MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhếch nhác "chuồng cọp" tại các khu tập thể

21-02-2017 - 09:22 AM | Bất động sản

Tại các khu tập thể cũ ở Hà Nội, lâu nay xuất hiện không ít "chuồng cọp” được người dân cơi nới bằng nhiều loại vật liệu, thậm chí bê tông kiên cố, bất chấp kết cấu, tuổi thọ của tòa nhà có bảo đảm an toàn hay không. Ngay tại một số khu chung cư mới cũng xuất hiện hình ảnh kể trên, gây mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm an toàn, ẩn chứa rủi ro về cháy nổ…

Theo ghi nhận của phóng viên, các khu tập thể cũ tại: Minh Khai, Quỳnh Mai, Thành Công, Thanh Xuân Bắc, Nghĩa Tân… “chuồng cọp” đua ra rất nhiều. Các hộ dân tự ý làm các “chuồng cọp” bằng những vật liệu đơn sơ, có khi chỉ là những tấm nhựa, mành tre...

Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ gia đình lại dựng kiên cố với các khung sắt đua ra phía ngoài rồi đổ bê tông, quây tôn hoặc xây tường. Thậm chí, có hộ dân vì muốn cơi nới tối đa diện tích để ở nên bất chấp mọi nguy hiểm, đua ra ngoài 3-4m, rất nguy hiểm. Việc cơi nới như vậy không chỉ mất an toàn cho những hộ dân sinh sống trong đó mà còn ảnh hưởng đến những hộ dân ở phía dưới vì nếu xảy ra trường hợp gãy, đổ thì hậu quả thật khôn lường.

Không chỉ các khu tập thể cũ, “chuồng cọp” cũng xuất hiện tại các khu chung cư mới. Các tòa nhà chung cư ở Khu đô thị Đền Lừ đang trở nên nhếch nhác vì một số hộ dân tự ý hàn khung sắt, cơi nới ban công nhằm mở rộng chỗ ở.

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính được xây dựng cách đây khoảng 10 năm, nhưng nhiều tòa nhà như N5A, N5B, N5C, N5D, N6A, N6B, N6C, N6D, N4A, N4B, N4C, N4D… đều xuất hiện những căn hộ tự ý cơi nới. Đa phần đều là những khung sắt bao quanh ban công, một số hộ bắn thêm tôn bao quanh khiến mỹ quan đô thị xuống cấp trầm trọng. Tương tự, tại khu tái định cư Nam Trung Yên, nhiều căn hộ ở tòa nhà B10A, B10B, B11A, B11B, B6A… cũng bị người dân bịt kín bằng kính.

Một cán bộ cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cho biết: Nếu xảy ra cháy đối với các hộ gia đình làm thêm các "chuồng cọp", để thoát nạn sẽ không dễ vì những khoảng trống vốn thiết kế là cửa sổ để thoát hiểm đã bị bịt lại và hàn kín sắt. Bên cạnh đó, do gia cố vật liệu kiên cố là sắt thép, bê tông... nên khi cháy xảy ra, lực lượng phòng cháy và chữa cháy tiếp cận cứu người rất khó khăn. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mất thời gian để cắt “chuồng cọp” khi xảy ra hỏa hoạn, trong khi đó việc xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn phải tính bằng giây.

Phó Chánh Thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc các hộ dân tự ý xây dựng cải tạo những "chuồng cọp" đã gây ảnh hưởng tới không gian và kiến trúc của tòa nhà. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

Ngoài ra, theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà ghi rõ: Phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ bộ phận công trình đối với các vi phạm theo quy định.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như tạo bộ mặt mỹ quan đô thị, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý những vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành nghiêm các quy định trong xây dựng, để tránh những tai họa đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Duy Biên

Báo Hà Nội Mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên