MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp trữ hàng thiết yếu phòng lũ ở miền Trung

20-10-2020 - 18:33 PM | Thị trường

Đây là chương trình của Bộ Công Thương thực hiện ở các tỉnh miền Trung - nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lũ lụt lịch sử...

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp ở một số tỉnh miền Trung gần đây đã gây lụt, nhiều huyện miền núi bị chia cắt, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai thực hiện theo kế hoạch và phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt chú trọng công tác dự trữ tại chỗ.

Trong đó, đã tổ chức hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến.

Yêu cầu các doanh nghiệp phân phối đã được phân công dự trữ hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá;  thực hiện xuất kho, cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Chỉ đạo Ban quản lý các chợ khắc phục nhanh, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh nhanh chóng hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ.

Phối hợp gửi lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm soát thị trường, tránh trường hợp tăng giá bất thường, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Kể từ sau khi Bão số 6 đổ bộ vào Miền Trung đến nay, tại các khu vực miền Trung liên tiếp có mưa to đến rất to, nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, chia cắt giao thông, sạt lở đất, gây thương vong, thiệt hại rất lớn.

Cụ thể, việc dự trữ hàng hóa tại một số tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ đã được xây dựng kỹ lưỡng về phương án, mặt hàng, địa điểm, đối tượng…sẵn để triển khai khi xảy ra thiên tai tại 4 tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Theo Bộ Công Thương, tính đến thời điểm này, tại Quảng Bình đã có các doanh nghiệp như: Coop mart;  Vinmart Quảng Bình; Siêu thị Thái hậu; Siêu thị Diên Hồng; Công ty TNHH SX TM Thương Ngọc; Công ty TNHH Vương Thuận; Công ty TNHH Hương Bình; Công ty TNHH Phú Hải; Công ty Xăng dầu Quảng Bình; Công ty TNHH TM Minh Khiêm.

Hàng hoá dự trữ gồm 63.700 thùng mì ăn liền; 12.600 lương khô, 1.175 tấn gạo, 17.500 thùng nước đóng chai, 1.700 tấn thực phẩm khác, 1.000 tấm tôn, 3.000 tấm lợp vật liệu khác, 850m3 dầu hoả, xăng dầu…

Tại tỉnh Quảng Trị, doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ gồm Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Sài Gòn- Đông Hà với 50.000 thùng mì ăn liền, 300 tấn gạo, 30.000 thùng nước đóng chai, 20 tấn đường, 20 tấn muối, 15.000 lít nước mắm, 100.000 đồ hộp các loại, 15.000 lít dầu thực vật.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ gồm Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế; Công ty Thái Đông Anh; Công ty Hoàng Đạt; Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế; Công ty Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Tôn Nguyễn Danh; Công ty cấp thoát nước Thừa Thiên Huế; Công ty Thanh Tân Thừa Thiên Huế; Công ty Hương Thủy; Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh.

Mặt hàng tích trữ gồm 50.000 thùng mì, 100 tấn gạo, 35.000 nước uống đóng chai, 2.2 triệu lít xăng, 2.3 triệu lít dầu, 70.000 tấm tôn lập, đinh vít và dây thép…

Tại Quảng Nam, doanh nghiệp tham gia dự trữ gồm chi nhánh Xăng dầu khu vực V tại Quảng Nam; Siêu thị Coopmart Tam Kỳ với 45.000 tấn mì ăn liền, 107.227 tấm tôn lợp, lương khô, 120.000 nước uống đóng chai…

Theo Bạch Huệ

Vneconomy

Trở lên trên