Nhiều dự án du lịch ở Quảng Ngãi dở dang
Phát triển du lịch được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, nhiều dự án du lịch chậm triển khai, trong khi đó các nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người".
Nhiều dự án "ngâm đất", bị thu hồi
Tại khu vực biển Mỹ Khê (TP. Quảng Ngãi) loạt dự án kéo dài nhiều năm, không triển khai thực hiện trên thực tế, đã gây ra nhiều ý kiến trong dư luận, gây bức xúc trong nhân dân về việc để lãng phí tài nguyên đất đai, đặc biệt là ở vị trí đắc địa tại khu vực biển Mỹ Khê.
Đơn cử, dự án Khu du lịch sinh thái biển Hàng Dương được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho Công ty TNHH Hà Thành làm chủ đầu tư từ năm 2003, có diện tích hơn 13ha, tổng vốn đầu tư gần 38 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2005.
Mặc dù dự án này được UBND tỉnh xem xét những khó khăn cho giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai dự án, nhà đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai theo quy định của pháp luật.
Đến năm 2019, đơn vị này đã không triển khai đầu tư theo đúng giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư được cấp, có dấu hiệu vi phạm về đầu tư và vi phạm đất đai. Nguyên nhân là do nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính, dẫn đến không thực hiện đúng cam kết về tiến độ đầu tư.
Tháng 7/2023, UBND TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc và cây cối của Công ty TNHH Hà Thành và những người đang sử dụng đất không chấp hành, bàn giao đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng tại khu vực này, vào tháng 3/2023, dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê cũng chính thức bị thu hồi để đưa ra đấu thầu chọn nhà đầu tư mới. Dự án này được cấp giấy chứng nhận lần đầu năm 2010, thuê tổng diện tích 23,5ha trong thời hạn 49 năm, tổng vốn đầu tư 824 tỷ đồng.
Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi cho rằng, dọc bãi biển Mỹ Khê có nhiều khu đất đẹp. Giai đoạn trước, không ít nhà đầu tư vào để thực hiện các dự án du lịch nhưng lại không quyết tâm, thực hiện không đúng quy định của pháp luật, tạo ra cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan.
Do đó, tỉnh quyết tâm thu hồi những dự án chây ỳ ở dọc biển Mỹ Khê để tạo quỹ đất sạch, thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực vào khu vực này, góp phần phát triển kinh tế.
Hay dự án Khu du lịch Thiên Đàng, dự án này được kỳ vọng khi đưa vào sử dụng sẽ giúp cho du lịch tỉnh này "cất cánh". Cụ thể, năm 2005, dự án khu du lịch Thiên Đàng với diện tích lên đến 286ha tại Khu Kinh tế Dung Quất do Công ty TNHH Thiên Đàng (sau đổi tên CTCP Thiên Đàng) đầu tư với tổng vốn hơn 1.900 tỷ đồng.
Mặc dù chủ đầu tư đã đổ "núi tiền" vào dự án, nhưng sau 18 năm, khu du lịch biển này vẫn bỏ hoang, xuống cấp.
Ở một dự án du lịch khác là công trình mở rộng khu du lịch Sa Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định về việc thu hồi đất đối với CTCP Du lịch Quảng Ngãi tại công trình này.
Theo đó, tỉnh này thu hồi hơn 3ha đất tại công trình mở rộng khu du lịch Sa Huỳnh. Lý do thu hồi là do CTCP Du lịch Quảng Ngãi thuê đất thực hiện công trình mở rộng khu du lịch Sa Huỳnh nhưng không sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng nhưng không lập thủ tục gia hạn tiến độ sử dụng đất theo quy định.
Ư u tiên 3 dòng sản phẩm chủ đạo
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 370 cơ sở lưu trú, với tổng số 4.800 phòng. Trong đó, có 2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 1 sao và 72 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu.
Hiện có 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với trên 180 hướng dẫn viên du lịch... Các sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa có tính đột phá, thiếu đặc trưng; du lịch cộng đồng tại các địa phương còn thiếu đồng bộ.
Đáng chú ý, việc thu hút các nhà đầu tư và phát triển các dự án du lịch còn hạn chế, nhiều dự án du lịch triển khai chậm tiến độ, không hiệu quả. Trong 10 năm qua, Quảng Ngãi có 23 dự án đầu tư phát triển du lịch, với diện tích sử dụng đất hơn 473ha, tổng số vốn đầu tư hơn 5.667 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này chưa tới 10 dự án đi vào hoạt động.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, so với các tỉnh, thành phố ở khu vực lân cận, Quảng Ngãi là tỉnh đi sau, gặp nhiều khó khăn trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, dư địa phát triển du lịch của tỉnh còn nhiều, lại được rút kinh nghiệm, khắc phục điểm yếu của các tỉnh, thành phố đi trước. Quảng Ngãi đang có nhiều cơ hội để ngành du lịch tăng tốc.
Để phát triển du lịch, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách theo hưởng tạo thuận lợi tối đa nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời thực hiện cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đảm bảo phù hợp quy hoạch du lịch trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái nông nghiệp; chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác, đặc biệt là nông nghiệp, thương mại và giao thông trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm "lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm", UBND tỉnh cho hay.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối du lịch với các tỉnh thành phố trong nhóm Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhóm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên... tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế…
Khách đến Quảng Ngãi chi tiêu chưa tới 1 triệu đồng/người
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, mỗi du khách đến Khánh Hòa chi tiêu 5,3 triệu đồng (thuộc top đầu cả nước), tại TPHCM là 4,52 triệu đồng, tại Hà Nội 1,88 triệu đồng, tại Bình Thuận 1,7 triệu đồng…
Riêng tại Quảng Ngãi chi tiêu của mỗi du khách chỉ vỏn vẹn 965.000 đồng. Điều đó cho thấy, Quảng Ngãi rất ít dịch vụ du lịch đặc sắc để du khách tiêu tiền.
Nhà đầu tư