Nhiều bạn trẻ không mua nhà, mua xe mà chỉ đi du lịch
Mục tiêu tài chính của người trẻ đã ngày càng thay đổi so với thời điểm trước.
- 20-07-2023Ông cụ Trung Quốc từng “mạnh tay” mua 100 căn nhà Bắc Kinh khuyên giới trẻ: "Mua nhà là lỗ, thuê nhà mới là sự lựa chọn khôn ngoan"
- 13-07-2023Mua nhà được 3 năm cô gái choáng váng khi phát hiện ra bí mật bên dưới
- 12-07-2023Vợ chồng lựa chọn dồn tiền kinh doanh trước cả mua nhà, vì sao?
Khác với thế hệ trước, hiện nay người trẻ có những mục tiêu tài chính cũng như phong cách chi tiêu rất khác biệt. Không còn những suy nghĩ như "an cư lạc nghiệp", mua tài sản lớn ở cột mốc như tuổi 30 hay 40 tuổi, người trẻ ngày càng chi nhiều hơn cho những mong muốn cá nhân chẳng hạn như đi du lịch.
Quá khó để tiết kiệm mua nhà trong thời điểm này
Mai Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) đã học tập và làm việc tại Hà Nội đến nay là 6 năm. Mức lương của cô bạn rơi vào khoảng 10-11 triệu/tháng, con số đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày nhưng lại rất khó có khoản tiết kiệm lớn.
"Mỗi tháng mình tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng, trung bình 24 triệu/ năm. Thành thật mà nói, với khoản tiết kiệm đó chẳng biết bao giờ mình mới có đủ tiền để chi trả khoản trả trước khi vay nợ ngân hàng mua nhà, ô tô. Số tiền đó cũng chỉ đủ để mình phòng tránh các rủi ro trong cuộc sống. Nếu quá khó khăn để mua nhà, mua xe thì tại sao mình phải cố gắng sống chi li tiết kiệm thêm 1-2 triệu làm gì, mình nghĩ để số tiền đó đi du lịch sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều".
Đồng quan điểm với Mai Anh, Minh Quân (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng cho rằng việc tiết kiệm mua nhà hay mua xe là điều quá khó trong thời điểm hiện tại. Mức lương của anh chàng là 15 triệu/ tháng, trong đó tiết kiệm 4-5 triệu/tháng, tính ra khoảng 30%, một con số khá lớn. Song, mỗi năm sẽ luôn có những "rủi ro" bất ngờ ập đến khiến anh chàng luôn phải tiêu một nửa phần tiết kiệm hàng năm. "Có lúc máy tính của mình bị hỏng nên phải mua chiếc mới phục vụ công việc. Bố mẹ mình ốm đau, năm đó mình gần như chẳng có đồng tích lũy nào".
Minh Quân cũng chia sẻ rằng khi nền kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên nhưng đồng thời các chi phí khác cũng tăng theo, đặc biệt giá nhà và giá xe luôn cao ngất ngưởng. Song hành cùng với việc tăng thu nhập, khối lượng công việc cũng ngày càng nhiều hơn, anh chàng luôn trong tình trạng "quá tải". "Dù vậy, mình vẫn muốn nỗ lực nhiều hơn, có thu nhập tốt để thực hiện được ước mơ có thể đi du lịch thật nhiều nơi trên thế giới. Nó không chỉ giúp mình mở mang đầu óc mà còn giúp mình giải tỏa áp lực với tần suất làm việc ngày càng nhiều như hiện tại".
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Chi tiền để sống hết mình trong hiện tại
Bên cạnh đó, mặc dù Ngọc Hà (27 tuổi, nhân viên văn phòng) có mức thu nhập khoảng 20 triệu/tháng, cô vẫn chưa từng nghĩ đến chuyện mua tài sản lớn. Cô bạn thích chi tiền để đi du lịch để tăng thêm kinh nghiệm cũng như trải nghiệm sống, giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
"Mình vừa trải qua thời gian mà cuộc sống có nhiều biến động, mình nhận ra chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Quả thực đúng là mỗi người cần có một khoản tiền tiết kiệm cho những thời điểm rủi ro, nhưng dường như tiết kiệm mua nhà mua xe để có cuộc sống ổn định không còn nhiều ý nghĩa nữa. Đối với mình, khái niệm cuộc sống ổn định không tồn tại, vì vậy mình muốn sống hết mình cho hiện tại".
Sau khi để dành một khoản tiền phòng tránh rủi ro, Ngọc Hà dành phần lớn tiền bạc để đi du lịch, đây là cách cô bạn sống cho hiện tại. Ngoài ra, Ngọc Hà cũng cho rằng việc không có nhà và xe không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống. Không có nhà riêng, nhưng cô bạn vẫn đầu tư cho không gian sống nhà thuê của mình. Đối với việc di chuyển, Ngọc Hà cho rằng phương tiện giao thông, dịch vụ gọi xe trên ứng dụng hay đi xe máy đều là những lựa chọn tốt, không nhất thiết phải sở hữu ô tô riêng.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Cũng giống với Ngọc Hà, Mai Anh cảm thấy sống ở nhà thuê cả đời cũng là một lựa chọn không hề tệ. Còn nhiều mục tiêu khác trong cuộc đời thú vị và thiết thực hơn việc đứng tên 1 cuốn sổ đỏ chẳng hạn như việc đi du lịch. Thuê nhà giúp cô bạn thấy bớt đau đầu hơn việc nợ tiền trả góp. Khi nào thu nhập thấp, bấp bênh, cô bạn chỉ cần đơn giản là dọn đến một căn nhà nhỏ hơn, tiền thuê thấp hơn là có thể cân bằng tài chính.
Mai Anh cũng cho rằng việc "an cư lạc nghiệp", phải sở hữu tài sản lớn không phải là những cột mốc tài chính mà ai cũng phải đạt được. Một số người trẻ đã phải đánh đổi rất nhiều, vay nợ khá lớn chỉ để mua nhà mua xe và phải sống áp lực một thời gian sau đó. Thay vì lựa chọn cuộc sống như vậy, Mai Anh muốn chi tiền để bản thân có thể sống với hiện tại nhiều hơn.
Phụ nữ Việt Nam