Nhiều địa phương chú trong phát triển nhà cho người thu nhập thấp
Bộ Xây dựng đã có đề xuất gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách đặc thù. Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã công bố danh mục dự án có sử dụng đất cần tìm nhà đầu tư đối với dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 700 tỷ đồng. Thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo kế hoạch, dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 2,69 ha, cung cấp khoảng 870 căn hộ để ở với tổng diện tích sàn khoảng 63.270 m2, đáp ứng nhu cầu ở cho gần 3.000 người là công nhân làm việc trong khu công nghiệp xung quanh khu vực thực hiện dự án. Các hạng mục công trình thực hiện bao gồm nhà ở xã hội cao tầng, sân, đường nội bộ, cây xanh cảnh quan, hệ thống công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, bãi đỗ xe nằm trong phạm vi ranh giới dự án hoàn chỉnh, đồng bộ.
Tương tự, Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2022 với mục tiêu xây dựng 8.419.000m2 sàn nhà ở. Trong đó sẽ có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội.
Còn UBND tỉnh Bình Dương cũng có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, địa phương này phấn đấu phát triển 1 triệu căn nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo UBND tỉnh, đây là mục tiêu rất quan trọng nên cần thiết phải xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Về quỹ đất ở giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến diện tích đất ở tăng thêm 1.600 ha. Trong đó, quỹ đất dành để xây dựng các dự án nhà ở thương mại khoảng 613 ha; xây dựng nhà dân tự xây khoảng 728 ha; việc phát triển các dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội hơn 259 ha. Theo kế hoạch, nguồn vốn sẽ cần khoảng 130.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn dự kiến dành cho nhà ở thương mại vào khoảng 49.800 tỷ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng... Vốn dự kiến dành cho nhà dân tự xây vào khoảng 59.150 tỷ đồng do người dân tự xây dựng từ nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình.
Vừa qua, Sở Xây dựng Tp.HCM cũng đã có tờ trình để UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc vào khoảng 27 m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.
Hiệp hội bất động sản thành phố (HoREA) cũng có kiến nghị lên UBND TP hàng loạt giải pháp để giúp nhà ở xã hội có điều kiện phát triển trong thời gian tới. Đáng chú về quy hoạch, HoREA đề nghị cần phê duyệt quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở xã hội và cả khu vực phát triển nhà ở thương mại giá thấp, để hình thành các khu đô thị, khu nhà ở có giá vừa túi tiền, giá thấp, nhà ở xã hội, dành cho người có thu nhập thấp và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn từng quận, huyện và cụm nhà ở xã hội theo khu vực có tính liên quận, nhất là tại các huyện có quỹ đất nông trường, trên tất cả các hướng của thành phố.
Thực tế, nhiều năm qua cho thấy chủ trương phát triển nhà ở xã hội là phù hợp lòng dân, phù hợp hoàn cảnh của những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ, công nhân viên làm việc ở các đô thị nhưng không đủ tiền để mua nhà thương mại. Vì vậy để tiếp tục khuyến khích việc đầu tư phát triển loại hình nhà ở này, Bộ Xây dựng đã có đề xuất gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách đặc thù. Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng.
Trong đó có 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 dành cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để các đối tượng khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở và cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định để hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng cá nhân được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay theo quy định. Đồng thời, 50.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho công nhân lao động, chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu phải có cơ chế gắn trách nhiệm của UBND cấp tỉnh với việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, có giải pháp tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp phát triển loại hình này…