'Nhiều công ty Việt sẽ bị nhà đầu tư Trung Quốc thôn tính'
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng cáchoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam (M&A) dẫn tới nguy cơ nhiềudoanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm.
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây có những nhận định cụ thể về tình hình vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có từ Trung Quốc vào Việt Nam thời gian qua.
Nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào VN
Bộ KH&ĐT cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bước đầu đã có tác động rõ rệt đến sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư Trung Quốc. Sau một thời gian dài chỉ đứng thứ 3 hoặc thứ 4 tại Việt Nam, đến nay Trung Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, trong tổng số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỉ USD. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục đầu tư hơn 2 tỉ USD, còn các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) cũng rót gần 575 triệu USD.
Tính chung lại, lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan) trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 7,6 tỉ USD. Đáng chú ý, trong 7 dự án lớn có tới 5 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2017 đến hết tháng 5-2019, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc , Hong Kong, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sang Việt Nam khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng lên so với các năm trước.
Trong bảy dự án lớn của 5 tháng đầu năm 2019 có tới năm dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham Trung Quốc) vào tháng 5-2019 cho thấy 40% DN Mỹ tham gia khảo sát có kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Khu vực ASEAN (trong đó có Thái Lan, Indonesia, Việt Nam nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp khi xem xét kế hoạch dịch chuyển).
Bị thâu tóm, sáp nhập
Bên cạnh đó, đề cập tới một số hệ luỵ từ sự gia tăng đáng kể đầu tư FDI của Trung Quốc, Bộ KH&ĐT cũng cho biết do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc có thể dẫn tới sự dịch chuyển của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.
Đồng thời do có sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực về hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Sự gia tăng đầu tư của các nhà đầu từ Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc kiểm soát khó khăn.
Đặc biệt, các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập DN Việt Nam ( M&A ) dẫn tới nguy cơ nhiều DN Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính, thông qua hoạt động mua bán cổ phần...
Để xử lý hiệu quả yêu cầu hạn chế, ngăn chặn dòng vốn FDI chất lượng thấp từ Trung Quốc, Bộ KH&ĐT cho rằng cần khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết thông qua công tác quy hoạch, nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tài nguyên, tiêu chuẩn công nghệ, quy chuẩn, quy cách sản phẩm.
Kiểm soát tốt hơn vấn đề đầu tư núp bóng của tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua việc nghiên cứu ban hành ngay các quy định cấm các tổ chức, cá nhân Việt Nam đứng tên hộ trong các giao dịch về đất đai, bất động sản; kiểm soát tốt hơn các hoạt động tín dụng, cho vay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
PLO