Nhiều chuyên gia vẫn lạc quan vào thị trường bất động sản
Dù những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra là không tránh khỏi nhưng nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, BĐS vẫn là kênh đầu tư có triển vọng, là tài sản tích lũy bền vững trong dài hạn.
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam vừa công bố, trong thời gian qua, tình hình hoạt động chung của phân khúc mua bán BĐS nhà ở tại Tp.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Với thị trường căn hộ đẻ bán, nguồn cung sơ cấp nửa đầu năm giảm 52% theo năm, với hơn 9.100 căn, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Kỳ nghỉ Tết kéo dài và giãn cách xã hội đã ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch mở bán. Lượng giao dịch nửa đầu năm chỉ đạt hơn 6.800 căn, giảm 55% theo năm, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Còn trong phân khúc BĐS biệt thự/nhà phố, lượng giao dịch giảm 34% theo năm; Đối với đất nền, sự sụt giảm các nhà đầu cơ do Covid-19 đã khiến doanh số giảm 67% theo năm.
Mặc dù vậy, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills cho rằng, về tổng quan toàn thị trường, vẫn có những đánh giá khả quan và tích cực, đặc biệt tại các khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu...với những dự án quy mô lớn, đa dạng sản phẩm đầu tư và đơn giản hóa thủ tục giấy tờ sở hữu.
"Với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, rừng vàng biển bạc, hệ thống giao thông đi lại ngày một được cải thiện, chính sách đầu tư thông thoáng và tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam đang có những lợi thế riêng có so với các nước trong khu vực về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư BĐS du lịch", ông Khương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Savills Việt Nam nhận định, không thể phủ nhận rằng phân khúc nhà ở thương mại tại Tp.HCM đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát trên phạm vi toàn thế giới, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu của người dân, nhiều rào cản về pháp lý và giấy phép vẫn tồn đọng...
Mặc dù vậy, trong thách thức, luôn có cơ hội, đây có thể được coi là thời điểm vàng để đầu tư với một số nhà đầu tư có năng lực trên thị trường.
"Với những chính sách và chủ trương thiết thực nhằm trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam, đây có thể coi là thời điểm vàng dành cho các thương vụ mua bán và sát nhập cho các dự án BĐS. Bên cạnh đó, việc nỗ lực triển khai tuyến đường sắt Metro của UBND Thành phố, đi cùng với việc hoàn thiện triệt để việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quận vệ tinh như Quận 9, Nhà Bè, sẽ là một cú huých mạnh mẽ cho việc mở rộng và kết nối các khu độ thị mới, nhằm giải tải cho các khu vực trung tâm", ông Duy nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm trước đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho hay, do ảnh hưởng của dịch nên hiện người mua khá thận trọng khi xuống tiền với BĐS. Tuy vậy, vị chuyên gia này vẫn nhận thấy cơ hội ở ba lĩnh vực liên quan đến BĐS, đó là cơ hội phát triển BĐS công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; tiếp đến là logistics, và cuối cùng nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn vẫn rất cao.
Trước đó, khi được hỏi, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho rằng, câu chuyện đầu tư và phát triển các dự án BĐS luôn mang tính dài hạn. Nhu cầu về nhà ở tại các Tp lớn vẫn rất cao. Vì thế, BĐS vẫn là kênh ngoài lợi nhuận còn là kênh tích lũy tài sản mà được nhiều khách hàng quan tâm hiện nay. Trong lúc thị trường khó khăn như hiện nay lại là cơ hội cho người mua được hưởng những chính sách tốt từ người bán.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cũng cho rằng, những ảnh hưởng của Covid-19 lên thị trường BĐS đang khó đoán định nhưng tôi tin rằng Chính quyền và Tp.HCM đang có những động thái quyết đoán để kiểm soát tốt và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, từ đó các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có BĐS sẽ ổn định hơn so với giai đoạn đầu năm.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cho hay, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, qua năm thị trường BĐS mới ổn định lại được. "Tôi vẫn lạc quan vào thị trường BĐS trong trung, dài hạn. BĐS còn nhiều cơ hội để phát triển vì đây là ngành nghề đóng góp vào nguồn thu ngân sách trung ương và địa phương 30-35%. Vì thế, chắc chắn Chính phủ sẽ có những giải pháp thiết thực để điều hành nền kinh tế nói chung, BĐS nói riêng", ông Hậu khẳng định.
Vị CEO này cho biết, như sau đợt dịch lần 1, thị trường BĐS phục hồi khá tốt, nhiều dự án ra hàng và tiêu thụ ổn định. Đợt 2 cũng thế, nếu chúng ta kiểm soát được mức độ lây lan dịch trong cộng đồng tốt thì thị trường BĐS sẽ phục hồi và phát triển trở lại. Dĩ nhiên, việc BĐS nóng sốt sẽ không diễn ra như các năm về trước.