Nhiều doanh nghiệp ước tăng lợi nhuận tính bằng lần trong quý 1/2022, phân bón và hoá chất dẫn đầu, một ngân hàng tăng 92%
Hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón tăng từ 6 - 10 lần, Hoá chất Đức Giang tăng 5 lần, đây là 3 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2022 tốt nhất trong phạm vi nghiên cứu của SSI.
- 30-03-2022Thị giá vượt 230.000 đồng/cp, Hoá chất Đức Giang (DGC) chia cổ tức tỷ lệ 127%, lợi nhuận kế hoạch năm 2022 đạt 3.500 tỷ đồng
- 09-03-2022Everest Securities: Phân bón và thủy sản là những nhóm ngành triển vọng
- 16-02-2022Phân bón Phú Mỹ: Sản lượng sản xuất cao, hàng hóa dồi dào
SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2022 của 32 hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, phân bón, hoá chất đến cảng biển, dầu khí, điện, ….
Theo kết quả ước tính, 30 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 1, chỉ có 2 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần bao gồm CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (mã CK: DCM), Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (mã CK: DPM), CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã CK: DGC), CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã CK: HAH) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã CK: SHB).
Đối với 2 doanh nghiệp đầu ngành phân bón, SSI ước tính LNST quý 1/2022 của DCM đạt 1.000 tỷ đồng (tăng 6,6 lần so với cùng kỳ) nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.
Còn DPM ước tính LNST đạt 1.800 tỷ đồng (tăng 10 lần so với cùng kỳ) trong quý 1/2022, chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh và sản lượng tiêu thụ tăng lên.
Trong số 2 doanh nghiệp cảng biển nằm trong phạm vi nghiên cứu của SSI, HAH vượt trội hơn hẳn về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khi ước tính LNST của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) đạt khoảng 200 tỷ đồng (gấp 3 lần so với cùng kỳ), nhờ hoạt động toàn thời gian của 4 tàu cho thuê, giá cước vận tải nội địa tăng, giá dịch vụ cảng tăng.
Trong 1 báo cáo trước đó, SSI Research cũng nhận định căng thẳng Nga-Ukraine có thể kéo dài tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ở Châu Âu và tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn cho các cổ phiếu phân bón của Việt Nam vốn có thể hưởng lợi từ giá bán Urê cao hơn.
Về giá, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets của Bloomberg trong tuần kết thúc vào ngày 18/3 là 1.248 USD/tấn, so với mức 1.138 USD/tấn trong tuần trước đó, tăng gần 10%. So với một tháng trước, khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, giá mặt hàng này tăng 40% và là mức cao nhất lịch sử.
Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ (Nguồn: Bloomberg)
Sản lượng xuất khẩu phân bón cũng tăng mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 474.268 tấn (tăng 42,6% so với cùng kỳ), thu về gần 307 triệu USD.
Là doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu photpho vàng, giá photpho tăng cao giúp DGC tăng nhanh lợi nhuận, ước tính quý 1/2022 LNST của DGC đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 5 lần so với cùng kỳ).
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), giá phốt pho và phân lân tăng mạnh gần 40% trong 2 tháng đầu năm 2022 do gián đoạn nguồn cung từ Nga và Trung Quốc, chi phí đầu vào tăng cao vì giá khí đốt và than đá tăng cao trong khi nhu cầu cao. Theo dự đoán, giá phân lân DAP sẽ tiếp tục được giữ ở trên mức 600 USD/tấn trong năm nay nếu giá phốt pho vẫn tiếp tục "nóng" lên.
Trong khi đó, nhờ cảng Gemalink hoạt động ở mức gần tối đa công suất, LNTT của CTCP Gemadept (mã CK: GMD) cũng được ước tính sẽ duy trì mức tăng trưởng 20% hoặc hơn.
Về nhóm ngân hàng, SHB là ngân hàng được ước tính tốc độ tăng trưởng tốt nhất, tăng 92% so với cùng kỳ đạt 3.200 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định.