MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp bị nhắc nhở

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM yêu cầu Gỗ Trường Thành nghiêm túc thực hiện báo cáo thông tin liên quan giải trình biến động lợi nhuận bán niên năm 2024, trong khi Petrosetco được yêu cầu phải thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Tuần này, có 18 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức . Trong đó, 17 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu và 1 công ty trả cổ tức kết hợp.

Chậm công bố

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM ( HoSE ) nhắc nhở và đề nghị nghiêm túc thực hiện báo cáo thông tin liên quan giải trình biến động lợi nhuận bán niên năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp bị nhắc nhở- Ảnh 1.

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành chậm công bố thông tin theo quy định.

Theo quy định, TTF phải công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 vào ngày 30/8 nhưng tới ngày 4/9, Gỗ Trường Thành mới công bố giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế chênh lệch trước và sau soát xét trên 5%. Tới ngày 6/9, TTF tiếp tục công bố giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế chuyển từ lỗ thành lãi trên báo cáo bán niên năm 2024.

Theo HoSE, Gỗ Trường Thành đã chậm công bố thông tin theo quy định. HoSE nhắc nhở Gỗ Trường Thành nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo đúng quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Tương tự, Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí ( Petrosetco - mã chứng khoán: PET) thông qua nghị quyết từ tháng 2/2023 nhưng tới ngày 19/9 mới công bố nên bị HoSE nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp nghiêm chỉnh thực hiện quy định về công bố thông tin.

Theo đó, vào ngày 19/9, HoSE nhận được công bố thông tin của Petrosetco về bổ sung các nghị quyết ngày 23/2/2023 và ngày 28/2/2023 liên quan đến nội dung bảo lãnh cho các công ty con được cấp hạn mức tín dụng. Như vậy, Petrosetco đã chậm công bố thông tin về các nghị quyết bảo lãnh cho các công ty con.

“HoSE nhắc nhở và đề nghị Petrosetco nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định hiện hành để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư”, văn bản của HoSE nêu.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã NHA - sàn HOSE) thông qua kế hoạch huy động vốn của cổ đông để đầu tư, trả nợ và bổ sung vốn lưu động.

Theo đó, NHA thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 20%, có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được mua thêm 20 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến thực hiện là từ quý IV năm nay đến quý I/2025.

Nhiều doanh nghiệp bị nhắc nhở- Ảnh 2.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội dự kiến sẽ thu về hơn 88 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Với hơn 44 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính NHA sẽ chào bán thêm 8.834.904 cổ phiếu để thu về hơn 88 tỷ đồng. Số tiền huy động, công ty dự kiến dùng 50 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án, 30 tỷ đồng thực hiện chi trả các khoản nợ. Khoản còn lại (gần 8,35 tỷ đồng) sẽ bổ sung vào nguồn vốn lưu động.

Nếu phát hành thành công 8.834.904 cổ phiếu, vốn điều lệ của Nhà và Đô thị Nam Hà Nội sẽ tăng từ 441,7 tỷ đồng lên 530,09 tỷ đồng.

Đua nhau bán

Quỹ Vietnam Ventures Limited thuộc VinaCapital tiếp tục đăng ký bán thêm gần 2,5 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH). Ước tính, quỹ Vietnam Ventures Limited sẽ thu về khoảng 93 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu KDH như đã đăng ký.

Cụ thể, Vietnam Ventures Limited đăng ký bán 2.433.600 cổ phiếu KDH, dự kiến từ ngày 27/9 - 26/10 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Nếu giao dịch thành công, quỹ này sẽ giảm sở hữu tại KDH xuống còn 6,75 triệu cổ phần.

Trước đó từ 22/8 - 20/9, quỹ này đã đăng ký bán hơn 11,98 triệu cổ phiếu KDH nhưng chỉ bán được gần 9,55 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh do diễn biến của thị trường chưa phù hợp. Hồi tháng 7, Vietnam Ventures Limited cũng từng muốn bán 13,3 triệu cổ phiếu KDH nhưng chỉ giao dịch được 1,3 triệu cổ phiếu, chiếm 10% khối lượng đăng ký.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán: DHC) đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Ước tính, ông Nghĩa có thể thu về gần 38 tỷ đồng từ việc bán số cổ phiếu trên. Giao dịch được thực hiện từ ngày 27/9 - 25/10 theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh. Sau khi giao dịch hoàn tất, ông Nghĩa sẽ giảm sở hữu tại DHC xuống còn hơn 5,3 triệu cổ phần, tương đương 6,59% vốn điều lệ của DHC.

Ở chiều ngược lại, bà Ngô Thị Thu Hòe, mẹ của ông Nguyễn Quốc Bình - Thành viên Ban Kiểm soát DHC đã đăng ký mua 100.000 cổ phiếu từ ngày 20/9 - 18/10 nhằm mục đích đầu tư. Nếu mua thành công, bà Hòe sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại DHC lên 213.850 cổ phần.

Nhiều doanh nghiệp bị nhắc nhở- Ảnh 3.

Cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền tiếp tục bị quỹ đầu tư nước ngoài bán ra.

Quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company thuộc Dragon Capital đã bán ra 500.000 cổ phiếu PVD của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling.

Sau giao dịch, tổng số cổ phần các thành viên của Dragon Capital nắm giữ tại PVD giảm xuống còn hơn 27,3 triệu đơn vị, tương đương 4,92% vốn điều lệ. Như vậy, Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại PVD.

Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco - mã chứng khoán: NTL) thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 vào ngày 4/10 với tỷ lệ 12%. Có nghĩa, cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 1.200 đồng. Với gần 122 triệu cổ phiếu đang lưu hành, NTL cần chi khoảng 146 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức sắp tới.

Công ty CP Thủy điện Srok Phu Miêng Idico (mã chứng khoán: ISH) thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức phần còn lại năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ thực hiện là 10%. Với 45 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ISH sẽ chi 45 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2023 còn lại cho cổ đông.

Cuối tháng 7 vừa qua, ISH đã chi 45 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2023.

Theo Duy Quang

Tiền Phong

Trở lên trên