MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều cổ phiếu bị cắt margin tác động ra sao tới thị trường?

Các mã cổ phiếu bị cắt margin là do doanh nghiệp này bị thua lỗ sau soát xét nửa đầu năm 2020. Trong đó không ít cổ phiếu lớn, thanh khoản tốt trên thị trường cũng bị cắt margin như DXG, TDH, HVN…

Từ ngày 3/7 đến cuối tháng 9/2020 (sau đợt công bố thông tin báo cáo soát xét Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết), có 33 mã cổ phiếu đã bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) trên sàn HOSE và 45 mã cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ trên sàn HNX. Riêng sau kỳ soát xét bán niên 2020, lần lượt 32 mã cổ phiếu trên HoSE và 38 mã trên HNX bị cắt margin.

Sở dĩ các mã cổ phiếu nói trên bị cắt margin là do doanh nghiệp này bị thua lỗ sau soát xét nửa đầu năm 2020. Trong đó không ít cổ phiếu lớn, thanh khoản tốt trên thị trường cũng bị cắt margin như  DXG, TDH, HVN…

Nhiều cổ phiếu bị cắt margin tác động ra sao tới thị trường? - Ảnh 1.

Cổ phiếu DXG đã bị cắt margin.

Lật lại quá khứ, giai đoạn quý II- IV/2017, số lượng mã cổ phiếu không đủ điều kiện cho vay margin tăng mạnh từ mức 52 mã đầu kỳ lên 93 mã vào cuối kỳ. Tuy nhiên, dư nợ cho vay margin của khối công ty chứng khoán ở thời điểm đó không những không giảm mà còn tăng mạnh.

Theo ông Lê Ngọc Nam, Phó phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư TVSI, margin của các công ty chứng khoán cơ bản tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua, đồng pha với số lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư F0 trong giai đoạn vừa qua cùng với chỉ số VN-Index tăng liên tục.

“Theo ghi nhận của chúng tôi, top 20 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất đang nắm khoảng 48.000 tỷ đồng dư nợ margin trong quý II/2020, và có thể số dư nợ margin trên thị trường đã hơn 50.000 tỷ đồng trong thời điểm này. Trong đó, lợi thế đang nghiêng về phía các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc” – ông Lê Ngọc Nam cho biết.

Lý giải về nguyên nhân việc margin tăng mạnh, ông Lê Ngọc Nam cho rằng có một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, TTCK Việt Nam đã có sự hồi phục thần kỳ từ đợt sụt giảm mạnh trong quý 1/2020. Trong các quý 2- 3 thị trường đã lấy lại những gì đã mất trong năm 2020 khi tăng trưởng trở lại khoảng 40%. Đây có thể là một yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư trên thị trường gia tăng sử dụng đòn bẩy trong đầu tư.

Thứ hai, sự tham gia thị trường mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0 được thể hiện rõ qua việc có hàng trăm nghìn tài khoản được mở mới kể từ quý 2 tới nay, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Điều này góp phần tăng đáng kể dư nợ margin.

Thứ ba, lãi suất margin đã và đang giảm mạnh, đặc biệt ở khối công ty chứng khoán ngoại, hiện thấp hơn cả lãi suất cho vay của ngân hàng. Điều này cũng khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy margin.

“Dư nợ margin đang tương đối ổn định và thậm chí sẽ vẫn tiếp tục tăng. Do đó, việc cổ phiếu của những doanh nghiệp nói trên bị cắt margin là tương đối cục bộ và chưa ảnh hưởng đến thị trường nói chung” – ông Lê Ngọc Nam nhận định.

PV

Enternews

Trở lên trên