Nhiều doanh nghiệp vận tải đang cận kề phá sản
Do chịu tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải, xe kinh doanh tự do đang gặp rất nhiều khó khăn, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả nhiều chi phí. Doanh nghiệp vận tải hiện đang cận kề phá sản, đối mặt với các khoản nợ gia tăng.
- 07-10-2021Việt Nam là 'chủ nợ' thứ 32 của Mỹ
- 06-10-2021Giải mã việc khi DN may mặc, da giày 'căng thẳng', Nike chuyển đơn hàng sang nước khác, thì Samsung, TSMC, Intel... liên tục đổ vốn vào Việt Nam
- 31-08-2021Nhiều tỉnh 'vẽ' thêm quy định làm khó doanh nghiệp vận tải
Qua 4 đợt dịch, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều gần như kiệt quệ. Doanh nghiệp nào may mắn, hoạt động cầm chừng thì doanh thu cũng giảm đến 80%. Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách thì giãn cách đồng nghĩa doanh thu bằng không.
Trong khoảng 2 tháng áp dụng Chỉ thị 16, hơn 20.000 xe taxi và hơn 10.000 phương tiện vận tải hành khách ở Hà Nội đều nằm đắp chiếu. Theo đó hàng chục nghìn lái xe không có việc làm, không thu nhập.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho hay đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Thời gian qua, hãng taxi Mai Linh cũng không nằm ngoài vòng xoáy của cơn lốc Covid -19. Mặc dù trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, hãng này vẫn có 200 xe được phép chạy tại một số bệnh viện ở Hà Nội, nhưng thu cũng không thể đủ chi. Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh vùng I cho hay, hiện sức ép lớn nhất của doanh nghiệp là đến kỳ phải trả lãi vay ngân hàng. Hầu hết người lao động không có việc làm đã bỏ về địa phương kiếm sống. Hiện Mai Linh cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải đang rất khó tiếp cận với những hỗ trợ và vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
"Sức ép trả lãi ngân hàng, kể cả cho chậm trả nhưng vẫn phải trả lãi gộp, doanh nghiệp đang tính phương án bán xe để cắt lỗ… Lái xe nghỉ về quê kiếm sống, nếu như mở trở lại cũng phải mất hàng tháng mới hoạt động ổn định", ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm.
Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương vẫn có một lượng nhỏ taxi được hoạt động. Với việc thực hiện nghiêm các biện pháp 5k, xe taxi được thiết kế thêm vách ngăn, nên trong đợt dịch vừa qua không có bất cứ lái xe nào bị nhiễm Covid-19. Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn để Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh trong vận tải hành khách trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng của doanh nghiệp vận tải, bến xe đều không đạt so với kế hoạch đưa ra. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thời gian qua vận tải hành khách hoạt động chỉ đạt 20% so với trước dịch, vận tải hàng hóa chỉ đạt 40% so với năm trước.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Đơn cử, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí sử dụng đường bộ nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, doanh nghiệp vận tải khó tiếp cận được Nghị quyết 68 của Chính phủ. Vì vậy theo ông Nguyễn Văn Quyền, thời gian tới Chính phủ cũng cần có quy định giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ôtô về 0%, cho phép tăng thời gian của chu kỳ kiểm định xe kinh doanh taxi..
"Cách phòng chống dịch ở các địa phương khác nhau nên rất khó cho vận tải hành khách. Chính phủ cần ở quy định thống nhất để cùng thực hiện. Địa phương chỉ có quy định riêng ở trong tỉnh mình ở một số lĩnh vực... còn nên có quy định thống nhất chung thì vận tải khách mới có thể hoạt động trở lại", ông Nguyễn Văn Quyền nêu thêm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, nếu không phương án bán xe, trả nợ sẽ là sự lựa chọn “cực chẳng đã” của các doanh nghiệp vận tải./.
VOV