MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều công nhân mắc COVID-19: Doanh nghiệp lo đứt gãy đơn hàng

Số công nhân mắc COVID-19 tăng cao khiến các doanh nghiệp phải tính các phương án sản xuất khác, đề xuất Hà Nội cho phép F0 không triệu chứng, F1 là công nhân được đi làm tại xưởng riêng biệt, thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo sản xuất.

Bà Phương, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất phở khô Hà Thành, trụ sở văn phòng tại quận Hoàng Mai cho biết, từ đầu năm doanh nghiệp đang "quay như chong chóng" vì số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Được biết, ngay từ ngày mùng 7/2 đi làm trở lại, doanh nghiệp đã cho xét nghiệm (test) nhanh toàn bộ nhân viên. Qua đó phát hiện 15 trường hợp F0. Lập tức các công nhân đều cho nghỉ hoặc làm việc tại nhà đối với bộ phận kinh doanh, văn phòng. Bà Phương cho biết, thời điểm này toàn bộ khối kinh doanh đã dương tính với COVID-19, bộ phận này được phép làm việc trực tuyến. Lo lắng nhất là bộ phận sản xuất vì không thể làm việc trực tuyến. "Tình trạng này kéo dài thêm thì rất khó xoay xở", bà Phương nhận định.

UBND thành phố Hà Nội đã phân cấp cho các quận huyện thị xã căn cứ vào tình hình dịch trên địa bàn kịp thời điều chỉnh các biện pháp hành chính phù hợp theo tinh thần của Nghị quyết 128 và Quyết định 1800 của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Trung Kiên, thành viên Ban giám đốc một nhà máy sản xuất linh kiện hỗ trợ xuất khẩu tại huyện Hoài Đức cho biết, hiện đơn vị đã sản xuất trở lại 100% công suất, công nhân đi làm đầy đủ nhưng số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 trong công nhân liên tục tăng. Hiện tại đơn vị vẫn cho phép các trường hợp F1 làm việc nhưng phải test nhanh hàng ngày. Các trường hợp F0 âm tính đều được đi làm lại ngay để đảm bảo năng suất. "Hiện tại, công ty đang tuyển thêm công nhân để tránh trường hợp bị đứt gãy sản xuất khi số lao động nhiễm COVID-19 tăng cao", ông Kiên tính toán.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cơ khí tại huyện Đan Phượng lo ngại đứt gãy sản xuất do nhiều công nhân là F0, F1. Đào tạo một công nhân lành nghề cần thời gian nên việc tuyển mới lao động để làm việc được ngay là không thể. "Đã thích ứng linh hoạt, an toàn thì Hà Nội nên nghiên cứu chính sách cho F0 khỏe mạnh, F1 được phép đi làm tại các khu sản xuất riêng biệt, thực hiện "3 tại chỗ", vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa giúp doanh nghiệp duy trì được các đơn hàng sản xuất đầu năm", lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị.

Nhiều công nhân mắc COVID-19: Doanh nghiệp lo đứt gãy đơn hàng - Ảnh 1.

Xét nghiệm cho công nhân tại các doanh nghiệp KCN (Ảnh minh họa)


Tại các Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), mặc dù lao động đã đi làm trở lại gần 100% nhưng vẫn có nhiều thông báo tuyển dụng công nhân với số lượng lớn. Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc tuyển dụng để mở rộng sản xuất đồng thời một phần để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt do tạm nghỉ liên quan đến các ca F0 trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chủ động kế hoạch chống dịch

Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, theo thống kê của huyện, các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn gần 100% công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đối với công tác phòng chống dịch, huyện đã có hướng dẫn các doanh nghiệp theo các quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội. Theo đó, các doanh nghiệp tự xây dựng kịch bản phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cả các phương án xử lý tình huống cụ thể khi có các trường hợp F0 là công nhân của đơn vị. "Trước đây phương án được tổng hợp ở huyện để duyệt, hiện nay toàn bộ được doanh nghiệp chủ động lập và chịu trách nhiệm tùy theo điều kiện sản xuất kinh doanh của đơn vị mình", đại diện huyện nói.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, hiện thành phố Hà Nội đang chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", các lực lượng chức năng và người dân đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh, tập trung đông người như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề...

Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất đang chủ động phương án phòng chống dịch theo điều kiện sản xuất của đơn vị dựa trên các quy định phòng chống dịch. Thời điểm này, việc xác định F1 đã thay đổi so với thời điểm trước đây, không phải cứ làm gần nhau là bị xác định là F1.

Theo TRẦN HOÀNG

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên