Nhiều "đại gia" Trung Quốc vào Việt Nam làm pin năng lượng mặt trời
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 3 tháng đầu năm nay, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic được đầu tư mới và mở rộng.
- 15-03-2024TPHCM sẵn sàng phủ sóng điện mặt trời mái nhà cho 50% hộ dân
- 04-03-2024Bộ trưởng Công Thương: Không thể phát triển ngẫu hứng, ồ ạt điện mặt trời áp mái
- 18-01-2024Bất ngờ thu hồi công văn liên quan đến sai phạm điện mặt trời
Đáng chú ý, trong lĩnh vực năng lượng có sự tham gia của nhiều tập đoàn từ Trung Quốc.
Mới đây, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt và Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda (Trung Quốc) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II, thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 450 triệu USD, dự kiến thời gian đi vào hoạt động vào quý IV/2024.
Hồi tháng 2 năm nay, một "đại gia" khác của Trung Quốc là Công ty TNHH Trina Solar Cell thuộc Tập đoàn Trina Solar đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trị giá 454 triệu USD, sản xuất module và pin năng lượng mặt trời.
Trước đó, Trina Solar Cell đã triển khai hai dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 478 triệu USD, gồm: Dự án sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm module năng lượng mặt trời với vốn đầu tư 203 triệu USD; dự án sản xuất thanh silic và tấm silic đơn tinh thể có vốn đầu tư 275 triệu USD. Với dự án thứ ba được cấp phép, tổng vốn đầu tư của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên được nâng lên 932 triệu USD.
Theo báo cáo ngành điện Việt Nam năm 2023 của Vietdata, cùng với xu hướng phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng, thị trường pin năng lượng mặt trời được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong ngành vô cùng khốc liệt, với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước chưa nhiều. Hiện chỉ có công ty CP năng lượng IREK là doanh nghiệp nội duy nhất có quy mô thị phần doanh thu tương đối, còn lại phần lớn đều là công ty thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó chủ yếu là các FDI Trung Quốc và Mỹ.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, đánh giá Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển pin năng lượng mặt trời, vì vậy họ có rất nhiều dự án ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh... Trong khi đó, Việt Nam cũng khuyến khích đón dòng vốn này để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
"Nếu có nhiều dự án sản xuất, Việt Nam sẽ có lợi thế về công nghệ, giá thành điện sạch được kéo giảm… " - ông Mại nói. Ông thông tin thêm Trung Quốc không chỉ đầu tư vào pin mặt trời, mà họ đang đầu tư vào bán dẫn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo như điện rác...
Theo ông Mại, trong nhiều cuộc xúc tiến đầu tư gần đây, hàng trăm nhà đầu tư Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu cơ hội.
Tuy nhiên, điểm lưu ý được Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: Việt Nam phải tiến tới làm chủ công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ từ làn sóng đầu tư nước ngoài. Điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo là lĩnh vực rất tiềm năng, không chỉ bây giờ mà cho tương lai hàng chục năm tới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính đến 20-3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm 27,8%.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic; sản xuất linh kiện; sản phẩm điện tử; sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng trong 3 tháng đầu năm nay.
Người lao động