MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều bất cập trong kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp lại kiến nghị tới Thủ tướng

Nhiều bất cập trong kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp lại kiến nghị tới Thủ tướng

Nhiều thương nhân phân phối cùng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng nêu loạt bất cập trong kinh doanh xăng dầu chưa được Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa trong dự thảo nghị định mới về lĩnh vực này gây khó cho hoạt động kinh doanh.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã liệt kê 14 vấn đề bất cập lớn của thị trường xăng dầu . Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo mới đang “bỏ quên” vai trò của thương nhân phân phối và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong khi đây là cánh tay nối dài và là bộ mặt của ngành xăng dầu. Cụ thể, nghị định chưa quy định về bán lẻ xăng dầu.

Nhiều bất cập trong kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp lại kiến nghị tới Thủ tướng- Ảnh 1.

Doanh nghiệp cho rằng, khi có sự cạnh tranh đúng nghĩa, thị trường xăng dầu mới hoạt động lành mạnh. Ảnh: Như Ý

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, công thức tính giá cơ sở tại Điều 38 a của Nghị định 95 về xăng dầu cũng có “lỗ hổng” khi giá cơ sở mới chỉ được xác định đến kho cảng nội địa và chưa hề tính đến chi phí, tồn trữ, lợi nhuận để lưu thông xăng dầu đến tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, chi phí định mức và lợi nhuận định mức lại chỉ được tính cho doanh nghiệp đầu mối khiến các thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ chịu thiệt vì không được tính đủ chi phí.

“Khi làm rõ chi phí từng khâu, Nhà nước sẽ nắm được chi phí của doanh nghiệp và sẽ không còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế xảy ra”, doanh nghiệp kiến nghị.

Doanh nghiệp cũng cho rằng, nên xem xét bãi bỏ những vấn đề bất cập khác liên quan đến quy định về điều kiện cấp phép, về phòng cháy chữa cháy, các quy định về bảo vệ môi trường gây cản trở, ảnh hưởng và tốn kém cho doanh nghiệp khi nhiều thủ tục bị đánh giá không cần thiết.

Việc doanh nghiệp bán lẻ được ký lấy từ nhiều nguồn cũng đặt ra vấn đề mới về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, cơ quan quản lý cần quy định cụ thể mức trách nhiệm của từng khâu trong đo lường, chất lượng xăng dầu.

Liên quan đến nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp cũng kiến nghị làm rõ vai trò của các nhà máy lọc dầu, đồng thời không giới hạn nhập khẩu xăng dầu. Nhà nước chỉ đặt điều kiện để cân đối sản lượng các mặt hàng nhằm quản lý, tránh đứt gãy; quản lý chặt chẽ nguồn xăng dầu nhập khẩu nhằm thu thuế và giảm buôn lậu, trốn thuế. Cơ quan quản lý cũng cần bỏ hẳn Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Theo doanh nghiệp, nếu cơ quan quản lý muốn giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì cần xây dựng cơ chế trích xả quỹ và thực hiện quản lý tự động, tập trung. Cùng với đó, cần chuyển đổi toàn bộ quỹ tại thời điểm trích lập thành xăng dầu và bảo lưu vào kho dự trữ quốc gia, không thực hiện trích rút từ sản lượng nhập khẩu của thương nhân đầu mối.

Một thành viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội bán lẻ xăng dầu Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp phải gửi góp ý tới Thủ tướng do đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương (cơ quan soạn thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu) nhưng không được lắng nghe. Việc Bộ Công Thương xây dựng dự thảo nghị định mới đưa ra lấy ý kiến cho thấy sự thiên vị rất lớn với các doanh nghiệp đầu mối. Thông qua các quy định, doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn có thể thâu tóm và khống chế thị trường, đẩy các doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối vào cảnh thua lỗ.

“Để giá cơ sở xăng dầu bám sát thị trường, nghị định mới cần điều chỉnh: Giá xăng dầu thế giới là giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế do Bộ Công Thương xác định và công bố căn cứ trên tối thiểu 3 sàn giao dịch quốc tế có lượng xăng dầu nhập lớn nhất.

Với dự thảo hiện nay, Bộ Công Thương mới chủ yếu cập nhật giá sàn xăng dầu tại Singapore, từ đó dẫn đến lỗ hổng giúp các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng từ các sàn quốc tế khác giá thấp hơn giá sàn Singapore để tính giá bán trong nước, kiếm lợi riêng, gây thất thoát thuế cho Nhà nước”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Lâm Đồng phân tích.

Cần bỏ những quy định cản trở quyền kinh doanh

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết, Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu có nhiều điều khoản can thiệp và hạn chế quyền tự do của thương nhân phân phối xăng dầu, vi phạm Luật Cạnh tranh.

Theo ông Dũng, hiện các đầu mối được mua xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu và nhập khẩu nhưng Bộ Công Thương đang xây dựng quy định theo hướng không cho 300 thương nhân phân phối được mua hàng của nhau và cũng không được lấy hàng trực tiếp từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước.

Chuyên gia về xăng dầu, ông Phạm Ngọc Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và Phát triển cho rằng, thị trường xăng dầu thời gian qua có sự đứt gãy một phần do những bất cập trong điều hành của cơ quan quản lý là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Với lượng xăng dầu tiêu thụ hằng năm khoảng 27 triệu m3/tấn, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn giao dịch xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Việc lập sàn sẽ giúp minh bạch trong cách tính giá xăng dầu hiện nay.

Cùng với đó, cần đa dạng nguồn cung cho thị trường theo hướng cho các đầu mối và thương nhân phân phối được mua xăng dầu trực tiếp từ hai nhà máy lọc dầu.

Doanh nghiệp còn kiến nghị tới Thủ tướng rằng: Doanh nghiệp đầu mối không được bán hàng trực tiếp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu cùng hệ thống mà phải thông qua hệ thống thương nhân phân phối; Cơ quan quản lý Nhà nước cần thanh tra, xử lý và công khai số lượng xăng dầu tăng do hoạt động nhập khẩu và chênh lệch nhiệt độ...


Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên