Nhiều công ty Mỹ hối thúc Quốc hội thông qua thuế biên giới
Nhiều công ty Mỹ muốn Quốc hội nước này thông qua thuế biên giới (border tax) gây tranh cãi thời gian qua...
- 21-02-2017Bị tẩy chay ở Mỹ nhưng thương hiệu Ivanka Trump đang gây sốt ở Trung Quốc
- 21-02-2017Trump chọn vị tướng từng phản đối chiến tranh Việt Nam làm Cố vấn An ninh Quốc gia
- 19-02-2017Bài học đầu tư cổ phiếu nhìn từ danh mục của Donald Trump
Giám đốc điều hành (CEO) 16 công ty lớn của Mỹ, bao gồm Boeing, Caterpillar, và General Electric (GE), đã hối thúc Quốc hội nước này thông qua một đạo luật cải cách thuế toàn diện, bao gồm cả thuế biên giới (border tax) gây tranh cãi thời gian qua.
Theo tin từ Reuters, trong một lá thư gửi lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ, 16 vị CEO nói thuế biên giới mà phe Cộng hòa đề xuất sẽ giúp các hàng hóa sản xuất tại Mỹ cạnh tranh tốt hơn ở thị trị trường cả trong và ngoài nước bởi sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu phải chịu cùng mức thuế với các nhà sản xuất trong nước.
Đây là động thái mới nhất trong những nỗ lực vận động hành lang trái chiều của các công ty Mỹ đối với chính sách thuế của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nghị sỹ Cộng hòa Paul Ryan, đã đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp Mỹ về mức 20% từ mức 35% hiện nay, đồng thời đánh thuế biên giới 20% đối với hàng nhập khẩu, và trừ doanh thu xuất khẩu khỏi thu nhập chịu thuế cho các công ty Mỹ.
Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của các công ty lớn của Mỹ phải nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn các nhà bán lẻ và các hãng sản xuất ô tô. Trái lại, những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu phần lớn sản phẩm làm ra ủng hộ sự thay đổi luật thuế như ông Ryan đề xuất.
Trong một báo cáo khác, Quỹ Công nghệ Thông tin và Sáng tạo (ITIF) kêu gọi Quốc hội Mỹ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng cảnh báo rằng những nhân tố như thuế biên giới có nguy cơ phá hỏng nỗ lực này. “Để cải cách thuế doanh nghiệp thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nghị sỹ cần tập trung vào những thay đổi quan trọng nhất có hiệu quả nhất đối với năng lực sáng tạo và sức cạnh tranh”, báo cáo của ITIF viết.
ITIF là một tổ chức nghiên cứu mà ban lãnh đạo có thành viên là đại diện của nhiều hãng công nghệ lớn như Apple, IBM, và Intel.
Tuần trước, một nhóm CEO ngành bán lẻ Mỹ đã gặp Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo Quốc hội để bày tỏ sự phản đối thuế biên giới.
Đầu tháng này, hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank nói rằng thuế biên giới mà chính quyền Trump đang xem xét áp dụng có thể có ảnh hưởng lớn đối với thương mại toàn cầu. Trong đó, Việt Nam cùng những nước có kim ngạch thương mại lớn với Mỹ như Mexico, Canada, Malaysia... có khả năng chịu thiệt hại không nhỏ.
Theo dự kiến, ông Trump sẽ công bố kế hoạch cải cách thuế trong một vài tuần tới. Vị Tổng thống vẫn nói thuế biên giới là “phức tạp”, nhưng chính quyền của ông cũng nói rằng việc đánh thuế đối với hàng hóa từ Mexico có thể giúp chi trả cho việc xây dựng bức tường ngăn giữa biên giới hai nước.
Các vị CEO ký vào lá thư ủng hộ thuế biên giới ngày 21/2 có CEO của Boeing, CoorsTek, Caterpillar, Dow Chemical, Calenese, GE, Celgene, Eli Lilly, Raytheon, Merck, S&P Global, Oracle, United Technology, Pfizer, và Varian Medical Systems.
VnEconomy