Nhiều động lực để đồng yên vượt ngưỡng 110 JPY/USD
Đồng tiền trong nhóm 10 đồng tiền chủ chốt vốn đã chịu cảnh quá bán kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ - đang có xu hướng phục hồi mạnh.
- 25-01-2017Thay vì USD, giới đầu tư đang mua Yên Nhật
- 22-12-2016Trump lên làm Tổng thống, yên Nhật sẽ tăng mạnh?
- 25-11-2016USD hướng tới mốc cao nhất 21 năm so với yên Nhật
Lãi suất thực tại Nhật đang tăng, trong khi tình trạng bất ổn chính trị toàn cầu và các tín hiệu kỹ thuật đã giúp cho đồng yên Nhật phục hồi 7% từ mức thấp trong tháng 12 so với đồng USD. Động lực đang tích tụ và có thể hỗ trợ đồng tiền này có thể tăng thêm 2% lên đến 108 JPY/USD vào tháng Sáu, theo những người tham gia thị trường.
“Một nhân tố cụ thể của Nhật Bản đang phát huy hiệu quả thúc đẩy đồng Yên, khi kỳ vọng lạm phát yếu đang làm tăng lãi suất thực”, Minori Uchida – Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ Ltd ở Tokyo cho biết. “Đồng yên có thể tăng lên tới mức 108 (JPY/USD) vào tháng Sáu. Với việc ông Trump được kỳ vọng có thể bắt đầu mờ nhạt, chúng tôi đang xem xét sửa đổi dự báo cuối năm của chúng ta là 107 (JPY/USD)”.
Mặc dù giá tiêu dùng lõi tại Nhật tăng 0,1% trong tháng Giêng, mức tăng lần đầu tiên trong 13 tháng, chủ yếu là do sự phục hồi của giá dầu; tại cuộc họp chính sách tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) thừa nhận rằng kỳ vọng lạm phát hiện vẫn đang suy yếu.
Đồng yen tăng 0,8% trong phiên sáng nay lên mức cao nhất kể từ ngày 22/11/2016, sau khi Dự luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại vào cuối tuần trước. Mặc dù vậy, theo Uchida, nó vẫn thấp hơn khoảng 5% so với đồng USD từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11, và điều này cũng có thể khuyến khích các nhà đầu tư mua vào đồng tiền Nhật Bản.
Sự sụt giảm của đồng yên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016 gắn liền với kỳ vọng các cam kết chính sách tài khóa được Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử sẽ đẩy đồng đôla tăng lên. Tuy nhiên Dự luật chăm sóc sức khỏe của ông Trump thất bại là làm các nhà đầu tư thêm mối hoài nghi về khả năng thực hiện các cam kết chính sách thúc đẩy tăng trưởng của ông.
“Nhìn chung, chúng ta đang thấy động thái bán ra USD và điều đó khiến không chỉ đồng yên tăng giá”, Satoshi Okagawa - chuyên gia phân tích thị trường toàn cầu của Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking tại Singapore nói. Đề xuất chính sách lập pháp đầu tiên của ông Trump thất bại khiến cho chính sách của ông kém hiệu quả hơn hy vọng ban đầu”, ông nói. “Điều đó sẽ khiến đồng đôla suy yếu và đẩy đồng yên từ mức 110 tăng lên khoảng 108 (JPY/USD)”.
Đồng USD đã giảm xuống dưới mức 111,35 JPY - được xem là mức hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà đầu tư - sẽ gửi tín hiệu bán ngắn hạn, theo Tatsuhiro Iwashige - Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của nhóm giải pháp đầu tư tại GCI Asset ở Tokyo. Ông cho rằng việc cặp tiền tệ ổn định dưới mức 111,35 JPY sẽ là tín hiệu của xu hướng bán dài hạn, tạo động lực để đồng USD hướng tới mức 107,50 JPY.
Tuy nhiên, theo Okagawa của SMBC, đồng yên sẽ không đạt được mức 100 JPY/USD do sự khác biệt về triển vọng lãi suất ở hai quốc gia. Fed đã tăng lãi suất lần thứ 2 trong vòng 3 tháng vào ngày 15/3 và báo hiệu rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng nữa. Trong khi BOJ vẫn giữ nguyên chương trình nới lỏng tiền tệ chưa từng có sau đó một ngày.
Okagawa chỉ ra thị trường hoán đổi như là một hướng dẫn. Tỷ lệ hoán đổi Mỹ-Nhật kỳ hạn 2 năm, được giao dịch quanh mức 1% khi đồng yen vào khoảng 100 JPY/USD, hiện đã tăng lên khoảng 1,5%. Điều này cho thấy tỷ giá của cặp đồng tiền yên-USD khoảng 110 – 100 JPY/USD, là “ít nhiều” tương ứng với mức chênh lệch lãi suất, ông nói.
Đồng quan điểm này, Yoshisuke Kiguchi - Giám đốc đầu tư tại Quỹ hưu trí Okayama Metal & Machinery tại thành phố Okayama cho rằng, mức 100 JPY/USD sẽ không bền vững trừ khi Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát một lần nữa. Kengo Suzuki - chiến lược giá tiền tệ tại Công ty Chứng khoán Mizuho tại Tokyo cũng cho biết, mức 108 JPY/USD là có khả năng và có thể còn giảm hơn nữa nếu “kỳ vọng vào Trump được loại bỏ hoàn toàn”.
Ngoài những khác biệt về lãi suất, môi trường chính trị và tiền tệ ở châu Âu cũng đang hỗ trợ cho đồng yên. Theo Okagawa, đồng tiền của Nhật Bản được xem là thiên đường an toàn, đặc biệt là đối với rủi ro chính trị của Pháp. Và Uchida của Bank of Tokyo-Mitsubishi cũng cho rằng, bất kỳ suy yếu nào về lập trường nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, những kỳ vọng dẫn đến sự tăng giá của đồng euro trong năm nay, cũng sẽ thúc đẩy đồng yên.
"Tỷ giá euro/USD tăng có nghĩa là đồng đôla đang bước vào giai đoạn mà nó sẽ phải vật lộn để tăng giá, thêm một yếu tố nữa thúc đẩy triển vọng của đồng yên”, ông nói.
Thời báo ngân hàng