"Nhạy cảm" với Covid-19, xuất khẩu dệt may 2021 có về mốc 39 tỷ USD?
Hàng dệt may xuất khẩu rất nhạy cảm với dịch Covid-19 và việc định giá lại ngành dệt may khó có thể xảy ra trong năm 2021...
- 19-02-2021Sân bay Vân Đồn tiếp tục bị đóng cửa tới đầu tháng 3-2021
- 19-02-2021Những dự báo khác nhau cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021
- 19-02-2021Hàng loạt lễ hội ở Hà Nội 'thất thu' tiền tỉ vì dịch bệnh
Trong báo cáo về triển vọng ngành dệt may năm 2021 vừa công bố, công ty chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, hàng dệt may xuất khẩu rất "nhạy cảm" với dịch Covid-19 và việc định giá lại ngành dệt may khó có thể xảy ra trong năm 2021.
Giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 31,7 tỷ USD (-11% so với cùng kỳ). Giá trị xuất khẩu hàng may mặc giảm (-) 10% so với cùng kỳ, đạt 26,9 tỷ USD. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) ước tính xuất khẩu hàng dệt may vào cuối năm 2020 đạt 35,3 tỷ USD (-10% so với cùng kỳ).
Thị phần tại Mỹ tăng nhưng không bù lại nhu cầu giảm
Báo cáo của SSI Research dẫn thông tin của Văn phòng Dệt may Hoa Kỳ (OTEXA), cho biết, Việt Nam tiếp tục giành thêm thị phần tại Mỹ trong năm 2020, từ 13% trong năm 2019 lên 14,9% tính đến cuối tháng 10/2020, trong khi Trung Quốc mất thị phần trong cùng khoảng thời gian đó (từ 32,8% xuống 28,1%).
Tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam theo tháng (YoY) - nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam, SSI Research.
Tuy nhiên, thị phần tăng thêm không thể bù đắp được tác động của nhu cầu giảm, khiến giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ vẫn giảm (-) 6% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các thương hiệu bán lẻ thời trang phá sản trong đợt đại dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty sản xuất hàng may mặc của Việt Nam, trong đó Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi khách hàng chính - NY & Co - tuyên bố phá sản vào tháng 7 khi đang nợ MSH 219 tỷ đồng.
Tuy các đơn đặt hàng truyền thống giảm mạnh do nhu cầu suy yếu, nhu cầu cấp bách tạm thời đối với mặt hàng may mặc phòng chống dịch Covid-19 (khẩu trang vải kháng khuẩn và quần áo bảo hộ) đã hỗ trợ một số công ty sản xuất hàng may mặc, báo cáo của SSI Research cho hay.
Cụ thể, theo OTEXA, Việt Nam đã xuất khẩu 272 triệu USD khẩu trang dệt kim trong 10 tháng đầu năm 2020, chiếm 23,3% thị phần của mặt hàng này tại Mỹ. Hơn nữa, các cơ quan y tế của chính phủ Mỹ đã nhấn mạnh việc đeo khẩu trang (thậm chí sau khi tiêm vắc-xin), cho thấy nhu cầu với mặt hàng này vẫn có thể kéo dài hơn trong năm 2021.
Mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 và được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các công ty dệt may của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EU – thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, tuy nhiên, do EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ từ khâu vải trở đi, nên hầu hết các công ty may mặc của Việt Nam không được hưởng lợi tức thì.
Có thể về mốc 39 tỷ USD?
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng của ngành dệt may năm 2021, đơn vị nghiên cứu SSI Research cho rằng, hàng dệt may xuất khẩu rất "nhạy cảm" với dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tháng 4 và tháng 5 sau thông báo giãn cách xã hội tại EU và Mỹ, do các nhà bán lẻ đã hành động ngay lập tức để ngừng tích trữ hàng tồn kho.
Theo dự báo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (được SSI Research trích dẫn trong báo cáo), rằng giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2015-2019 là 9,9%.
Đối với mục tiêu giá trị xuất khẩu năm 2025 đạt 55 tỷ USD (CAGR 5 năm là 9,4% trong giai đoạn 2020-2025), để đạt được tốc độ CAGR một con số cao như vậy, Việt Nam phải xây dựng nguồn cung vải trong nước phù hợp để khai thác lợi ích của cả EVFTA và UKVFTA.
Ở góc độ định giá giá trị (cổ phiếu) của các doanh nghiệp trong ngành, theo SSI Research, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu TCM) đã vượt qua mức định giá so với trước Covid và hiện đang giao dịch với hệ số P/E 2021 là 12,5x và P/E TTM là 12,3x - cao hơn nhiều so với P/E bình quân 1 năm trước đây và P/E TTM bình quân 5 năm là 7,9x, trong khi STK (Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ) và MSH (Công ty CP May Sông Hồng) đang giao dịch trong vùng lịch sử của P/E dự phóng 1 năm: P/E 2021 của STK đang là 6,3x, và của MSH (theo dữ liệu Bloomberg) đang là 5,1x.
Theo SSI Research, việc định giá lại đối với ngành dệt may có thể xảy ra khi kế hoạch phát triển nguồn cung vải trong nước trở nên rõ ràng hơn, do điều này sẽ giúp ngành dệt may được hưởng lợi từ cơ chế thuế của EVFTA. Tuy nhiên, việc định giá lại này khó có thể xảy ra trong năm 2021 do (1) cạnh tranh từ Trung Quốc đang gay gắt hơn; và (2) nguồn cung vải trong nước khó có thể tăng lên đáng kể trong ngắn hạn.
Theo VnEconomy