MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mất đơn hàng vì chậm chuyển đổi xanh

Trước đây, các doanh nghiệp Việt theo đuổi tính “xanh” để đánh đổi chi phí, thì hiện nay chiến lược này còn nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất và bán hàng ra quốc tế. Cuộc “lội ngược dòng” của dệt may Bangladesh là một minh chứng điển hình.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mất đơn hàng vì chậm chuyển đổi xanh - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn Đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh. Ảnh: Thái Cường.

Cuộc "lội ngược dòng" của dệt may Bangladesh

Phát biểu tại Diễn đàn Đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh với chủ đề "Liên kết mạnh - xuất khẩu xanh", TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá "xanh" và "số" là 2 từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang đeo đuổi để thích ứng với các yêu cầu từ thị trường quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mất đơn hàng vì chậm chuyển đổi xanh - Ảnh 2.

Để đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh, các địa phương, doanh nghiệp cần hợp tác đầu tư về tăng trưởng xanh và kinh tế số.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE

Trước đây, các doanh nghiệp theo đuổi tính "xanh" để đánh đổi chi phí, thì hiện nay chiến lược này còn nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Cuộc "lội ngược dòng" của dệt may Bangladesh là một minh chứng rõ ràng nhất.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam năm 2021 đứng vị trí thứ 2 thế giới nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt đơn hàng xuất khẩu đồ bảo hộ, đồ phòng chống COVID-19. Thế nhưng, có khả năng Việt Nam phải mất vị trí này về tay đối thủ cạnh tranh Bangladesh - quốc gia tính đến năm 2022 có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) đồng thời có 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.

Ở góc nhìn rộng mở hơn, TS. Võ Trí Thành nhận xét vẫn có khoảng cách lớn từ chiến lược, chính sách đến hiệu lực thực thi. Thực tế, kế hoạch hành động của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 3/12 mục tiêu đề ra, tác động lan tỏa còn thấp. Ngoài ra, chuyển động "xanh" của doanh nghiệp còn hạn chế khi tỷ lệ sản phẩm đáp ứng chuẩn thị trường, nhất là ở các nước Châu Âu chỉ khoảng 5%.

Chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc

Các chuyên gia đều nhìn nhận chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của thị trường, tuy nhiên giải pháp để chuyển đổi không thể do doanh nghiệp hay nhà nước muốn là làm được. Với đặc thù nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cần có sự nỗ lực từ hai phía.

TS. Võ Trí Thành nhìn nhận đây sẽ là một quá trình nhiều thách thức, cần sự thay đổi tư duy, nhận thức; cải cách thể chế, khung khổ pháp lý và chính sách; đào tạo; truyền thông. Ngoài ra, còn đòi hỏi cả hai cách tiếp cận: từ "dưới lên" (bottom up) và từ "trên xuống" (top down); cần nỗ lực cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Về phần mình, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh, các địa phương, doanh nghiệp cần hợp tác đầu tư về tăng trưởng xanh và kinh tế số.

Vấn đề quan trọng là phân công và hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa các địa phương để khai thác lợi thế của cả vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong cuộc đua tranh với các nước trong khu vực vì hạnh phúc của cộng đồng dân cư.

Từ đó, GS.TSKH Nguyễn Mại đánh giá, cần điều chỉnh hệ thống các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu Đô thị sinh thái theo hướng chuyên biệt hóa (cluster), khắc phục tình trạng dàn trải như hiện nay; liên kết logistics theo chuỗi cung ứng với cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, giao thông đường bộ, đường sắt, trạm trung chuyển, kho chứa hàng để hợp lý hóa quá trình vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, giảm thiểu chi phí, hạ giá thành đến mức ngang bằng với các nước tiền tiên trong ASEAN.

Nhiều tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam

Thông tin tại Diễn đàn, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, Tập đoàn Lego đã khởi công xây dựng nhà máy trên diện tích 44 ha, vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Bình Dương, được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và một trang trại điện mặt trời tại khu đất của dự án…. Đây là nhà máy thứ 6 và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego trên toàn cầu.

Công ty Pandora sản xuất đồ trang sức của Đan Mạch cũng đã quyết định đầu tư 100 triệu USD tại Bình Dương, sử dụng năng lượng tái tạo theo tiêu chuẩn LEED.

Ngoài ra, tại Đồng Nai, hiện cũng đã có 32 khu công nghiệp, trong đó đã có 3 khu công nghiệp sinh thái, và sẽ thành lập thêm 6 khu công nghiệp sinh thái mới.

Tại TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHT) hiện được coi là điểm đến lý tưởng của nhiều tập đoàn công nghệ cao thế giới với 51 dự án FDI, vốn đầu tư 10,106 tỷ USD như: Intel, Samsung, Nidec, Jabil, Sonion…

Năm 2022, các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP.HCM có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên 23 tỷ USD, chiếm hơn 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM.

Việt Nam đã trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn với số vốn đầu tư 920 triệu USD; nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới như USI Electronics của Đài Loan (Trung Quốc), Renesas Electronics (Nhật Bản) đã quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Intel xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất tập đoàn với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; dự định liên kết với một số công ty bán dẫn để sản xuất thêm nhiều sản phẩm trong những năm tới tại Việt Nam.

Theo Nikkei Asia, những đối tác tiềm năng của Intel bao gồm hãng sản xuất TSMC của Đàì Loan đang phát triển chip 5 nannomet, loại chip tân tiến nhất hiện nay. TSMC được cho là đang đối thoại cùng Intel về ít nhất 5 dự án gia công sắp tới.

Theo Hữu Bật

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên