MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều đại biểu Quốc hội dẫn chứng thị trường phim Việt, CGV để nói về cạnh tranh không lành mạnh

15-11-2017 - 15:37 PM | Doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Đức Kiên,… đều nhấn mạnh, luật cạnh tranh phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, không nên chỉ bó buộc trong lĩnh vực kinh tế mà phải bao trùm sang các lĩnh vực liên quan.

Sáng ngày 15/11, Quốc hội thảo luận góp ý kiến về dự thảo luật cạnh tranh (sửa đổi). Một trong những mục tiêu khi sửa đổi dự án Luật là, phải tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi của người tiêu dùng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá, trên thực tế luật cạnh tranh không chỉ đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các DN, mà một nhiệm vụ quan trọng khác đó là tăng cường nội lực quốc gia, thậm chí, nhắm đến mục đích bảo hộ, rào cản kỹ thuật để giúp các DN trong nước, vốn đang là những chú "cá bé" phát triển.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

"Những nhà đám phán Việt Nam đã quá rõ với những câu như ‘cá lớn nuốt cá bé’, ‘không có bữa trưa miễn phí’. Thậm chí, ngay những nền kinh tế mạnh nhất thế giới cũng không ngần ngại công khai việc này. Chúng ta không kỳ thị các DN nước ngoài, song tình trạng DN Việt đang ở mức báo động, cần tới sự hỗ trợ của chính sách", đại biểu Nghĩa nhận xét.

Nhiều đại biểu trên nghị trường nhắc tới thị trường phim Việt Nam như một ví dụ điển hình của việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN nội và DN ngoại, trong đó DN nội bị chèn ép, thất thế ngay trên sân nhà.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho biết, chương 5 của luật cạnh tranh sửa đổi cần mở rộng ra nhiều lĩnh vực có liên quan đến kinh tế. Chẳng hạn, trong tình hình hiện nay, văn hóa cũng đang là lĩnh vực tạo ra lợi nhuận rất lớn.


Đại biểu Nguyễn Đức Kiên

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên

"Tôi còn nhớ, khi Hàn Quốc công chiếu một bộ phim của mình vào năm 2016, cự tổng thống Hàn Quốc khi đó đã phát biểu giá trị kinh tế của bộ phim tương đương với 1,5 triệu chiếc ô tô Hyundai Sonata. Qua đó, có thể thấy tác động kinh tế thông qua lĩnh vực văn hóa là rất lớn", ông Kiên cho biết.

Bản thân Hàn Quốc trước đây cũng từng chịu sức ép từ phim điện ảnh Hollywood. Để có thể cạnh tranh được với Mỹ, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã có cơ chế linh hoạt để bảo hộ, từ đó mới xây dựng được nền văn hóa điện ảnh lớn nhất nhì châu Á như hiện nay.

Tuy nhiên, để ngăn việc thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền thì chỉ tập trung vào mỗi một lĩnh vực là chưa đủ. Tiếp tục lấy dẫn chứng trong ngành phim ảnh, ông Kiên cho biết, lợi nhuận một bộ phim liên quan trực tiếp tới 4 khâu. Đó là sản xuất, phát hành, chiếu bóng cho đến khi ra rạp. Nếu chỉ xem xét riêng biệt từng khâu thì chưa thể thấy vị trí độc quyền của DN. Thay vào đó, khi xem xét DN có độc quyền hay không, cần xem xét cả chuỗi giá trị của sản phẩm mới phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ thêm, nếu như không có hệ thống rạp Việt Nam thì ngay phim Việt cũng không có mặt tại Việt Nam. Chính vì thế mà những năm qua các nhà sản xuất phim Việt phải tham gia cả việc xây rạp để có đầu ra cho sản phẩm.


Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

"Ví dụ trên đây cho thấy sửa đổi luật cạnh tranh phải rõ ràng, ngăn ngừa hành vi vi phạm, khắc phục những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Nhân đây tôi cũng xin đưa ý kiến lên các cơ quan xử lý vụ việc cạnh tranh của CJ, CGV mà báo chí đã nêu", ông Cương phát biểu.

Bên cạnh mong muốn luật cạnh tranh đảm bảo tính công bằng, hỗ trợ DN Việt, nhiều đại biểu cũng băn khoăn nhiều về tổ chức bộ máy của Hội đồng cạnh tranh. Nhiều đại biểu cho rằng, việc hội đồng cạnh tranh trực thuộc Bộ công thương có thể không phù hợp. Bởi Bộ Công thương hiện vẫn còn là cơ quan quản lý, chủ quản của nhiều doanh nghiệp Nhà nước. Việc vừa là cơ quan chủ quản, vừa là "tòa án" phân xử có thể gây khó xử cho cả 2 bên.

Luật cạnh tranh (sửa đổi) lần đầu được trình Quốc hội lấy ý kiến trong kỳ họp này. Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục cho được những bất cập của Luật Cạnh tranh hiện hành, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc, cho một môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, lành mạnh, tạo thêm động lực cho sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của đất nước.

Theo Quốc Dũng

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên