Nhiều đại gia bất động sản muốn tham gia làm nước sạch
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Tọa đàm & Giao lưu trực tuyến "Nước và Không khí trong phát triển Công trình xanh".
Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt thời gian qua, chất lượng không khí liên tục được cho rằng vượt các ngưỡng chỉ tiêu, một bộ phận cư dân Hà Nội lại phải đối diện với sự việc nước sinh hoạt nhiễm dầu, chưa bao giờ những nguy cơ ô nhiễm từ không khí và nước lại được cảnh báo nhiều như vậy.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - khẳng định, vấn đề về môi trường đang là vấn đề rất nóng và nổi cộm. Trong đó bức xúc lớn liên quan tới ô nhiễm đất, nước, không khí.
Theo bà An, có ba nguyên nhân dẫn đến chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự phát triển công nghiệp lớn nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình phát triển, dẫn đến ô nhiễm. Thứ hai, nước ta chưa có đủ điều kiện khoa học công nghệ. Từ năm 2000 – 2005, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải nhưng chưa quan tâm được đến chất lượng không khí.
Thứ ba là giai đoạn này dân số tăng đột biến. Nội thành Hà Nội hiện có đến 6 - 7 triệu người ở, lượng ô tô rất lớn. Nhiều làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm vẫn đang hoạt động trong nội đô mà chưa được di dời. "Rõ ràng không khí ô nhiễm tăng lên và chất lượng môi trường đang xuống cấp", bà An nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House - cho hay, công trình xanh ngày càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
"Cây xanh đem lại lợi ích lớn, rõ nét nhất là giảm nhiệt. Bên cạnh đó, là thiết kế thông thoáng, tận dụng tài nguyên. Chất lượng không khí không chỉ là bụi mịn, nó còn là độ ẩm, lượng CO2… Phải đủ các yếu tố này thì mới đảm bảo được chất lượng không khí.
Tại Capital House, chúng tôi cũng lắp 1 thiết bị quan trắc online ở văn phòng, để luôn phải đảm bảo chỉ số ở ngưỡng an toàn. Đó không chỉ là cách để bảo vệ chính cư dân mà còn cho sức khỏe các thành viên trong văn phòng.
Nước sinh hoạt là vấn đề vô cùng quan trọng, vì thế khi xây dựng mỗi dự án, chúng tôi đều phải xét nghiệm nước ở các dự án xung quanh và hỏi cư dân quanh đó xem có thắc mắc gì về chất lượng nước hay không. Đối với Ecolife Capitol, ngay ban đầu chủ đầu tư đã lắp đặt màng lọc nước, ở lớp màng lọc thô có than hoạt tính, cát sỏi… Styren trong dầu có thể hấp thụ bởi than hoạt tính. Hệ thống lọc đó tiếp tục qua màng micro - màng siêu lọc - để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.
Giá thành của hệ thống lọc nước không quá cao, khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho 1.000 căn hộ - chia ra thì không hề đắt chút nào. Khi sự cố nguồn nước nhiễm dầu xảy ra như những ngày vừa qua thì cư dân mới thấy may mắn vì không bị chiu ảnh hưởng của sự cố. Chủ đầu tư cũng thấy mình đã sáng suốt khi lựa chọn phương án Xanh", ông Bách chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Các chuyên gia tại buổi tọa đàm.
Từ câu chuyện của Capital House, theo bà Bùi Thị An, các doanh nghiệp nên nhận thức rõ và tham gia nhiều hơn vào việc phát triển công trình xanh. "Xây dựng căn hộ cho người dân phải đi kèm với trách nhiệm đảm bảo môi trường sống".
"Nhân đây, tôi cũng xin kiến nghị, đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công trình xanh, bởi mục tiêu của Chính phủ nêu ra là vì chất lượng cuộc sống của nhân dân, là mục tiêu phấn đấu của mọi ngành, mọi đất nước. Khi xây dựng được các dự án bảo đảm được tiêu chí công trình xanh thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ tăng lên. Và các doanh nghiệp xây dựng công trình xanh hướng tới: Lấy chất lượng sống của người dân là mục tiêu phấn đấu, phát triển", PGS. TS Bùi Thị An bày tỏ quan điểm.
Bàn về vấn đề các chủ đầu tư dự án hiện nay chủ động xử lý nguồn nước đầu vào tại các dự án BĐS, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho rằng, phát triển công trình xanh sẽ là giải pháp bền vững cho việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống.
Tuy nhiên muốn có công trình xanh, đô thị xanh thì chúng ta phải có con người xanh, chủ đầu tư xanh, chuyên gia xanh và đặc biệt là cư dân xanh. Mỗi cư dân phải trở thành những nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn và bảo vệ môi trường sống cho mình.
"Nhân việc PGS. TS Bùi Thị An bàn đến vấn đề này, tôi cũng có ý kiến chia sẻ. Sau khi xảy ra sự cố nước sông Đà, tôi có hỏi chủ tịch, lãnh đạo lớn của một số tập đoàn bất động sản. Mọi người đều chia sẻ rằng, họ đều muốn tham gia làm nước sạch, nhưng để được làm không hề dễ dàng.
Thực ra ai cũng hiểu, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản lớn, có hàng triệu khách hàng. Họ cực kỳ lo cho cư dân của mình, suy nghĩ làm thế nào để có nguồn nước sạch chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho cư dân. Và nếu có nước sạch thật sự, họ cũng giảm được rất nhiều mối nguy cơ, phần chi phí đầu tư, thau rửa...
Thế nhưng, có một vấn đề đặt ra là liệu có lợi ích nhóm nào ở đây không, khi mà trên thực tế, có rất nhiều đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư bất động sản làm hạ tầng, đều rất muốn đầu tư vào nước sạch nhưng đều bị... bật ra", Nhà báo Phạm Nguyễn Toan chia sẻ.
Cũng theo ông Toan: "Rõ ràng, nếu họ trực tiếp làm nước sạch thì đó là cơ hội kinh doanh tốt, nhưng đó cũng là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cư dân. Tôi cho rằng, thực ra Nhà nước không cần hỗ trợ gì nhiều, chỉ cần xây dựng được cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch và chọn được nhà đầu tư thực sự chuẩn, có đầu vào thì nước sạch có thể sẽ rẻ hơn nữa. Bởi với công nghệ xây dựng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp về bất động sản, họ có thừa sức để làm những nhà máy nước cực kỳ tốt.
Ai cũng biết nước ngầm tốt nhưng rõ ràng nguồn nước mặt bây giờ bắt buộc phải dùng rồi và tôi tin, họ có cách để khai thác và bảo vệ nguồn nước mặt tốt hơn hiện tại. Chúng ta cần nhà đầu tư có tâm, có tầm chứ đừng chỉ nhìn vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm".