'Nhiều con em lãnh đạo xin nghỉ việc vì áp lực'
“Nhìn vào cường độ làm việc, tất cả các địa phương đều nói không có ngành nào làm việc nhiều như bảo hiểm xã hội (BHXH)... Nhiều con em của các lãnh đạo không chịu được áp lực nên đã xin nghỉ”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nói.
- 09-02-2018Tranh cãi về việc thế chấp sổ BHXH cho ngân hàng
- 03-02-2018Đối tượng nào được điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng BHXH?
- 18-01-2018BHXH Việt Nam phản hồi kiến nghị gia hạn nợ 180 tỉ đồng của Mai Linh
Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội ngày 23/4, đề cập đến con số 27 nghìn biên chế ngành BHXH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải rà soát lại, vì con số rất chung chung. Trong giai đoạn hiện nay, phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18 của Trung ương.
Cùng với đó, theo ông Dũng, giai đoạn 2016 – 2017, BHXH Việt Nam đã đổi mới phương thức quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với đó là cải cách hành chính và hiện đại hóa. Từ đó vị trí việc làm sẽ phải thay đổi, nên phải làm lại, như vậy mới gắn với hiệu quả, giảm biên chế, tiết kiệm chi cho bộ máy, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Thực tế BHXH Việt Nam đang bám sát chỉ tiêu 20.600 biên chế và chỉ tiêu phải “đóng đinh” là giảm 10% biên chế.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thì cho rằng, đây là vấn đề rất nan giải, nếu làm lại theo quan điểm của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khó mà giảm được biên chế. Theo bà Minh, giai đoạn 2011 – 2016, BHXH được Bộ Nội vụ duyệt 27 nghìn biên chế. Từ đó đến nay, qua 5 năm thực hiện, khối lượng công việc tăng bình quân hai lần, đối tượng BHYT tăng hơn hai lần, đối tượng BHXH, giải quyết chính sách… Tất cả các đối tượng đều tăng, làm phá vỡ định biên vị trí việc làm.
“Bộ trưởng nói làm lại, nhưng chúng tôi sợ làm lại cũng không giảm được dù tính cả áp dụng CNTT, cải cách hành chính. Nhìn vào cường độ làm việc, tất cả các địa phương đều nói không có ngành nào làm việc nhiều như BHXH. Phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, vi phạm luôn Luật Lao động, tức làm thêm trên 200 giờ/năm. Mà ở đây có nhiều con em của các lãnh đạo không chịu được áp lực nên đã xin nghỉ”, bà Minh cho hay.
Đề cập đến cơ chế khoán và bổ sung thu nhập, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện BHXH chưa thực hiện được hết cơ chế mà Thủ tướng cho phép là hệ số tăng 1 lần, mà chỉ đạt được 75%. Lý do vì Bộ Tài chính phải căn cứ vào mặt bằng, và bố trí kinh phí cũng phải tiết kiệm, nên BHXH cũng khó khăn, nhưng vẫn chấp hành nghiêm, vì đã phê duyệt trong dự toán.
Tiền phong