MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều cảng ở Mỹ tắc nghẽn khi khối lượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến

25-07-2021 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Nhiều cảng ở Mỹ tắc nghẽn khi khối lượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến

Tình trạng tắc nghẽn tại cảng có nguyên nhân trực tiếp từ việc nhiều nhà bán lẻ và sản xuất Mỹ cố gắng tăng cường mua gom hàng hóa khi mà kinh tế Mỹ mở cửa trở lại.

Chicago đang nổi lên như một điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà những công ty vận hành hệ thống đường sắt, xe tải và vận tải chật vật trong việc xử lý khối lượng hàng hóa lớn từ châu Á nhập khẩu vào trung tâm vận tải hàng hóa khu vực Trung Tây nước Mỹ.

Hai công ty Union Pacific Corp và BNSF Railway Co cho đến nay đã phải hạn chế bớt công ten nơ vào hệ thống cảng đã quá tải của họ tại khu vực Chicago, nhiều công ty vận chuyển hàng hóa và sở hữu cảng đã cố gắng điều hướng các tàu công ten nơ sang nhiều điểm tiếp nhận hàng hóa khác trong khu vực. Thực tế này đã làm tăng chi phí và gây ra thêm nhiều rắc rối cho hệ thống phân phối vốn đã quá tải.

Tình trạng tắc nghẽn tại cảng có nguyên nhân trực tiếp từ việc nhiều nhà bán lẻ và sản xuất Mỹ cố gắng tăng cường mua gom hàng hóa khi mà kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19, người tiêu dùng Mỹ đổ xô đến các cửa hàng và nhà hàng.

Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu công ten nơ vào các cảng ở miền Nam California tại Los Angeles và Long Beach tăng cao kỷ lục, tình trạng hoãn chuyến và tắc nghẽn xảy ra khắp nơi, từ cảng biển cho đến các khu vực nhà kho hay bên trong Chicago nơi hàng nghìn công ten nơ được trung chuyển mỗi tháng.

Chuyên gia phân tích về đường sắt và đồng thời là giám đốc công ty tư vấn ABH Consulting, ông Anthony Hatch, nhận xét tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong năm nay có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng thiếu công ten nơ, năng lực vận tải thấp và nhiều sự kiện bất khả kháng kiểu như vụ con tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez, tình trạng gián đoạn tại cảng ở Thâm Quyến, Trung Quốc…

2 cảng tại California xử lý khoảng 30% công ten nơ nhập vào Mỹ, chủ yếu từ hướng các nước châu Á. Nhập khẩu công ten nơ vào các cảng hướng đến Chicago và khu vực lân cận tăng 32% so với cùng kỳ năm trước và 18% so với cùng kỳ năm 2019, theo số liệu của chuyên gia phân tích thương mại.

Thương mại của Mỹ với các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Tốc độ tăng trưởng thương mại song phương cao đến nỗi nhiều chuyên gia cho rằng dường như chưa từng có chiến tranh thương mại hay đại dịch Covid-19 gây gián đoạn dòng chảy thương mại giữa các nước này.

Trung Quốc và Mỹ đang bán hàng cho nhau ở tốc độ cao nhất trong nhiều năm, mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang phát triển mạnh như chưa từng có chiến tranh thương mại hay đại dịch Covid-19, theo bài đăng mới đây trên Bloomberg.

18 tháng sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết thỏa thuận thương mại, thỏa thuận này dường như cho đến giờ chưa phát huy được nhiều tác dụng. Thâm hụt thương mại của Mỹ chưa giảm, các biện pháp thuế quan vẫn tiếp tục được áp dụng, đồng thời cũng chưa có thêm nhiều các cuộc đối thoại về nhiều vấn đề kinh tế khác.

Thương mại hàng hóa hai chiều phát triển tốt cho thấy một lĩnh vực trong quan hệ vẫn ổn định trong khi nhiều lĩnh vực khác đang tiếp tục xấu đi, đặc biệt phải kể đến căng thẳng leo thang về vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, nguồn gốc đại dịch Covid-19, các lời cáo buộc tấn công mạng máy tính và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Thương mại hàng hóa hai chiều hàng tháng, sau khi giảm xuống mức còn 19 tỷ USD vào tháng 2/2020 trong bối cảnh các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa, từ thời điểm đó đến nay đã hồi phục đáng kể lên những mức kỷ lục mới, theo số liệu của Trung Quốc.

Theo Trung Mến

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên