ. Mẹ rơi vào trầm cảm, và tưởng như, sẽ chấm dứt cuộc sống hôn nhân tại đây. Mẹ muốn giải thoát, cho cả mẹ và bố.
Rồi có 1 ngày, mẹ đã phải đợi thêm 6 năm, để gặp được con yêu, Thỏ à. Ngày 29/12/2018, con cất tiếng khóc chào đời, nặng 2,8kg. Trần Lê Trúc Anh - một cô bé xinh đẹp, mảnh mai và mạnh mẽ. Lần đầu được làm cha mẹ ở tuổi 50-60, có cả những bỡ ngỡ lẫn khó khăn, nhưng bố mẹ cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ mỗi ngày.
Con gái yêu quý, mẹ mong rằng, những trang nhật kí này sẽ còn được viết tiếp, kéo dài mãi cho tới khi con trưởng thành. Được nhìn con lớn khôn khoẻ mạnh, vui vẻ, chính là khát khao cháy bỏng nhất suốt 10 năm qua của bố mẹ...".
Ngày xưa - cách đây 10 năm, anh Nghĩa là một cán bộ quân sự, còn chị Khánh học giỏi tiếng Hàn, từng được giữ lại bên nước bạn công tác. Anh từng trải qua một đời vợ, nhưng vì gặp trục trặc nhiều vấn đề trong gia đình nên 2 vợ chồng quyết định thôi, đường ai nấy bước sau này. Chị Khánh kể đã trải qua một vài mối tình, nhưng chẳng hiểu sao cứ trượt dài mãi... Vì chị kén, hết sức kén! Thậm chí đến bây giờ, có "anh trai mưa" nọ vẫn chưa chịu lấy vợ vì... "tiếc" chị.
Anh Nghĩa gặp chị Khánh rồi đem lòng thương nhớ chị. Nhưng chị thì không. Chị không đồng ý làm bạn gái anh, dù tuổi chị cũng đã quá ngưỡng cập kê.
Khi tán tỉnh chị, anh từng buông lời: "Anh số kiếp vất vả, lận đận. Cuối đời muộn màng gặp em thì em cũng kén chọn quá... nên giờ còn mỗi anh. Em với anh có quá nhiều điểm chung. Anh sinh năm Bính Thân, còn em Mậu Thân. Chúng mình đều là... con khỉ. Khỉ anh sẽ bảo vệ, chăm sóc, nhường nhịn và chiều chuộng khỉ em. Họ hàng nhà anh, nhà em nhiều người trùng tên nữa đó...".
Ấy thế mà, trước hàng tá lập luận "sắc bén" của anh, chị lại chả "xi nhê" gì.
Lại nói chuyện sự nghiệp của chị Khánh. Sau một thời gian công tác bên Hàn Quốc, chị về quê chơi, tính ở vài hôm thôi rồi lại qua bển. Thế nhưng, thời điểm đó, bố chị ốm nặng rồi qua đời. Chị quyết định không đi nữa.
Chuyện tình cảm của anh chị sẽ không tiến triển mấy, nếu không nhờ... bà mẹ vợ. Cụ thân sinh nhà chị mến bộ đội lắm. Cơ bản, nhà anh nghèo, anh chẳng có gì nhiều ngoài tấm chân tình cùng sự thật thà đậm chất người lính.
Cách nhau 12 tuổi, anh chị có cách sống và môi trường sống khác nhau. Nhưng khi đến với nhau, để trụ được, anh phải thay đổi. Bản thân chị cũng vậy. Chị từng bảo nếu không con thì... giải tán. Nhưng tính anh lại kiên trì và nhẫn nại. Anh bảo, "Tuỳ em thôi. Nếu em xác định không có con rồi phải li dị, nếu em không lấy anh, thì anh... đi tu".
Năm 2008, anh chị kết hôn, xây dựng một tổ ấm nhỏ. Khi đó, chị 40 tuổi, còn anh tròn 52.
Anh chị kết hôn năm 2018. Khi đó chị 40 tuổi, còn anh tròn 52.
Anh chị đến với nhau khi đã gần như đi qua một nửa cuộc đời, khó nói tới chuyện con cái. Nhưng, khi đã nên vợ nên chồng, bất kì ai cũng muốn chào đón những đứa trẻ - kết tinh tình yêu tinh tuý nhất thế gian này.
Chờ 1, 2 năm, anh chị vẫn chưa thể gặp con.
Năm sau nữa cũng thế.
Sau khi thăm khám, anh chị đau đớn biết mình bị hiếm muộn. Khát khao có một mụn con sao mà cao vời vợi như thế. Không bao giờ bỏ cuộc, phần vì anh sợ phải li dị chị, anh thương chị nhiều hơn chị có thể tưởng tượng. Anh chị dìu nhau đi khắp các bệnh viện lớn, từ Nam ra Bắc với đủ mọi phương pháp: bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh ống nghiệm, uống thuốc đông y...
Sau thời gian dài đeo đẳng nỗi buồn lẫn sự tuyệt vọng, anh chị từng vui mừng nghĩ rằng mình sẽ có những đứa con. Mỗi lần có thai, chị đều phải nằm viện nhiều tháng để giữ thai. Nhưng cả 3 lần liên tiếp, chị đều bị sảy. Trong cuộc đời, chị đau đớn trải qua cảm giác chứng kiến con chết non lưu thai, một lần mổ nội soi, 4 lần chuyển phôi thất bại.
Đứa trẻ tội nghiệp nhất chết lưu trong bụng chị dù đã ở tháng thứ 8 thai kì sau một mũi tiêm bổ phổi. Con trai mất lúc 4h sáng, đến 11h trưa, mẹ đẻ anh Khánh hay tin bỗng lên cơn đột quỵ rồi qua đời. Còn chị, đương nhiên chị đòi li dị.
Bác sĩ tiêm thuốc, chị sinh ra đứa trẻ chết lưu để rồi phải mang con đi chôn. Con nặng 2,4 cân. Anh nhờ Học viện Hậu cần mang con về nghĩa trang Ngọc Thuỵ an táng, đặt tên Trần Hoàng Ba.
Chị rơi vào trầm cảm, liên tục phũ phàng với anh, buộc li dị. Anh đã sẵn sàng để chị được giải thoát, nếu không có những lời động viên của mẹ vợ. "Con lớn hơn Khánh 12 tuổi, con là cán bộ quân đội được rèn luyện trong môi trường nguyên tắc, con phải biết nhường nhịn và "chịu đựng" vợ".
Anh nghe mẹ, hứa với bà sẽ không bỏ vợ.
Còn chị, cũng thôi ngay ý định li dị chồng sau khi nghe mẹ chị nói một câu duy nhất, trước khi bà nhắm mắt xuôi tay: "Thôi con ạ, đầy người không có con, người ta cũng chẳng sao, miễn sao các con sống hạnh phúc. Nhưng nếu mày bỏ thằng Nghĩa, tao chết không nhắm mắt".
Chị từng bảo, nếu không có con, anh chị sẽ tự "giải thoát" cho nhau.
3 năm sau cú sốc kinh khủng, khi nỗi buồn đã phần nào nguôi ngoai, anh chị vẫn chưa thôi khát khao kiếm tìm một đứa con. Nhưng tiếc thay, không ai còn đặt niềm tin vào cặp vợ chồng lớn tuổi này. Anh chị vào TPHCM, người ta bảo rằng tuổi cao thì nên dừng lại. Anh từng nghĩ sẽ nhận con nuôi, hay là thuê người mang thai hộ. Nhưng tiền của đổ hết vào nhiều năm qua, chi phí nửa tỷ cho một lần mang thai hộ anh chị không còn, trừ khi bán nhà.
Anh chị về lại Hà Nội và được giới thiệu đến một bệnh viện tư nhân có tiếng. Họ khẳng định chị vẫn có thể mang thai và sinh con, dù chị đã 48 tuổi, còn anh chạm ngưỡng 60.
Cuối năm 2016, anh chị bắt đầu chế độ điều trị tại bệnh viện theo phác đồ của các bác sĩ. Đầu năm 2018, trong 3 phôi thai, chị được chuyển phôi khoẻ nhất vào cơ thể. Chỉ sau 8 ngày, chị nôn nóng thử que và 2 vạch rõ ràng đã xuất hiện.
10 năm cho một hành trình tìm kiếm sợi dây cuối cùng níu giữ cuộc tình của 2 anh chị.
Từ ngày có con, chị đều nhắc mình phải vui vẻ và mạnh mẽ để vượt qua 9 tháng, 10 ngày. Để giữ con, chị chấp nhận nghỉ việc không lương. Dù mang thai ở tuổi 49 rất mệt, nhưng khát khao được làm mẹ trỗi dậy và lấn át mọi nhọc nhằn. Từ tuần 26, chị bắt đầu bị rau tiền đạo (nguyên nhân chính gây xuất huyết trong khi mang thai), tiểu đường thai kì, dư ối và thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng. Bác sĩ cảnh báo sản phụ có thể sinh non ở tuần 32. Thế nhưng, một ngày ở trong bụng bằng cả tuần ở ngoài, anh chị cố gắng từng ngày để giữ lại sợi dây kết nối tưởng như cuối cùng này.
Đến tuần 34, chị đứng trước ca mổ khó khăn nhất cuộc đời thời điểm đó. Các bác sĩ tiếp tục cảnh báo gia đình chuẩn bị thêm chi phí để mua máu, phòng trường hợp khẩn cấp. Tình trạng sản phụ và thai nhi đều ổn.
"Nhưng khi mổ, xác định con không vấn đề gì, chỉ sợ mẹ" - lời cảnh báo cuối cùng, trước khi ê kíp bác sĩ trải qua 45 phút "chông gai".
Ở phòng mổ, một mình anh đợi chị ở bên ngoài, người thân phải xuống phía dưới sảnh bệnh viện. Sau 45 phút, cô hộ lý bước ra, thông báo: "Cháu bé đã chào đời, cân nặng 2,8 cân. Chúc mừng anh chị". Còn chị? Anh thở phào nhẹ nhõm, rồi lại lo lắng.
Sau mổ, chị được chuyển xuống phòng hậu phẫu, tiếp tục thở ô xi. Anh bước vào nhận mặt con, bế con mà hai tay run run, cho con miếng sữa non đầu đời.
Anh chị đặt tên con là Trần Lê Trúc Anh, vừa có họ mẹ vừa có họ bố. "Anh" có chút gì đó mạnh mẽ, đêm thêm chữ "Trúc" thật mềm mại, nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng lại rất dẻo dai. "Thỏ" - con vật đại diện cho sự nhanh nhẹn, được dùng đặt tên cún cơm dễ thương của em bé Trúc Anh.
Sau 4 ngày ở viện, sức khoẻ mẹ và bé đều ổn định, tổ ấm nhỏ của anh chị cùng về nhà.
Lần đầu làm bố mẹ ở tuổi 50, 60 tuy còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, nhưng vợ chồng anh chị luôn lấy đó làm động lực nuôi con khôn lớn mỗi ngày.
Trước khi chính thức được làm bố mẹ, anh chị đã học qua lớp bồi dưỡng tiền sản. Anh thuộc làu làu lý thuyết thế mà lần đầu tắm cho Thỏ vẫn cứ bỡ ngỡ, lóng ngóng, quên cả rửa mặt cho con. Anh chăm vợ từ A đến Z, không để chị làm bất cứ việc gì. Thậm chí, anh còn lên Internet nghe các bài hát ru, chép đầy kín một cuốn sổ để hát cho con nghe.
Anh nấu ăn nhiều lúc dở tệ, chị chê mãi. Nhưng hay làm rồi thành quen, anh trồng hẳn một "trang trại" rau trên tầng 2 để nấu thức ăn cho cả vợ và con. Khi bé Thỏ được 2 tháng, tới bệnh viện tiêm phòng, bé đã có cân nặng 5kg. Anh chị chỉ thuê người tắm bé một tháng, sau đó tự tay tắm cho con.
"Các cụ có câu: "Trẻ cậy cha, già cậy con". Đa số với các cặp vợ chồng trẻ, bố mẹ của họ sẽ hướng dẫn cách chăm con. Nhưng chúng tôi đều phải tự tìm hiểu và tự làm mọi việc. Mới đầu còn chưa chuẩn nhưng sau sẽ chuẩn! 3 tháng đầu, bé Thỏ hay ngủ ngày cày đêm nên gia đình phải thức đêm để trông con" - anh nói.
Ngày đầu tắm cho con, dù thuộc kiến thức làu làu, thế mà anh vẫn quên khâu rửa mặt cho Thỏ.
"10 năm tìm con, tôi và vợ đều rất ngại ngùng. Tóc tôi bạc trắng rồi vẫn mò mẫm đến nhiều bệnh viện. Nhiều người còn khiếm nhã, hỏi tôi rằng "mang con gái đi khám à?". Nhưng tôi kệ, không sao. Ngay cả bây giờ, tôi đưa con đi tiêm, thiên hạ cũng lời ra tiếng vào. Tôi không nghĩ mình phải giải thích. Tôi không có gì xấu hổ".
Thỏ là món quà vô giá với anh chị. Người ta bảo vợ chồng anh sẽ khó khăn, vất vả hơn khi làm cha mẹ ở tuổi lớn. Nhưng Trúc Anh như một bầu không khí mới để anh chị bấu víu vào đó sống vui hơn mỗi ngày.
"Nếu không có con, chúng tôi sống chẳng có ý nghĩa gì. Tài sản lớn nhất của cha mẹ là con cái mà".
Đứa bé kháu khỉnh với đôi mắt đẹp lạ, là kết tinh tình yêu của anh chị.
Anh là con trưởng trong dòng họ. Về tâm lý, anh từng mong có con trai. 3 phôi thai, bác sĩ nói có thể chuyển 2 phôi biết đâu có cả trai và gái. Nhưng anh chị sẽ phải đánh đổi, hoặc là được tất, hoặc là mất hết. Bởi lẽ đó, anh chị quyết định chọn phôi tốt nhất chuyển vào mẹ.
Với các cặp bố mẹ hiếm muộn nói chung, điều đầu tiên là phải kiên trì dùng thuốc và quyết tâm tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
"Khổ nhất là người phụ nữ, như vợ tôi phải tiêm 90 mũi xung quanh rốn. Nếu uống thuốc không hợp sẽ cực kì ngứa ngáy, khó chịu. Nhưng vì con, chúng tôi phải quyết tâm. Người chồng phải kề vai sát cánh, động viên vợ, gánh vác những công việc nặng nhọc cho người phụ nữ thì may ra mới thành công".
Đúng là, được làm bố mẹ là điều tuyệt vời nhất trên đời.
Sau khi nghỉ hưu, anh có một khoản tiền, gửi tiết kiệm để dành cho bé Thỏ. Anh hy vọng một điều duy nhất, mong con và mình đều khoẻ. Mình có khoẻ mới chăm được con, con khoẻ mới có thể phát triển bình thường.
"Tôi tin, so với tuổi thì vợ tôi còn trẻ. Nghĩa là dù sức khoẻ kém đi chăng nữa, là đến năm vợ 70 tuổi, con đã đủ 18 tuổi trời. Tôi cũng không dám nói trước điều gì, sức khoẻ cũng kém rồi, nuôi con đến lúc con trưởng thành, là tôi phấn khởi, thế thôi. Để mà nghĩ lâu dài hơn một chút thì tôi phải chuẩn bị đủ điều kiện cho con sau này".
Đúng là, được làm bố mẹ là điều tuyệt vời nhất trên đời.
... hãy lớn lên khoẻ mạnh nhé con!".
Trí thức trẻ