Nhiếp ảnh gia Việt giữ kỷ lục trên tạp chí National Geographic danh tiếng: “Tôi rất vui khi ảnh của mình truyền cảm hứng, thôi thúc bạn bè quốc tế muốn đến Việt Nam”
Là nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên có ảnh được đăng trên tạp chí, sách ảnh, niên giám National Geographic và hiện là người cộng tác cùng National Geographic đóng góp hình ảnh cho cộng đồng nhiếp ảnh của họ, Trần Tuấn Việt luôn mong muốn có những bức ảnh thật đời, thật ấn tượng để bạn bè quốc tế thấy một Việt Nam đẹp đẽ mà họ chưa từng thấy.
Nhìn lại 13 năm bén duyên với nhiếp ảnh, anh nghĩ điều gì đã giúp bản thân duy trì được đam mê duy nhất này?
Đối với tôi, duy trì đam mê với nhiếp ảnh không có gì khó cả. Ban đầu đó chỉ là một thú chơi, thay vì đi du lịch như mọi người thì tôi đi chụp ảnh, chứ không phải điều gì xa xỉ, to tát. Lâu nay, nhiếp ảnh là đam mê duy nhất của tôi. Ngoài nó, tôi không còn thú vui, đam mê gì khác.
Ngày xưa cha ông có câu "một nghề cho chín còn hơi 9 nghề". Nhiếp ảnh chưa phải một nghề đối với tôi, nhưng cũng như thể nếu "chơi" 9 thứ thì sẽ không thể hiểu kỹ, hiểu sâu bằng chỉ theo đuổi 1 thứ. Dồn toàn bộ tâm trí, tinh thần, sức lực của mình cho nhiếp ảnh, tôi cùng chiếc xe của mình rong ruổi, đói thì ăn, mệt thì nghỉ.
Có thể nói là tôi đang thực hành nhiếp ảnh. Như một thứ trải nghiệm, nó tạo cho tôi rất nhiều cảm xúc, để tôi hiểu chính bản thân mình. Những gì tôi chụp, kể lại là những nét chấm phá trong hành trình đi tìm hiểu mọi thứ trong cuộc sống.
(Trái) Một nhóm trẻ em đùa vui khi chơi với lốp xe máy cũ trên cồn cát gần bãi biển Mũi Né, một thị trấn ven biển tỉnh Bình Thuận. Trò chơi đơn giản này được chơi bởi trẻ em khắp nơi trên thế giới. (Phải) Chân dung người nông dân với nghề truyền thống đan giỏ cần xé lúc nông nhàn ở Tây Ninh.
Rớ chồ là nghề truyền thống của ngư dân ở Cửa Đại tỉnh Quảng Nam. Công việc truyền thống này thường hoạt động vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7 âm lịch. Sau khi hạ lưới trong nhiều giờ và sử dụng đèn để thu hút tôm cá, ngư dân nâng lưới lên và đội nón vát chèo thuyền phía dưới, mở các lỗ nhỏ để thu thập thủy sản. Công việc thường bắt đầu từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau. Nếu may mắn, họ có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng cho một đêm làm việc.
Khi bắt đầu với nhiếp ảnh, mục tiêu của anh là gì?
Ai chơi ảnh cũng đều mong muốn tác phẩm của mình được ghi nhận và nhiều người biết đến, sau đó những hệ quả tiếp theo mới tạo ra những thứ có giá trị - ban đầu tôi cũng như thế. Coi đó là một thú vui, tôi chỉ đề ra những mục tiêu nho nhỏ, giản dị như chụp ảnh để in tặng những người yêu thích. Bởi đó là một sự ghi nhận, trân trọng công sức của mình. Nhưng càng về sau, ước mơ của tôi càng lớn dần.
Tôi cho rằng, bởi tôi dồn rất nhiều tâm sức hơn trong 5 năm qua nên may mắn đạt được thành công đến rất sớm, chỉ sau khoảng 1 năm theo đuổi. Khi đạt được những dấu mốc nhất định, tôi mới nghĩ đến những mục tiêu cao hơn để phấn đấu, mong muốn phát triển để tìm được phiên bản tốt nhất của mình. Chung quy lại, cứ cái gì khiến mình vui, hứng thú thì mình làm.
Đối với anh, điều gì quan trọng nhất khi theo đuổi nhiếp ảnh?
Điều quan trọng nhất với tôi là rút cuộc bức ảnh nói được điều gì, cả quá trình lao động, sáng tạo của tôi đã tạo ra cái gì, câu chuyện như thế nào. Tôi có những bức ảnh đã may mắn trở thành thương hiệu, tạo nên điểm nhấn cá nhân của tôi. Đó mới là điều quan trọng.
Đến giai đoạn 1,5 năm trở lại đây tôi không còn ước mơ cho bản thân nữa. Người ta có thể đi tìm danh, tìm giải thưởng, tiền tài, nhưng tôi muốn nằm ngoài vòng xoáy đó. Tôi cố gắng để những bức ảnh của mình thực sự có ý nghĩa, góp phần nhỏ giúp đất nước của mình được biết đến nhiều hơn. Đó là tiêu chí theo đuổi mà tôi nghĩ sẽ khác nhiều người.
Nghề nhiếp ảnh nghe có vẻ rất lãng tử, anh nghĩ thế nào về điều này?
Tôi nghĩ là đúng. Bởi vì trừ những người chụp ảnh lấy được, vì danh vọng tiền bạc, những người theo đuổi nhiếp ảnh phải có cảm xúc, thổi được cái đẹp, cái hồn vào tác phẩm. Nếu không có cảm xúc thì nghệ thuật không thể trọn vẹn. Một bức ảnh đẹp có thể bắt mắt nhưng sẽ trôi tuột đi rất nhanh, còn bức ảnh có cảm xúc sẽ đọng lại rất lâu.
Nhiếp ảnh gia thường là những người có tâm hồn rất đẹp, rất bay bổng, bồng bềnh, nghệ sĩ... Cá nhân tôi cũng có tính cách như thế, không ham muốn vật chất mà chỉ thích những thứ đẹp đẽ. Tôi sẽ chỉ làm những gì tôi thích, dù ít hoặc thậm chí không có tiền cũng được.
Vịt cỏ Vân Đinh từ rất lâu đã trở thành món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Nuôi vịt là công việc truyền thống hàng trăm năm ở Vân Đình, một xã ở phía tây nam Hà Nội. Vịt ở đây dường như đã quen với việc cho ăn, chúng vây quanh người nông dân mỗi khi anh xuất hiện.
Vậy khi gặp chuyện không như mong muốn anh xử trí ra sao?
Tôi đến với nhiếp ảnh với mong muốn những điều tốt đẹp và chỉ chụp những cái đẹp, duy mĩ. Thường thì, ai có thành công nhất định thì sẽ có những người ghét, thậm chí thù, nhưng tôi không quan tâm. Bởi những thứ tôi làm là một quá trình dài và chỉ hướng đến những điều đẹp đẽ. Do đó, bây giờ cho dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, tôi cũng thấy rất nhẹ nhàng.
Tôi cũng bị rất nhiều lời đàm tiếu, nhất là từ khi có ảnh được đăng trên tạp chí National Geographic. Càng nhiều hơn khi tôi có được vài thành công nhỏ ở sân chơi đó và đặc biệt là khi tôi được National Geographic mời làm nhiếp ảnh gia cộng tác vào dự án ảnh cộng đồng của họ. Tôi nghĩ, việc một nhiếp ảnh gia người Việt được một tạp chí nổi tiếng thế giới mời hợp tác sẽ khiến nhiều người thấy lạ và nghi ngờ.
Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ gây hấn và oán trách, trả thù bất kỳ ai. Đối với những thứ tiêu cực với mình, tôi cố gắng gạt đi để không bận tâm. Tôi có rất ít bạn, nhưng thường họ là những người bạn rất tốt, sẵn sàng bày tỏ quan điểm, nói lên sự thật để bênh vực tôi khi có vấn đề xảy ra.
Chủ đề những bức ảnh của anh xoay quanh cuộc sống bình dị của người lao động, vì sao anh lại lựa chọn điều này?
Đó là thứ gần gũi nhất với mình. Ai trong mình cũng mong muốn tìm về cội nguồn, làng quê, những giá trị hoài cổ bởi chúng tạo rất nhiều cảm xúc. Tôi xuất thân từ một làng quê nhỏ ở Hà Tĩnh, tuổi thơ gắn với những làng quê kiểu đó nên càng nhiều cảm xúc hơn.
Vô hình chung, những cái đời thường của Việt Nam lại rất lạ lẫm với bạn bè quốc tế. Tôi nghĩ rằng những điều đậm chất Việt đó sẽ được họ đón nhận.
Thế còn hình ảnh một Việt Nam trong thì hiện tại thì sao?
Việc giới thiệu Việt Nam đẹp đẽ, hướng đến du lịch là rất tốt. Tôi vẫn chụp và giới thiệu những hình ảnh biểu tượng hiện đại, ví dụ như cầu Vàng. Nhưng tôi cho rằng người ta vẫn hướng đến những giá trị cốt lõi của một Việt Nam nghìn năm văn hiến.
Những thứ tôi theo đuổi chính là hồn cốt của đất nước này. Dù cuộc sống thay đổi thế nào, người Việt vẫn cứ ăn Tết truyền thống, mặc áo dài và trân trọng những di sản văn hóa truyền thống. Bạn bè quốc tế đến Việt Nam cũng muốn tìm kiếm và trải nghiệm những điều đó.
Lí do anh chọn dừng bước ở thể loại kể chuyện bằng ảnh (storytelling), một mảng nhiếp ảnh truyền tải thông điệp và câu chuyện còn mới lạ ở Việt Nam?
Tôi đã trải nghiệm rất nhiều thể loại trong nhiếp ảnh, sau đó mới tìm thấy con đường phù hợp nhất và có thể thấy bản thân mình trong đó: Đó là chụp ảnh để kể về Việt Nam, đất nước con người.
Tôi luôn mong muốn có những thứ khác biệt so với người khác. Tôi muốn trải nghiệm những điều mới, ít người làm, ít đụng hàng, hay ho thú vị. Đó cũng là một xu thế của nhiếp ảnh thế giới. Rồi sẽ có một ngày người ta công nhận những giá trị của storytelling ở Việt Nam.
Yếu tố nào để định giá trị của một bức ảnh?
Nói về giá trị của một tác phẩm thì rất vô cùng. Có nhiều người cho rằng ảnh phải đạt được giải thưởng gì đó mới có giá trị. Nhưng với tôi, một bức ảnh có giá trị là phải có nhiều người xem và đón nhận. Sự nghiệp của một nhiếp ảnh gia sẽ được đánh giá bằng cả quá trình lao động và cống hiến, chứ không chỉ là những giải thưởng.
Có người gọi anh là "nhiếp ảnh gia có sứ mệnh đem hình ảnh Việt nam ra với thế giới", anh suy nghĩ thế nào về điều này?
Tôi luôn cảm thấy tự hào. Khi chia sẻ ảnh lên Instagram, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của người xem như: "Những bức ảnh của anh là động lực của tôi, truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều để chụp ảnh, để đến với Việt Nam"…
Qua những bức ảnh của tôi, bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam hiện tại thế nào, đẹp đẽ ra sao, cho họ cảm hứng, niềm thôi thúc một lần ghé thăm đất nước và góp phần giúp họ hiểu thêm về bản sắc, văn hóa Việt Nam. Điều đó khiến tôi rất vui.
(Trái) Những người ngư dân đẩy chiếc thuyền thúng ra khơi chụp ở bờ biển Bình Thuận. (Phải) Nhóm công nhân nữ may những mảnh nhỏ thành một tấm lưới lớn màu xanh tại một xưởng may ở tỉnh Bạc Liêu, miền Nam Việt Nam.
Anh có khi nào cảm thấy mất cảm hứng với nhiếp ảnh? Khi đó anh làm thế nào?
Thời điểm khoảng 1 năm trước, tôi có tham gia làm giám khảo cho một cuộc thi ảnh rất lớn ở Việt Nam. Là ban giám khảo, chúng tôi có những tiêu chí về kỹ thuật, nghệ thuật để đánh giá bức ảnh. Tuy nhiên, ban tổ chức đã sửa chữa bức ảnh đoạt giải vì mục đích truyền thông mà không có bất kỳ lời nào cùng ban giám khảo, cũng không có động thái bênh vực giám khảo khi họ bị tấn công.
Sau thời gian đó tôi bị stress rất nặng vì bị tấn công cá nhân từ rất nhiều người. Từ đó, tôi ít chụp và chia sẻ ảnh. Đến tháng 5/2019, tôi bắt đầu ổn hơn khi được Google mời tham gia dự án ảnh cho nền tảng Google Arts & Culture.
Tham gia dự án đó là được làm đúng câu chuyện tôi mong muốn: Đưa những bức ảnh về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới để tất cả mọi người trên thế giới có thể truy cập, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước. Được làm việc mình yêu thích, được một tập đoàn lớn top 3 thế giới ghi nhận và trân trọng đã giúp tôi vượt qua quãng thời gian căng thẳng.
Anh đã đi rất nhiều nơi để có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, anh ấn tượng nhất với nơi nào ở Việt Nam?
Hà Nội. Đó là nơi có rất nhiều chất liệu để sáng tác. Các bậc hiền nhân ngày xưa chọn Hà Nội là thủ đô là chính xác. Ở thành phố 1000 năm tuổi này, chúng ta có thể chụp rất nhiều chất liệu nhiếp ảnh: phong cảnh, cuộc sống đời thường, đường phố... Đó là một mảnh đất nghệ thuật, có rất nhiều thứ để tôi đeo đuổi cả cuộc đời.
Nếu được đề xuất điểm đến cho năm 2020, anh sẽ chọn những địa điểm nào?
Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Hội An và Đà Lạt, Bình Thuận - Ninh Thuận
Đó là những cảnh đẹp đặc trưng nổi bật nhất của Việt Nam. Về phong cảnh thiên nhiên có cung đường Bình Thuận - Ninh Thuận, Hạ Long, Đà Lạt. Về văn hóa, lịch sử thì Hà Nội, Huế và Hội An là những điểm đến không thể bỏ qua.
Khi mùa xuân đến và mực nước biển giảm, rêu xanh bắt đầu vòng đời ngắn ngủi mới của chúng ở bãi đá ven biển Cổ Thạch ở tỉnh Bình Thuận, miền trung Việt Nam. Vòng đời của rêu ở đây chỉ có 2 tháng mỗi năm, bắt đầu từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để du khách ghé thăm và các nhiếp ảnh gia đến sáng tác.
Anh có thể gợi ý bí quyết người yêu thích chụp ảnh chụp đẹp thu hút hơn để sống ảo?
Ảnh sống ảo và ảnh của tôi là 2 phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những đặc điểm chung. Tôi nghĩ rằng khi chú ý đến bố cục, ánh sáng và bối cảnh chuẩn thì kết quả sẽ rất đẹp.
Anh làm thế nào để có thể tìm ra những góc nhìn mới lạ và tạo nên những bức ảnh gây ấn tượng đặc biệt với người xem?
Đó là điều rất ngẫu hứng. Khi tiếp cận một chủ đề, tôi tìm cách khai thác ở rất nhiều góc rồi sau đó lựa chọn ra một kết quả duy nhất. Với lịch sử hơn 130 năm của nhiếp ảnh, các chủ đề chắc đều đã được các tiền bối chụp nhiều lần. Chỉ có cách nhìn mới, truyền tải vấn đề mới với chủ đề cũ mới giúp ảnh của mình khác hơn. Ví dụ, có lẽ tôi là người Việt Nam đầu tiên bay drone chỉ chuyên để chụp ảnh đời thường.
Điều gì thôi thúc anh lên đường tìm cái đẹp?
Cảm xúc. Đó là cái quyết định tôi có thể dẹp hết mọi công việc, dành thời gian cho một chuyến đi dài. Cảm xúc là điều thôi thúc tôi và tạo nên những hành trình ngẫu hứng. Bắt đầu từ cảm xúc, tôi cũng xác định ý tưởng về các câu chuyện ở nhiều nơi… để mình thôi thúc mình lên đường.
Anh làm thế nào để ghi cảm xúc, câu chuyện trong 1 khuôn hình?
Cũng không có gì là bí quyết ghê gớm. Theo một cách đơn giản, gốc rễ vấn đề là câu chuyện tôi muốn truyền tải là cái gì.
Nhiếp ảnh là nghệ thuật thị giác. Nhiều người nói rằng chỉ mất 2 -3 giây ngắm nhìn bức ảnh, cảm xúc có thể đọng lại. Nếu một bức ảnh hút mắt, có hiệu ứng thị giác tốt sẽ khiến người ta ấn tượng và muốn tìm hiểu những câu chuyện đằng sau. Tôi theo đuổi story telling, vì thế tôi muốn chụp những bức ảnh có thể thôi thúc người ta tìm hiểu sau đó là cái gì.
Những bức ảnh của tôi có thông tin cơ bản, thể hiện nội dung người chụp muốn "kể chuyện". Thường tôi sẽ tìm hiểu câu chuyện trước rồi mới khai thác câu chuyện dựa trên các góc độ chụp, làm sao tạo hiệu ứng hiệu quả và nhất quán giữa ảnh và câu chuyện.
Năm 2020, anh có dự định gì với đam mê nhiếp ảnh của mình?
Dự kiến tháng 9/2020, tôi sẽ tham gia Đại hội Nhiếp ảnh Quốc tế Xposure (Xposure International Photography Festival) tại Các tiểu vương quốc A-Rập thống nhất. "My Vietnam" (Việt Nam của tôi) là một bộ ảnh mà tôi lựa chọn để triển lãm ở đại hội lần này. Bộ ảnh tập hợp các bức ảnh về chủ đề Việt Nam - đất nước - con người, đặc biệt ở văn hóa và truyền thống.
Ở festival đó sẽ có rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới, đó cũng là cơ hội và mong muốn để cho họ thấy một Việt Nam mà họ chưa từng thấy. Tôi rất vinh dự là nhiếp ảnh gia người Việt Nam đầu tiên tham gia đại hội này. Tôi sẽ cố gắng để bạn bè thế giới hiểu rõ hơn Việt Nam qua những bức ảnh và câu chuyện trong bộ ảnh của mình.
Hiện tại tôi đã có hơn 45 bức ảnh được đăng tải trên nhiều nền tảng của National Geographic. Tôi dự định trong tương lai gần sẽ xuất bản một cuốn sách ảnh hoặc làm một triển lãm nhỏ "Những câu chuyện về Việt Nam trên National Geographic", đúc kết hành trình 5 năm tôi tham gia cộng đồng này.
Tôi cũng mong ước chụp và kể lại được nhiều hơn những bức ảnh thật đời, thật nhân văn về đất nước mình.