MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp sở hữu khoản dư tiền khổng lồ mà bất kỳ ai cũng thèm

10-11-2016 - 16:53 PM | Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã tích "của phòng thân" rất tốt và có số dư tiền mặt khổng lồ nên kể cả khi gặp biến cố lớn trong kinh doanh thì doanh nghiệp cũng không bị gục ngã.

Nếu ai theo dõi ngành dầu khí thì sẽ thấy, nhiều doanh nghiệp dầu khí đã bị ảnh hưởng nặng nề doanh thu, lợi nhuận kể từ biến cố giá dầu hồi đầu năm 2015. Nhưng, sự khó khăn đó không khiến cho cổ đông đồng loạt quay đi với doanh nghiệp bởi một lẽ: nhiều doanh nghiệp đã tích của phòng thân rất tốt trong giai đoạn trước đó nên khi gặp biến cố lớn, tác động không khiến doanh nghiệp gục ngã.

Dù kết quả kinh doanh Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas-mã chứng khoán GAS) lần đầu tiên rơi xuống dưới mức 1.000 tỷ đồng cho kỳ kinh doanh quý 3 vừa qua trong khi trước đây đều đặn dao động trong khoảng từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng/quý và kết quả lợi nhuận 9 tháng cũng không lấy gì làm sáng sủa với lợi nhuận chỉ đạt hơn 4 nghìn tỷ, giảm 46% so với cùng kỳ nhưng cổ phiếu GAS hiện đã tăng hơn gấp đôi so với đầu năm nay.

Kể chuyện ngành dầu khí hay PV Gas cũng chỉ để nói rằng, biến cố có thể khiến doanh nghiệp lao đao, thậm chí phá sản nhưng với những doanh nghiệp đã phòng thân kỹ càng thì họ vẫn chống chọi được với khó khăn và nhà đầu tư không quay đầu với cổ phiếu của họ. Một trong những khoản “phòng thân” lớn của doanh nghiệp mà nhà đầu tư luôn coi là điểm tựa vững chắc đó là khoản tiền và tương đương tiền.

Thống kê của chúng tôi mùa báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, có nhiều doanh nghiệp có dư tiền “khổng lồ” giúp họ dù ngồi chơi cũng có nghìn tỷ tiền lãi cho cổ đông, giảm rủi ro do hoạt động kinh doanh mang lại cho cổ đông.

Điển hình lớn nhất là PV Gas (mã chứng khoán GAS). PV Gas có hơn 17 nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra, công ty có thêm 5.323 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng.

Nhờ dư tiền khổng lồ, lãi tiền gửi, tiền cho vay 9 tháng đầu năm nay của GAS đạt 810 tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016. Nếu không có khoản lãi từ kinh doanh nguồn tiền mặt khổng lồ này, kết quả kinh doanh của GAS có lẽ còn “thê thảm” hơn nữa.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán ACV) hiện đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UpCOM. Với 2,18 tỷ cổ phiếu, ACV là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất UpCOM.

Điều đáng nói là với hơn 4.350 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng hơn 12.500 tỷ đồng gửi ngân hàng kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm, ACV thu lãi tiền gửi riêng quý 3 đạt 211 tỷ đồng và 6 tháng gần nhất đạt 403 tỷ đồng.

Tuy nguồn thu lãi tiền gửi chỉ đóng góp một phần nhỏ trong khoản lợi nhuận hơn 800 tỷ đồng quý 3 của ACV nhưng nguồn thu lãi tiền gửi là khoản khiến nhà đầu tư an tâm rằng dù gặp bất lợi gì trong kinh doanh, rủi ro tỷ giá hay rủi ro khác thì khoản thu được từ “của để dành” cũng sẽ giúp kết quả kinh doanh của công ty không quá thảm.

Một doanh nghiệp niêm yết lớn khác cũng sở hữu hơn 10 nghìn tỷ tiền và tương đương tiền là Masan (mã chứng khoán MSN). Với hơn 15 nghìn tỷ đồng tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn hơn 3 tháng, Masan thu về khoảng 524 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay trong 9 tháng đầu năm 2016.

Còn Sabeco, tuy chưa chính thức ghi danh trên thị trường chứng khoán nhưng nhiều nguồn tin cho hay doanh nghiệp này sẽ nộp hồ sơ xin niêm yết trên sàn HoSE. Nếu đúng, HoSE sẽ có thêm một doanh nghiệp lớn. Sabeco cũng là doanh nghiệp có gần 10 nghìn tỷ đồng dư tiền cuối quý 3/2016 vừa qua.

Doanh nghiệp lớn ngành bất động sản Vingroup (mã chứng khoán VIC) cũng là một đơn vị có dư tiền và tương đương tiền hơn 9.650 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3. Tất nhiên, Vingroup cũng vay nợ nhiều cho hoạt động đầu tư nhưng khoản dư tiền cho thấy sức mạnh thanh toán nhanh của doanh nghiệp. Đồng thời, 9 tháng đầu năm, lãi từ tiền gửi doanh nghiệp này thu về cũng đạt con số trên 800 tỷ đồng.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên