Nhiều điểm chưa rõ trong mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp "đang hoạt động"
VCCI cho rằng, Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cần phải đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn; tập trung làm rõ hơn nữa vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước...
- 05-09-2022PMI Việt Nam trong tháng 8 tăng lên 52,7 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khi áp lực lạm phát giảm
- 05-09-2022Giải mã việc dòng vốn FDI đang dần chuyển sang các khu công nghiệp ở các địa phương hạng hai như Bắc Giang, Hà Nam
VCCI cho rằng, Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cần phải đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn; tập trung làm rõ hơn nữa vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước...
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản phản hồi đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Trước hết, VCCI cho biết nhất trí với quan điểm phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Bởi điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Do đó, nghị quyết phải đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bám sát và tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu quan trọng trong những nhiệm kỳ tiếp theo, như tới năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tới năm 2045, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các quốc gia phát triển.
Về mục tiêu chung, theo VCCI, Nghị quyết cần hướng tới các mục tiêu lớn như hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời góp phần xây dựng nền tảng để hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 là: đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị, Nghị quyết nên có thêm mục tiêu khơi dậy tinh thần và khí thế mới trong hoạt động kinh doanh, đồng thời xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh theo định hướng của Đảng, tương xứng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Về các mục tiêu cụ thể, VCCI kiến nghị, trong Dự thảo hiện nay có nhiều điểm chưa rõ, nên cân nhắc hoàn thiện, bổ sung theo hướng đề ra các chỉ tiêu mang tính tiêu chí tương ứng với mục tiêu phát triển của đất nước vào năm 2025, hướng tới 2030 và 2045.
Chỉ tiêu "1,5 triệu doanh nghiệp" cụ thể là doanh nghiệp như thế nào?
Trong phần góp ý cụ thể, trước hết, VCCI cho rằng mục tiêu: “Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu” trong dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ được tỷ trọng, vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước như thế nào so với các doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước mới là động lực bền vững lâu dài, rường cột cho sự phát triển của quốc gia…
Kế đến, mục tiêu: “Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, “100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số”, theo VCCI rất khó để định lượng và đánh giá kết quả đạt được...
Với chỉ tiêu “Đạt 1,5 triệu doanh nghiệp”, dự thảo Nghị quyết chưa rõ đây là số doanh nghiệp “đăng ký thành lập” hay là “đang hoạt động” - Vì vậy, để phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ mục tiêu này theo hướng: đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo VCCI, điều này cũng phù hợp với nội dung của Nghị quyết 10 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động.
Với việc dự thảo đề ra chỉ tiêu có “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số”, theo VCCI là quá nhỏ và chiếm tỷ lệ quá thấp nếu so sánh với con số mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể cộng thêm số hợp tác xã và hộ kinh doanh đang có.
Nếu tính ra số lượng từng năm cho mỗi địa phương trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì con số thực hiện hàng năm còn nhỏ hơn nữa. Thêm vào đó, dự thảo cũng không nêu rõ mức độ chuyển đổi số như thế nào.
Vì vậy, VCCI đề nghị nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và làm rõ mức độ chuyển đổi số; đồng thời, cân nhắc sử dụng một số mục tiêu cụ thể hơn.
Về phát triển kinh tế số, theo VCCI, dự thảo cũng cần nêu rõ, doanh thu từ kinh doanh số của các doanh nghiệp sẽ tăng trung bình ít nhất 10% mỗi năm. Số lượng doanh nghiệp có chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ tăng trung bình 10% mỗi năm.
Tới 2025: Đặt mục tiêu doanh nghiệp tư nhân đóng góp 15% GDP
Đối với việc phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, dự thảo cần điều chỉnh nội dung theo hướng: Doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP.
Cụ thể hơn nữa, cần có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ.
Đồng thời, đến năm 2025 sẽ chuyển đổi ít nhất 10% số hộ kinh doanh có đăng ký chính thức sang thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường tỷ lệ nội địa hoá của các ngành tăng thêm 10% vào năm 2025, năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất. Song song với đó, tăng cường chất lượng nhân lực với tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
Ngoài ra, VCCI cũng kiến nghị cần đẩy mạnh khai thác ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA đạt từ 40-45%.
Hiện nay, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan trung bình theo các FTA của Việt Nam khá khiêm tốn, năm vừa qua chỉ đạt 32,7%. Do đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan, bởi đây là khía cạnh lợi ích dễ hiện thực hóa nhất của các FTA từ góc độ doanh nghiệp.
Bổ sung thêm "quyền" cho VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp
Cũng tại văn bản góp ý này, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nhiệm vụ của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, theo hướng: Chủ động triển khai, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu dùng nội địa ở tầm quốc gia, khu vực, ngành hàng.
Đồng thời, tổ chức, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình bình ổn giá, giảm giá, kích cầu tiêu dùng theo từng ngành hàng, từng thời điểm…
Kế đến là tích cực tham gia vào các cơ chế song phương và đa phương quan trọng trong khu vực và trên thế giới, các bộ, ban ngành, tổ chức xúc tiến Trung ương và địa phương để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư thiết thực, đoàn khảo sát thị trường, các dự án, chương trình xúc tiến hiệu quả; thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và cơ hội hợp tác góp phần nâng cao năng lực hội nhập của Việt Nam với thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có nhiệm vụ tham gia phân tích, đánh giá nhu cầu, xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ về thông tin, đào tạo năng lực, tư vấn… cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do.
Theo đó, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định này để có được nguồn cung nhập khẩu giá tốt, thu hút các đơn hàng quốc tế quay trở lại Việt Nam để cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường nước ngoài.
Đồng thời, thông tin, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đối phó hiệu quả với các rào cản thương mại quốc tế phát sinh; đặc biệt là các vụ kiện phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại trá hình ở các thị trường xuất khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, các thị trường tiềm năng mới/đang khai phá, có xu hướng bảo hộ cao.
BizLive